Đào tạo nghề giúp nâng cao chất lượng lao động nông thôn
Những năm qua, đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã thu hút đông đảo người dân tham gia. Nhờ chính sách hỗ trợ và ngành nghề đào tạo phù hợp với nhu cầu, phần lớn học viên đã có việc làm sau khóa học.
Đa dạng ngành nghề đào tạo
Đắk Glong là huyện nghèo của tỉnh Đắk Nông. Với đặc thù đa dạng về thành phần dân tộc, lao động trong lĩnh vực nông nghiệp chiếm tỷ trọng lớn nên nhu cầu học nghề của người dân rất cao, nhất là nhóm ngành nghề nông nghiệp, kỹ thuật nông nghiệp.
Trong bối cảnh này, từ năm 2022-2024, ngành chức năng huyện Đắk Glong đã quan tâm, mở nhiều lớp đào tạo nghề ở cả 7 xã.
Chị Đàm Thúy Kiều, xã Quảng Hòa, huyện Đắk Glong đang sản xuất 1ha cà phê và 7 sào dâu tằm. Trước đây, gia đình chị Kiều sản xuất theo kinh nghiệm của bản thân nên hiệu quả kinh tế không cao.
Sau đó, chị Kiều đã tham gia lớp dạy nghề sơ cấp kỹ thuật trồng trọt và bảo vệ thực vật do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) huyện Đắk Glong tổ chức ngay tại xã Quảng Hòa.
Theo chị Kiều, các thầy, cô giáo đã cầm tay chỉ việc, giúp học viên nắm rõ đầy đủ kỹ thuật để phát triển nghề trồng trọt và bảo vệ thực vật. Sau khi tham gia lớp đào tạo nghề, chị Kiều và người dân nơi đây đã từng bước áp dụng những kiến thức học được vào việc phát triển kinh tế gia đình.
Tương tự, huyện Đắk Mil được xem là thủ phủ của cây sầu riêng với tổng diện tích khoảng 1.700ha. Nhằm giúp người dân canh tác sầu riêng hiệu quả, huyện Đắk Mil đã mở nhiều lớp dạy nghề kỹ thuật trồng và chăm sóc cây sầu riêng.
Trong khoảng thời gian 3 tháng, các học viên sẽ được hướng dẫn kỹ thuật chọn cây giống, trồng và chăm sóc cây sầu riêng bởi ở mỗi giai đoạn sinh trưởng, cây sẽ được bón phân, phòng trừ sâu bệnh khác nhau.
Chị Hoàng Thị Bình, xã Đắk N'Drót cho biết: “Gia đình có 50 cây sầu riêng trồng xen canh trong 1ha cà phê. Trước đây, chúng tôi trồng cây sầu riêng theo kinh nghiệm do bà con trong vùng tự chia sẻ. Sau khi được học nghề, bản thân tôi đã có thêm các kỹ năng giúp cây trồng phát triển tốt, mang lại hiệu quả kinh tế cao”.
Bên cạnh nhu cầu đào tạo nghề để phục vụ sản xuất nông nghiệp, nhiều lớp dạy nghề phi nông nghiệp cũng thu hút học sinh, như kỹ thuật hàn, sửa chữa máy nông nghiệp, trang điểm tin học, dệt thổ cẩm, kỹ năng giao tiếp du lịch và phục vụ buồng phòng, điện dân dụng, xoa bóp bấm huyệt…
Chị Nguyễn Thị Thanh Lâm, xã Quảng Khê, huyện Đắk Glong từng có thời gian gần 15 năm kinh doanh cửa hàng thức ăn sáng. Khi biết được Trung tâm GDNN-GDTX huyện Đắk Glong đào tạo nghề miễn phí cho người dân địa phương, chị Lâm đăng ký tham gia với mong muốn nâng cao trình độ tay nghề.
Theo chia sẻ của chị Lâm, trong thời gian tới, chị có nhu cầu đi xuất khẩu lao động và làm việc tại một quán ăn của người Việt Nam ở nước ngoài. Việc tham gia khóa học đã cho chị thêm kiến thức, sự hiểu biết về ẩm thực dân tộc để chị tự tin đứng bếp.
“Trước đây khi nấu ăn, chủ yếu là tôi nấu theo kinh nghiệm. Sau khi tham gia lớp học nghề, tôi biết thêm về thành phần dinh dưỡng, các loại thực phẩm phù hợp, làm đa dạng món ăn hơn. Đặc biệt, tham gia học nghề, tôi được trang bị kỹ năng, kiến thức có những phần an toàn, hợp vệ sinh”, chị Lâm nói.
Tránh đào tạo tràn lan, không định hướng
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB-XH) tỉnh Đắk Nông, trong năm 2023, toàn tỉnh Đắk Nông có 7/8 huyện, thành phố đã ban hành kế hoạch hỗ trợ đào tạo nghề trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng.
Riêng huyện Đắk R’lấp không tổ chức đào tạo nghề do các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất kinh doanh trên địa bàn không có nhu cầu tuyển dụng lao động, không bảo đảm gắn với việc làm sau đào tạo cho học viên. Một số nghề đã đăng ký không tổ chức tuyển sinh được do không có đối tượng.
Kết quả, toàn tỉnh đã tổ chức 82 lớp với 9 đơn vị tham gia đào tạo trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng cho 2.490 đối tượng (trong số này có 2/3 học viên theo học các nghề phi nông nghiệp). Tổng kinh phí thực hiện là hơn 13 tỷ đồng.
Các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã góp phần nâng cao trình độ nguồn nhân lực, giúp người dân dễ dàng tìm kiếm việc làm hoặc tự phát triển sản xuất, kinh doanh, gia tăng hiệu quả kinh tế cho bản thân, gia đình. Ở nhiều địa phương, đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã làm thay đổi nhận thức, phương thức sản xuất, góp phần giảm nghèo hiệu quả.
Thời gian qua, nhiều chính sách được ban hành đã tạo sức hút trong tuyển sinh. Trong số này có chính sách hỗ trợ đào tạo nghề trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp và dưới 3 tháng đối với người dân tộc thiểu số, người dân tộc Kinh thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo sinh sống ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Bên cạnh đó, để có thể nắm bắt nhu cầu thực tế, xây dựng phương án mở lớp học, các ngành, địa phương đã tổ chức điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề của người lao động. Trên cơ sở kết quả rà soát, cơ quan chức năng sẽ xây dựng kế hoạch đào tạo sát với tình hình thực tế và nhu cầu đào tạo nghề, tránh tình trạng đào tạo tràn lan không có định hướng.
Ông Hoàng Viết Nam, Phó Giám đốc phụ trách Sở LĐTB-XH tỉnh Đắk Nông cho biết, chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn ngày càng được nâng cao. Người học nghề đã tiếp cận, áp dụng những kiến thức khoa học kỹ thuật mới, tiên tiến vào quá trình sản xuất.
Đặc biệt, công tác dạy nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh được gắn kết chặt chẽ giữa khâu sản xuất với khâu tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế trên địa bàn tỉnh.
Theo kế hoạch, năm 2024, tỉnh Đắk Nông sẽ tổ chức đào tạo nghề cho khoảng 4.000 người, trong đó trình độ sơ cấp và đào tạo thường xuyên dưới 3 tháng là hơn 2.600 người.
Để thực hiện được nhiệm vụ này, ông Hoàng Viết Nam cho biết, chương trình đào tạo nghề sẽ gắn với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội, mục tiêu phát triển các ngành, nghề chủ lực của địa phương và cung ứng nguồn nhân lực theo nhu cầu thị trường.