Kinh tế

Tăng lực cho công nghiệp Đắk Nông

Lê Dung 02/09/2024 07:59

Nhiều khó khăn đang được tháo gỡ, tạo sức bật cho ngành Công nghiệp Đắk Nông tăng trưởng mạnh trong những tháng còn lại của năm 2024.

Góp sức từ các sản phẩm chủ lực

Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, nhưng ngành Công nghiệp Đắk Nông vẫn nhanh chóng phục hồi và phát triển. Chỉ số sản xuất công nghiệp trong 8 tháng đầu năm 2024 tăng 4,02% so với cùng kỳ năm trước.

td-dong-nai(1).jpg
Vận hành sản xuất tại Nhà máy Thủy điện Đồng Nai 3

Trong đó, công nghiệp khai khoáng tăng 2,87%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 3,07%; công nghiệp sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hoà không khí tăng 5,73%; công nghiệp cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 5,65%.

Đóng góp vào mức tăng trưởng của ngành Công nghiệp năm 2024 phải kể đến vai trò động lực của lĩnh vực chế biến, chế tạo. Đặc biệt, chủ lực của ngành chế biến, chế tạo cũng như công nghiệp Đắk Nông nói chung là hoạt động sản xuất của Công ty Nhôm Đắk Nông, với sản lượng alumin trong 8 tháng đầu năm ước đạt 436,5 ngàn tấn.

Kết quả này là nhờ những vướng mắc về diện khai thác của công ty được tỉnh đặc biệt quan tâm tháo gỡ. Mặt bằng cho khai thác quặng bô xít phục vụ sản xuất của Nhà máy Alumin Nhân Cơ trong những tháng cuối năm về cơ bản được bảo đảm.

6 tháng đầu năm, Công ty Nhôm Đắk Nông - TKV phấn đáu đạt chỉ tiêu 370.000 tấn alumin
Sản lượng alumin quy đổi trong 8 tháng đầu năm ước đạt 436,5 ngàn tấn

Tạo dấu ấn với lĩnh vực công nghiệp trong năm còn có sự góp mặt của các sản phẩm chủ lực khác như: ván ép từ gỗ và các vật liệu tương tự, với 29.845m², tăng 28,5% so với cùng kỳ năm trước; chế biến cà phê nhân đạt 187.000 tấn, tăng 32,6%; tinh bột sắn đạt 26.846 tấn, tăng 34,2%; mủ cao su đạt 3.328 tấn, tăng 7,2%...

Tại buổi làm việc với tỉnh Đắk Nông gần đây, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển nhận định, ngành Công nghiệp đã có những bước chuyển dịch tích cực. Từ công nghiệp sơ chế, chế biến thô, có giá trị thấp, Đắk Nông đã chuyển sang phát triển các công nghiệp chế biến, chế tạo công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao như: sản xuất alumin, năng lượng tái tạo, chế biến nông - lâm sản…

Ông Hiển cũng rất ấn tượng với việc phát triển của ngành Công nghiệp khai thác bô xít của Đắk Nông, vì đã tập trung sản xuất alumin với hàm lượng công nghệ cao. Nhà máy Alumin Nhân Cơ đã đóng góp khoảng 30% giá trị vào giá trị sản xuất của toàn ngành Công nghiệp Đắk Nông.

img_0869.jpg
Công ty Nhôm Đắk Nông đã tập trung sản xuất alumin với hàm lượng công nghệ cao

Gỡ khó cho các dự án điểm

Giám đốc Sở Công thương Đắk Nông Nguyễn Bá Út cho hay, cùng với chỉ số sản xuất tăng, ngành Công nghiệp cũng đón nhận nhiều tín hiệu tích cực. Đặc biệt là việc tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho Dự án Nhà máy điện phân nhôm Đắk Nông hoàn thiện các thủ tục pháp lý được đặc biệt quan tâm.

