Nông nghiệp Đắk Nông tự tin hoàn thành mục tiêu
Giá nông sản tăng cao, người dân tích cực áp dụng kỹ thuật nên nông nghiệp Đắk Nông đạt nhiều kết quả khả quan và hướng đến một năm thắng lợi.
Vượt qua nhiều trở ngại
Năm 2024, lĩnh vực trồng trọt của tỉnh Đắk Nông đối mặt với khô hạn nặng. Điều này đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất, phát triển của cả cây trồng ngắn ngày và dài ngày ở tất cả các địa phương trong tỉnh.
Tuy nhiên, với những sự chủ động của người dân, cấp ủy, chính quyền, ngành chức năng, lĩnh vực trồng trọt 8 tháng đầu năm ở Đắk Nông ghi nhận đạt kết quả tích cực.
Cụ thể, tại huyện Cư Jút, theo báo cáo của UBND huyện, bà con đã sản xuất được trên 32.900ha cây trồng ngắn ngày. Sản lượng lương thực đạt trên 69.100 tấn. Trong đó sản lượng thóc đạt trên 28.600 tấn, tăng gần 200 tấn so với kế hoạch.
Cây trồng dài ngày như cà phê, hồ tiêu cũng đạt khá về năng suất, sản lượng. Cụ thể, năng suất cà phê đạt 2,3 tấn/ha, sản lượng gần 11.400 tấn; năng suất hồ tiêu đạt 2 tấn/ha, sản lượng gần 5.500 tấn.
Lĩnh vực chăn nuôi của huyện ghi nhận phát triển ổn định. Cư Jút hiện có tổng đàn vật nuôi ở mức 451.000 con, trong đó lớn nhất là đàn gia cầm, đàn heo.
Các cấp, ngành địa phương siết chặt nhiều biện pháp về kiểm tra, giám sát phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm, nhất là đối với một số dịch bệnh nguy hiểm như cúm gia cầm, heo châu Phi, lở mồm long móng. Chính vì thế, huyện sớm phát hiện, khống chế thành công dịch bệnh, không để lây lan ra diện rộng.
Ông Hồ Sơn, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Cư Jút cho biết, kết quả sản xuất nông nghiệp của địa phương những tháng đầu năm là rất khả quan, hứa hẹn đạt kết quả tốt cả năm.
Theo ông Ngô Quốc Phong, Phó Chủ tịch UBND huyện Cư Jút, để đạt các mục tiêu của năm 2024 cũng như tạo đà cho năm 2025, địa phương tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp về theo dõi tình hình sản xuất nông nghiệp, diễn biến của thiên tai, sâu bệnh hại để chủ động phương án sản xuất hiệu quả, kịp thời xử lý những yếu tố bất lợi.
Huyện đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất, chú trọng bảo đảm an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai; phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hữu cơ, sinh thái, sản phẩm chủ lực.
Hiện nay, Cư Jút đang chỉ đạo sản xuất vụ thu đông, đông xuân và tập trung hướng dẫn Nhân dân chăm sóc, thu hoạch các loại cây trồng dài ngày dịp cuối năm. Huyện tiếp tục thực hiện cơ cấu lại ngành Nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh nông sản.
Cơ quan chuyên môn của huyện phối hợp với các ngành, đơn vị của tỉnh giám sát dịch bệnh trên gia súc, gia cầm để kịp thời phát hiện, khoanh vùng và xử lý khi có dịch bệnh xảy ra, không để lây lan diện rộng.
Cư Jút tăng cường công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ động vật; thanh kiểm tra các hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi, thú y và kiểm tra việc sử dụng chất cấm, kháng sinh cấm trong chăn nuôi bảo đảm an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng.
Tại huyện Đắk Mil, những tháng đầu năm, ngành NN-PTNT huyện cũng đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Tổng diện tích gieo trồng của huyện ước đạt mức trên 44.500ha. Trong đó, diện tích gieo trồng cây hàng năm gần 10.300ha, bằng khoảng 90% so với kế hoạch; cây lâu năm khoảng 34.200ha, đạt 100% so với kế hoạch, bằng 100,5% so với cùng kỳ năm trước.
