Di chúc của Bác Hồ nói về bồi dưỡng thế hệ trẻ
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm chăm lo, bồi dưỡng, rèn luyện để thế hệ trẻ kế thừa và phát huy được kinh nghiệm của các thế hệ trước. Cho đến những dòng cuối cùng để lại trong Di chúc, những lời căn dặn của Người vẫn là nền tảng định hướng cho sự phát triển các thế hệ thanh niên Việt Nam hôm nay.
"Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội"
Tết Độc lập đầu tiên của nước Việt Nam mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư Gửi thanh niên và nhi đồng toàn quốc nhân dịp Tết sắp đến. Người kêu gọi mà như tâm tình: "Hỡi thanh niên và nhi đồng yêu quý! Một năm khởi đầu từ mùa Xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội". Hơn ai hết, Bác luôn đặt niềm tin vào thanh niên Việt Nam. Trong những bước chuẩn bị thành lập Đảng, đối tượng vận động cách mạng đầu tiên của Nguyễn Ái Quốc là thanh niên. Tổ chức cách mạng Việt Nam đầu tiên do Người thành lập và rèn luyện là một tổ chức thanh niên: Hội Việt Nam cách mạng thanh niên.
Bút tích di chúc của Bác Hồ:
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nêu cao vai trò xung kích của thanh niên: "Tôi luôn luôn nói đến thanh niên vì trong mọi công việc, thanh niên ta luôn hăng hái xung phong và họ xứng đáng là cánh tay đắc lực của Đảng". Trong những lời cuối cùng để lại trước lúc đi xa, Người khẳng định: "Đoàn viên và thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ" (Di chúc). Người căn dặn: "Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa "hồng" vừa "chuyên"" (Di chúc) và "Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết" (Di chúc). Đây là sự chuẩn bị tốt nhất cho/vì lợi ích lâu dài của đất nước.
Vừa "hồng" vừa "chuyên"
Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt vấn đề rèn luyện toàn diện đầy đủ cả Đức và Tài để mỗi thanh niên Việt Nam "mới" có đầy đủ cả phẩm chất và năng lực, vừa "hồng" vừa "chuyên". "Hồng" chứa đựng những phẩm chất chính trị tốt đẹp: Trung thành với Tổ quốc với lợi ích của dân tộc, của nhân dân, với lý tưởng cách mạng; là đạo đức cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, là tư tưởng, lối sống lành mạnh, là tâm hồn tươi sáng… "Chuyên" là trình độ, năng lực tinh thông nghiệp vụ, làm chủ các tri thức khoa học, các lý thuyết cơ bản và cả các kỹ năng. Người "chuyên" là người có hiểu biết thấu đáo và thực hành thành thạo các công việc mà mình đảm nhiệm. Những mặt cụ thể của việc giáo dục toàn diện để người thanh niên vừa "hồng" vừa "chuyên" có thể nêu khái quát: Giáo dục nâng cao nhận thức lý tưởng; giáo dục đạo đức cách mạng và giáo dục văn hóa, kỹ thuật và nghề nghiệp. Trong đó hai nội dung đầu có thể xếp vào nội hàm của khái niệm "hồng". Nội dung thứ ba để bảo đảm cho sự "chuyên". Đó là những định hướng cơ bản của giáo dục đào tạo, làm nền tảng cho sự phát triển của thanh niên Việt Nam.
Trong phần bổ sung Di chúc viết tháng 5.1968, Chủ tịch Hồ Chí Minh dành riêng viết về những điều cần làm trong sự nghiệp tái thiết đất nước sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ đã thắng lợi, chiến tranh đã đi qua, đất nước đã thống nhất. "Công việc trên đây là rất to lớn, nặng nề, và phức tạp, mà cũng là rất vẻ vang" (Di chúc). Người coi lực lượng thanh niên là vốn quý của sự nghiệp tái thiết đó. Với các chiến sĩ trẻ, Người thể hiện sự quan tâm đặc biệt: "Những chiến sĩ trẻ tuổi trong các lực lượng vũ trang nhân dân và thanh niên xung phong đều đã được rèn luyện trong chiến đấu và đều tỏ ra dũng cảm. Đảng và Chính phủ cần chọn một số ưu tú nhất, cho các cháu ấy đi học thêm các ngành, các nghề, để đào tạo thành những cán bộ và công nhân có kỹ thuật giỏi, tư tưởng tốt, lập trường cách mạng vững chắc. Đó là đội quân chủ lực trong công cuộc xây dựng thắng lợi chủ nghĩa xã hội ở nước ta" (Di chúc).
