Đắk Nông và mục tiêu những vùng quê đáng sống
Xây dựng nông thôn thành những làng quê đáng sống là mục tiêu của Đắk Nông trong quá trình xây dựng nông thôn mới (NTM), NTM nâng cao.
Khởi sắc những vùng quê
Trong dự định tìm một điểm đến ở khu dân cư mà gần 5 năm trước tỉnh Đắk Nông chọn để xây dựng thí điểm mô hình NTM kiểu mẫu, chúng tôi liền nhớ đến gia đình ông Trần Minh Xuân, trưởng thôn 7, xã Tâm Thắng, huyện Cư Jút.
Khi chúng tôi gọi điện, ở đầu dây bên kia ông Xuân thông tin: “Tôi đang ở trụ sở UBND xã để triển khai mô hình "Thôn thông minh". Nếu không vội, 5 giờ chiều hẹn gặp nhau ở hội trường thôn 7 nhé!”.
Trước khi gặp ông Xuân, chúng tôi tranh thủ tìm hiểu một số thông tin về thôn 7, xã Tâm Thắng, nơi đang được triển khai xây dựng "Thôn thông minh".
Thôn 7 đã được công nhận là khu dân cư NTM kiểu mẫu năm 2023. Đến nay, các hạng mục liên quan đến xây dựng khu dân cư kiểu mẫu của thôn đã được hoàn chỉnh. Vùng quê kiểu mẫu thêm tươi sáng nhờ người dân đồng tâm hưởng ứng.
Diện mạo của thôn khang trang hơn nhờ đường thôn, ngõ xóm được lắp đèn, mở rộng. Người dân tích cực tôn tạo những tuyến đường hoa, vệ sinh đường sá, chỉnh trang nhà cửa…Các ngành chức năng phối hợp với thôn xây dựng 2 vườn mẫu với diện tích 3,7ha; 5 mô hình phát triển sản xuất ứng dụng công nghệ cao. Trong đó, mô hình vườn mẫu của ông Trần Văn Dương, Bí thư Chi bộ thôn 7 là một điển hình. Với diện tích đất 1,8 sào, ông Dương trồng xen đinh lăng, sưa, dó bầu.
Theo ông Dương, giá trị thu nhập từ vườn mẫu này ước khoảng 80 triệu đồng/năm, cao hơn gấp nhiều lần so với giá trị sản xuất trên một diện tích đất của huyện (90 triệu đồng/ha/năm).
Như đã hẹn, chúng tôi đến gặp ông Xuân. Câu chuyện về xây dựng thôn kiểu mẫu thời gian qua được ông Xuân kể lại một cách đầy sinh động, với nhiều chi tiết rất ấn tượng.
Ông Xuân cho biết, từ một vài mô hình vườn rẫy mẫu, đến nay, thôn 7 đã nhân rộng thành nhiều mô hình. Các vườn mẫu áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nên hiệu quả kinh tế tăng lên rõ rệt, đời sống người dân ngày một khấm khá.
“Để xây dựng khu dân cư NTM kiểu mẫu ở thôn 7, địa phương đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đồng thời có sự hỗ trợ kịp thời của các ngành chức năng trong việc thực hiện 2 tiêu chí khó là giao thông và vườn mẫu. Thành công này càng khẳng định, người dân là nhân tố chủ thể, xuyên suốt trong quá trình xây dựng NTM”, ông Xuân cho biết thêm.
Theo ông Vũ Sinh Quyết, Phó Chủ tịch UBND xã Tâm Thắng, từ kết quả thôn NTM kiểu mẫu, thôn 7 đang hướng đến xây dựng “Thôn thông minh”. Do đó, xã đang hỗ trợ Ban Tự quản thôn 7 điều tra, rà soát các số liệu để đáp ứng các tiêu chí về hạ tầng số, xã hội số và kinh tế số theo quy định của Bộ Tiêu chí mô hình "Thôn thông minh".
Được công nhận đạt chuẩn NTM năm 2018, diện mạo nông thôn của xã Đắk Wer, huyện Đắk R’lấp có nhiều khởi sắc, đời sống của người dân được nâng lên.
