Tín hiệu lạc quan của xuất khẩu Đắk Nông
Những tín hiệu tích cực từ thị trường đã thôi thúc các doanh nghiệp xuất khẩu của Đắk Nông tăng tốc chạy đua cho những đơn hàng cuối năm.
Khai thác thị trường tiềm năng
Mặt hàng chanh dây của Công ty Cổ phần đầu tư Long Huệ, huyện Tuy Đức hiện đang có mặt ở nhiều thị trường khác nhau trong nước và quốc tế.
Giám đốc Công ty Nguyễn Chí Long cho hay, năm nay, thị trường xuất khẩu cho sản phẩm chanh dây khá tốt. Giá chanh dây tăng mạnh cả về nguyên liệu và thành phẩm, với giá bán ra bình quân là 25.000 đồng/kg. Trung Quốc và Ba Lan đang là 2 thị trường tiêu thụ sản phẩm chanh dây lớn nhất của công ty.
Trong 8 tháng đầu năm, công ty đã cung ứng ra thị trường được gần 2.000 tấn chanh dây. Trong đó, sản lượng xuất khẩu chiếm tới 15%. Năm nay, doanh nghiệp tham gia xuất khẩu trực tiếp, đưa sản phẩm hàng hóa đi các nước, không phải qua khâu trung gian như mọi năm.
Để đáp ứng nhu cầu lớn của thị trường, doanh nghiệp hiện đã đầu tư xây dựng thêm nhà xưởng rộng khoảng 2.000m², cùng nhiều thiết bị hiện đại như: máy tách màng, tách hạt, kho trữ đông... Tổng mức đầu tư mới là hơn 3 tỷ đồng.
Dự báo từ nay đến cuối năm, nhu cầu chanh dây từ thị trường thế giới còn tăng cao. Do phía Trung Quốc sắp hết vụ nên không có nguyên liệu tại chỗ, rất thuận lợi cho nhập hàng hóa từ Việt Nam. Thị trường châu Âu cũng tăng mạnh, nhất là về trái cây tươi. Cuối năm nay, công ty có thêm thị trường tiêu thụ mới đó là Hàn Quốc.
Để bảo đảm ổn định nguồn nguyên liệu, doanh nghiệp đang liên kết với hơn 150 hộ dân, trồng gần 100ha chanh dây theo tiêu chuẩn xuất khẩu. Cuối năm nay sẽ bắt đầu cho thu hoạch.
Ông Long thông tin thêm, mọi năm, công ty chỉ dành 5% sản lượng phục vụ thị trường xuất khẩu nhưng năm nay đã tăng lên 15%. Sang năm 2025, con số này sẽ tăng lên khoảng 30%, với sự khởi sắc đơn hàng từ những thị trường mới. Công ty cũng sẽ bắt đầu sản xuất thêm một số sản phẩm mới phục vụ thị trường xuất khẩu như: sầu riêng, xoài, bơ và rau củ quả... cấp đông.
Tương tự, Công ty TNHH Thương mại xuất nhập khẩu Nghiệp Xuân, TP. Gia Nghĩa đang ra mắt thị trường xuất khẩu một số mặt hàng mới. Nổi bật nhất là sản phẩm lá chuối tươi.
Hiện mặt hàng này đang được doanh nghiệp thu mua, đóng gói và ghép container để vận chuyển qua nước Nga. Cùng chuyến hàng này còn có các nông sản mới khác của Đắk Nông như: mít, gừng, nghệ... được cấp đông.
Bà Lầu Kiều Vân, Giám đốc Công ty cho biết: Những sản phẩm này được xuất khẩu chủ yếu phục vụ thị trường những người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Đây cũng là những mặt hàng dễ thu mua, vận chuyển nên đơn vị mạnh dạn đưa đi để tham khảo thị trường.
Cùng với sản phẩm mới, năm nay, công ty đã phát triển thêm một số thị trường mới cho các sản phẩm truyền thống như: Canada, Úc... Đây hứa hẹn sẽ là những địa chỉ tiêu thụ tiềm năng cho nông sản Việt Nam nói chung và Đắk Nông nói riêng.
Xuất khẩu hồi phục
Xu hướng hồi phục xuất khẩu ở Đắk Nông đang thể hiện rõ nét khi kim ngạch quý sau cao hơn quý trước. Các doanh nghiệp dự báo tình hình sản xuất, kinh doanh những tháng cuối năm sẽ bớt khắc nghiệt hơn so với năm ngoái.
Có thể thấy, tín hiệu vui từ hoạt động xuất khẩu hàng hóa nông sản trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua đã góp phần tạo động lực cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất vượt khó khăn, tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu.
Trong 8 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu của Đắk Nông đạt 653,7 triệu USD, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, trong tháng 8/2024, kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh thực hiện được 95,1 triệu USD, tăng 50,2% so với cùng kỳ năm trước. Nhiều sản phẩm xuất khẩu chủ lực của tỉnh đã có sự tăng trưởng vượt bậc.
Khảo sát các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Cục Thống kê Đắk Nông cho thấy, 81,82% doanh nghiệp quý II thuận lợi và ổn định hơn so với quý I; có 18,18% doanh nghiệp đánh giá hoạt động sản xuất kinh doanh khó khăn hơn.
Nhóm hàng công nghiệp chế biến chiếm hơn 81% trong tổng giá trị xuất khẩu. Cụ thể như: nhân điều đạt 13,2 triệu USD, tăng 15,8%; cà phê đạt 28,8 triệu USD, tăng hơn 3 lần; tiêu đen đạt 8,4 triệu USD, tăng gấp hơn 2 lần; gỗ và các sản phẩm gỗ đạt 3 triệu USD, tăng 50% so với cùng kỳ; alumin đạt 23,7 triệu USD, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm trước...
Theo các chuyên gia, xuất khẩu hiện vẫn là yếu tố chủ đạo của kinh tế. Tuy nhiên, tình hình địa chính trị thế giới vẫn đang diễn biến phức tạp. Các cuộc chiến tranh về quân sự, chiến tranh thương mại giữa các cường quốc sẽ có thể gây ra những yếu tố bất định.
Vì vậy, để có thể tiếp tục xu thế hồi phục, cần phải tập trung hỗ trợ, triển khai hiệu quả các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu. Trong đó, hàng hóa sẽ đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường lớn, tiềm năng. Đồng thời, phát huy hiệu quả các hiệp định, thỏa thuận thương mại đã ký kết.
Các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, tháo gỡ rào cản sẽ phải gia tăng hiệu quả hơn nữa, tạo thuận lợi cho tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Việc hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi sản xuất, đáp ứng nhanh các tiêu chuẩn mới của đối tác xuất khẩu cũng là điều vô cùng cần thiết.