Tuy Đức khắc phục khó khăn để nâng cao chất lượng giáo dục
Sáng 30/8, Đoàn công tác của UBND tỉnh Đắk Nông do TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tôn Thị Ngọc Hạnh dẫn đầu kiểm tra công tác chuẩn bị năm học 2024-2025 tại huyện Tuy Đức
Đoàn đã kiểm tra thực tế công tác chuẩn bị năm học tại các trường trên địa bàn xã Đắk Ngo gồm: Trường mầm non Hoa Ban, Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm, Trường tiểu học - THCS Vừ A Dính và Trường THCS-THPT Lê Hữu Trác.
Đến thời điểm hiện tại, các cơ sở giáo dục được kiểm tra đã hoàn thiện công tác chuẩn bị cho năm học mới như: tổng vệ sinh trường lớp, làm đồ dùng đồ chơi, trang trí lớp học…
Đội ngũ cán bộ, giáo viên đã được tập huấn về chuyên môn và lý luận chính trị. Công tác tuyển sinh các bậc học cơ bản đạt chỉ tiêu đề ra. Các trường tiểu học đã tổ chức tựu trường và tổ chức học "Tuần 0" cho học sinh lớp 1.
Theo báo cáo của Phòng GD-ĐT huyện Tuy Đức, năm học 2024-2025 toàn huyện có 34 trường từ bậc mầm non đến THCS, trong đó có 15 trường mầm non, 11 trường tiểu học, 4 trường THCS và 4 trường tiểu học-THCS. Toàn ngành có 866 biên chế. Trên cơ sở dự kiến số lớp, học sinh năm học 2024-2025 ngành giáo dục huyện thiếu khoảng 153 chỉ tiêu biến chế so với định mức, trong đó giáo viên thiếu 116 chỉ tiêu biên chế.
Toàn huyện có 491 phòng học. Hiện nay, địa phương đang triển khai xây mới 47 phòng học kiên cố. Huyện bố trí kinh phí mua sắm thiết bị dạy học tối thiểu cho các trường phổ thông. Năm 2025, từ nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia, UBND huyện đầu tư cơ sở vật chất cho các trường học, với tổng kinh phí 22 tỷ đồng.
Hiện nay, huyện Tuy Đức đang chỉ đạo các phòng chuyên môn tiến hành rà soát danh mục nhu cầu đầu tư trung hạn, giai đoạn 2026-2030 cho các trường học gắn với tiêu chí xây dựng trường chuẩn quốc gia.
Phát biểu chỉ đạo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tôn Thị Ngọc Hạnh ghi nhận nỗ lực của địa phương trong việc ưu tiên nguồn vốn đầu tư cho ngành Giáo dục xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh mong muốn đội ngũ cán bộ quản lý, thầy, cô giáo phát huy những kết quả đạt được, không ngừng trau dồi, nâng cao chất lượng chuyên môn để đáp ứng nhu cầu nâng cao chất lượng giáo dục của toàn huyện, nhất là ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số.
Đối với việc thiếu giáo viên, đây là khó khăn chung của tỉnh, cả nước, không riêng huyện Tuy Đức. Vì vậy, địa phương tiếp tục chia sẻ, triển khai các giải pháp phù hợp, bảo đảm tổ chức dạy và học, hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học mới 2024-2025.