Ông Lưu Ngọc Ba, trưởng thôn 6, xã Đắk Wer cho biết, công tác phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập được địa phương thực hiện song hành với các nhiệm vụ xây dựng NTM.
Toàn thôn hiện có 125ha cà phê, 15ha hồ tiêu cùng hàng chục ha các loại cây trồng khác như bơ, sầu riêng, mít. Nhờ được chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, nhiều nông dân trong thôn đã áp dụng thành công mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, mang lại hiệu quả cao, đầu ra sản phẩm ổn định.
Sản xuất hiệu quả nên người dân có thu nhập ổn định, nâng cao đời sống. Không những vậy, người dân trên địa bàn còn tích cực tham gia đóng góp xây dựng NTM, giúp làng quê ngày càng giàu đẹp, đáng sống.
Hành trình còn dài
Sau gần 13 năm tỉnh Đắk Nông thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, diện mạo nông thôn Đắk Nông đã có sự thay đổi toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn ngày càng được nâng cao, tạo động lực để kinh tế - xã hội phát triển bền vững.
Đến nay, tỉnh Đắk Nông đã có 40/60 xã đạt chuẩn NTM; 5 xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Riêng TP. Gia Nghĩa đã hoàn thành xây dựng NTM. Có 3 huyện ở Đắk Nông đang phấn đấu hoàn thành xây dựng NTM vào năm 2025 gồm: Đắk Mil, Đắk R'lấp, Cư Jút
Theo ông Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Sở Nông nghiệp - PTNT Đắk Nông, đối với xây dựng NTM, việc đạt được các tiêu chí đã khó, giữ được tiêu chí còn khó hơn. Do vậy, nhiệm vụ của các địa phương là cố gắng giữ vững tiêu chí đạt được và phấn đấu nâng cao chất lượng các tiêu chí.
Ông Phạm Tuấn Anh cho biết: “Trong quá trình triển khai xây dựng NTM, chúng tôi luôn luôn đặt ra 2 mục tiêu song hành. Đó là bảo vệ, duy trì những kết quả đã đạt được, đồng thời, phấn đấu lên ngưỡng cao hơn”.
Cũng theo ông Anh, đối với Đắk Nông hiện nay, những xã đạt được NTM phải phấn đấu đạt NTM nâng cao. Khi đạt xã NTM nâng cao thì đích đến là NTM kiểu mẫu. Mục tiêu sau cùng đó là tạo lập được môi trường đáng sống ở khu vực nông thôn.
Đắk Nông đang nỗ lực kéo giảm khoảng cách giữa nông thôn và thành thị. Nông thôn phải là khu vực đáng sống là mục tiêu mà Đắk Nông đang hướng đến trong xây dựng NTM. “Các vùng sản xuất nông nghiệp ở Đắk Nông chưa bị ô nhiễm về môi trường, đất đai, nguồn nước. Cho nên nông thôn Đắk Nông có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, khác biệt với nhiều nơi khác”, ông Phạm Tuấn Anh cho hay.
Nông thôn mới không chỉ phấn đấu đạt các chỉ tiêu về cơ học mà còn đạt được các chỉ số về nơi đáng sống
Ông Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Sở NN - PTNT Đắk Nông
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trọng Yên cho rằng, xây dựng NTM ở giai đoạn mới cần phải có sự thay đổi về tư duy. Đó là NTM phải là nơi đáng sống, người đi rồi vẫn muốn quay về. Muốn được như vậy thì tất cả mọi cái đều phải được nâng tầm, nhất là những cái thuộc về đời sống vật chất, tinh thần.
Người dân phải nhận thức được rằng, việc Đảng, Nhà nước triển khai xây dựng NTM không phải cho ai khác mà cho chính cộng đồng dân cư ở khu vực nông thôn. “Chính bà con mới là chủ thể trong việc tạo lập môi trường sống, vùng quê đáng sống cho chính bản thân, gia đình, cộng đồng và cho tương lai của các thế hệ mai sau”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trọng Yên cho biết thêm.