Hoạt động chăn nuôi những tháng đầu năm của Đắk Mil có bước phát triển mới. Tổng đàn gia súc, gia cầm trên toàn huyện hiện khoảng 544.000 con, đạt 100,6% so với cùng kỳ.
Theo lãnh đạo UBND huyện Đắk Mil, địa phương tiếp tục tập trung chỉ đạo, điều hành thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch năm 2024 đã ban hành, phấn đấu đạt các chỉ tiêu và kế hoạch đề ra trong sản xuất nông nghiệp. Huyện tăng cường phòng, chống dịch bệnh trên động vật, đặc biệt là bệnh dịch tả heo châu Phi, cúm gia cầm và lở mồm long móng. Huyện triển khai tiêm phòng vắc xin cho vật nuôi đạt tỷ lệ tối thiểu 95% tổng đàn.
Các phòng chuyên môn, các xã, đoàn thể ở Đắk Mil hướng dẫn, động viên người dân chăm sóc, thu hoạch các loại cây trồng; tái canh cây cà phê theo kế hoạch. Lực lượng chuyên môn làm tốt công tác dự tính, dự báo về tình hình sâu bệnh hại trên cây trồng để giúp người dân chủ động phòng, chống kịp thời.
Huyện Đắk Mil tiếp tục triển khai việc xây dựng mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, bảo đảm yêu cầu truy xuất nguồn gốc các sản phẩm nông nghiệp...
Hướng đến một năm thắng lợi
Theo ông Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Sở NN-PTNT Đắk Nông, những tháng đầu năm 2024, ngành Nông nghiệp chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu làm ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển cây trồng, vật nuôi. Vào giai đoạn giữa năm, nhiều vùng chịu thiệt hại do thiên tai như mưa lớn, dông lốc, mưa đá.
Tuy nhiên, với sự nỗ lực, chủ động của chính người dân, các hợp tác xã nông nghiệp, doanh nghiệp, địa phương, sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo UBND tỉnh, nông nghiệp phát triển ổn định.
Dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi cơ bản được kiểm soát. Giá các mặt hàng nông sản chủ lực, đặc biệt là cà phê, hồ tiêu tiếp tục có chiều hướng tăng, góp phần tăng thu nhập, khích lệ tinh thần cho người dân.
Cũng theo ông Anh, các ngành hàng sản xuất nông nghiệp có nhiều chuyển biến tích cực, liên kết với thị trường được quan tâm. Từ sản xuất, thu hoạch và chế biến đều gia tăng ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao. Điều này góp phần nâng cao giá trị gia tăng, giá trị sản phẩm nông nghiệp. Ngành Nông nghiệp kỳ vọng sẽ đạt được những kết quả cao trong năm 2024.
Năm 2024, ngành Nông nghiệp dự báo đạt 100% kế hoạch các chỉ tiêu chính gồm: tỷ lệ đáp ứng cho diện tích có nhu cầu tưới ước đạt 84%; tỷ lệ hộ nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh ước đạt 94%; tỷ lệ dân số nông thôn sử dụng nước sạch đáp ứng quy chuẩn ước đạt 54%; tỷ lệ che phủ rừng ước đạt 39,5%; có thêm 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới (lũy kế 42/60 xã), thêm 2 xã nông thôn mới nâng cao (lũy kế 7 xã); bình quân mỗi xã đạt 17 tiêu chí/xã nông thôn mới.
Từ nay đến cuối năm, ngành Nông nghiệp tập trung vào các giải pháp để tiếp tục tái cơ cấu sản xuất, ứng dụng công nghệ cao gắn với thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển nông nghiệp chứng nhận, hữu cơ, chuỗi ngành hàng. Toàn ngành làm tốt việc phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi, công tác quản lý bảo vệ rừng, phòng, chống cháy rừng, phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai.
Sở NN-PTNT chủ động phối, kết hợp hiệu quả cao hơn trong các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ sản phẩm chủ lực, thế mạnh.