Trách nhiệm của Đảng, của toàn xã hội
Thanh niên là những người quyết định tương lai của cách mạng, là người chủ tương lai của đất nước. Chăm lo cho thế hệ trẻ phát triển là trách nhiệm của Đảng và của toàn xã hội để bảo đảm cho tương lai phát triển của đất nước. Đã 55 năm trôi qua, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn đánh giá cao vị trí, vai trò của đoàn viên, thanh niên; luôn đặt niềm tin tưởng vào thế hệ trẻ, vào thanh niên trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, trong công cuộc bảo vệ và xây dựng Tổ quốc. Đặc biệt, Đảng luôn quan tâm chăm lo công tác đào tạo, bồi dưỡng, phát huy vai trò, sức mạnh, trí tuệ và sáng tạo của đoàn viên, thanh niên; coi việc chăm lo bồi dưỡng, giáo dục, phát triển thế hệ trẻ vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển bền vững của đất nước; coi công tác thanh niên là một trong những nhân tố quyết định tác động đến sự thành bại của cách mạng.
Bồi dưỡng, giáo dục thế hệ trẻ không chỉ là trách nhiệm của mỗi gia đình, của ngành giáo dục, mà là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và của toàn xã hội. Đại hội Đảng lần thứ XIII đã định hướng chỉ đạo công tác chăm sóc, giáo dục thế hệ trẻ trong thời đại mới: Tăng cường giáo dục thế hệ trẻ về lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa, nâng cao lòng yêu nước, tự hào dân tộc, nuôi dưỡng ước mơ, hoài bão, khát vọng vươn lên; nêu cao tinh thần trách nhiệm đối với đất nước, với xã hội; xây dựng môi trường, điều kiện học tập, lao động, giải trí, rèn luyện để phát triển lành mạnh, toàn diện, hài hòa cả về trí tuệ, thể chất và giá trị thẩm mỹ. Tạo động lực cho thanh niên xung kích trong học tập, lao động sáng tạo, khởi nghiệp, lập nghiệp; làm chủ các kiến thức khoa học, công nghệ hiện đại, phát huy vai trò quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Chăm lo bồi dưỡng, giáo dục, phát triển toàn diện và bảo đảm quyền của trẻ em; dành những điều kiện tốt nhất, sự chăm lo chu đáo nhất cho trẻ em - tương lai của đất nước. Vì "lợi ích trăm năm", chúng ta vẫn tích cực thực hiện Di chúc thiêng liêng để những tâm nguyện của Người trở thành hiện thực: "Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới" (Di chúc).
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh
Sáng 30/8, kỷ niệm 79 năm Quốc khánh nước Cộng hòa XHCN Việt Nam (2/9/1945 - 2/9/2024), Đoàn đại biểu T.Ư Đảng, Chủ tịch nước, Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã đặt vòng hoa, vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Dự lễ viếng có: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Chủ tịch Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến.
Cùng tham dự còn có nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; các nguyên Chủ tịch Quốc hội: Nguyễn Sinh Hùng, Nguyễn Thị Kim Ngân, Vương Đình Huệ; các Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Phó chủ tịch nước, Phó thủ tướng Chính phủ, Phó chủ tịch Quốc hội cùng nhiều lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể T.Ư.
Với lòng biết ơn vô hạn, các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước thành kính tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ thiên tài, anh hùng giải phóng dân tộc, người đã cống hiến cả cuộc đời cho dân, cho nước, dẫn dắt Đảng, nhân dân làm nên những thắng lợi vẻ vang, làm rạng rỡ dân tộc, non sông đất nước. Vòng hoa của đoàn mang dòng chữ "Đời đời nhớ ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại".
Tiếp đó, đoàn đã đến đặt vòng hoa và dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, đường Bắc Sơn, Hà Nội.
* Tối cùng ngày, Ban Tuyên giáo T.Ư và Đài truyền hình Việt Nam phối hợp tổ chức chương trình chính luận nghệ thuật đặc biệt "Lời Người để lại", kỷ niệm 55 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và 55 năm ngày mất của Người (2/9/1969 - 2/9/2024). Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đến dự chương trình. Cùng dự có các Ủy viên Bộ Chính trị: Phan Đình Trạc, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Nội chính T.Ư; Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư; Bùi Thị Minh Hoài, Bí thư Thành ủy Hà Nội...
Lê Hiệp - TTXVN