Phân kỳ 1 của Dự án Nhà máy điện phân nhôm Đắk Nông có công suất 150.000 tấn nhôm/năm
Dự án Nhà máy điện phân nhôm Đắk Nông có công suất 150.000 tấn nhôm/năm tại phân kỳ 1

Dự kiến, phân kỳ 1 của nhà máy có công suất 150.000 tấn/năm, sẽ được khởi công việc hoàn thiện xây dựng nhà xưởng và hạ tầng trong tháng 8/2024. Đến tháng 11/2025 sẽ chính thức đi vào vận hành.

Tính đến tháng 7/2024, giá trị đầu tư của dự án thực hiện được khoảng 2.100 tỷ đồng. Đến nay, tất cả các công việc cần thiết để triển khai gói thầu lắp đặt thiết bị của dự án đã hoàn tất. Chủ đầu tư là Công ty TNHH Luyện kim Trần Hồng Quân đã thu xếp đủ nguồn vốn vay, ký hợp đồng EPC với tổng thầu nước ngoài. Dự án được Ngân hàng TMCP Quân đội - Chi nhánh Hoàng Quốc Việt TP. Hà Nội cam kết tài trợ tối đa 80% tổng mức đầu tư.

Về chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đối với dự án, mới đây, Trung ương đã nhất quán tiếp tục thực hiện theo Quyết định số 822/QĐ-TTg, ngày 30/5/2014 của Thủ tướng Chính phủ.

Đại diện chủ đầu tư thông tin, Nhà máy điện phân nhôm Đắk Nông hiện chỉ có thể hoàn thành công tác xây dựng, lắp đặt máy móc thiết bị, đi vào vận hành khi hoàn tất các thủ tục liên quan và bàn giao kịp thời kết cấu hạ tầng kỹ thuật Khu công nghiệp (KCN) Nhân Cơ. Trong đó, về việc điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Ban Quản lý các KCN tỉnh đã có văn bản gửi tới UBND tỉnh báo cáo Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy để sớm cho ý kiến.

Về nút thắt tại Dự án cơ sở hạ tầng bên trong và bên ngoài hàng rào KCN Nhân Cơ hiện đang được ngành chức năng của tỉnh tập trung tháo gỡ. Dự án được khởi công từ tháng 12/2015, đến nay đã triển khai 8/8 gói thầu xây lắp, với giá trị hợp đồng là hơn 719 tỷ đồng.

khc-nhan-co(1).jpg
Dự án cơ sở hạ tầng bên trong và bên ngoài hàng rào KCN Nhân Cơ hiện đang được ngành chức năng của Đắk Nông tập trung tháo gỡ khó khăn

Đến nay đã hoàn thành 4/8 gói thầu xây lắp; 4 gói thầu xây lắp khác đã thi công đạt 70-90% khối lượng. Các gói thầu này từ năm 2019 đã tạm ngừng thi công để kiểm định nguyên nhân sự cố sụt trượt công trình. Đến thời điểm hiện tại, dự án đã hết thời gian thực hiện, chưa được gia hạn. Nguồn vốn bố trí đầu tư thực hiện dự án năm 2024 không được bố trí. Nguyên nhân sự cố công trình chưa được thông báo chính thức nên không có cơ sở đề triển khai thực hiện.

Hay như Dự án KCN Nhân Cơ 2 có diện tích 400 ha, được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư từ 17/11/2022. Qua đối chiếu với Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 thì toàn bộ diện tích dự án nằm trong vùng mỏ bô xít Nhân Cơ.

Theo quy định, KCN Nhân Cơ 2 sẽ được phép triển khai thực hiện trên cơ sở phải thu hồi, bảo vệ tài nguyên khoáng sản theo quy định của Luật Khoáng sản, Luật Quy hoạch và pháp luật khác có liên quan…

Những khó khăn này đang được Ban Quản lý các KCN xem xét, tham mưu UBND tỉnh thực hiện việc thu hồi phần trữ lượng và tài nguyên quặng bô xít phân bố trong diện tích KCN Nhân Cơ 2 theo quy định.

Với những giải pháp tháo gỡ cụ thể, mang tính chiến lược, ngành Công nghiệp Đắk Nông đang hứa hẹn những bước chuyển mình mạnh mẽ, tiếp tục là động lực tăng trưởng chính của tỉnh trong thời gian tới.

Lê Dung