Đắk Nông phục hồi 11.700ha sầu riêng sau thu hoạch
Các vườn sầu riêng ở Đắk Nông hầu như đã thu hoạch xong và nông dân đang áp dụng các biện pháp phục hồi vườn cây, chuẩn bị cho vụ mới.
Đắk Nông hiện có hơn 11.700ha sầu riêng được trồng tập trung ở các huyện Đắk R’lấp, Tuy Đức, Đắk Mil, Đắk Song, TP. Gia Nghĩa… Thời điểm này, sầu riêng cơ bản thu hoạch xong.
Giai đoạn này, các nhà vườn đang tập trung vệ sinh vườn cây, phòng bệnh để giúp sầu riêng lấy lại sức, phát triển ổn định, bảo đảm đạt năng suất trong mùa vụ tới.
Mới đây, chúng tôi trở lại thăm vườn sầu riêng hơn 2ha của gia đình ông Lê Hồng Thảo, ở phường Nghĩa Thành, TP. Gia Nghĩa (Đắk Nông). Vụ này, nhờ chăm sóc tốt, vườn sầu riêng của ông Thảo cho thu hoạch hơn 20 tấn quả.
Ông Thảo cho biết: “Đây là sản lượng ở mức trung bình. Nếu vụ tới chăm sóc tốt hơn, vườn sầu riêng có thể cho năng suất gấp đôi. Khi thu hoạch xong, tôi tiến hành rửa vườn để loại bỏ nấm bệnh, rong rêu. Tôi bón phân hữu cơ và tỉa cành cho cây phát triển vụ mới”.
Đến nay, ông Thảo đã cắt tỉa cành sâu bệnh, cành trong tán bị che khuất giúp cây sầu riêng quang hợp tốt hơn. Khi cắt tỉa, ông chọn những ngày có thời tiết nắng ấm để đề phòng cây nhiễm bệnh.
Còn gia đình bà Nguyễn Thị Lan ở xã Quảng Khê, huyện Đắk Glong cũng có gần 3ha sầu riêng trồng xen trong vườn cà phê. Những ngày qua, gia đình bà Lan tập trung vệ sinh vườn, bổ sung phân bón để giúp cây sầu riêng phục hồi.
Bà Lan cho hay: “Sau khi cắt tỉa cành, tôi thu gom toàn bộ cành lá ra khỏi vườn. Tôi sử dụng vôi để vệ sinh vườn. Vôi được rải đều trên toàn bộ vườn và trên cả lá, cành, nhánh. Khối lượng vôi trung bình 2kg/cây”.
Sau bón vôi, bà Lan tiến hành rửa vườn bằng thuốc gốc đồng hoặc NANO rửa vườn RUSA. Ngoài ra, việc bón phân cũng được bà Lan chú trọng đối với các loại phân hữu cơ ủ hoai, tỷ lệ khoảng 15-20kg/cây.
Phân hữu cơ vi sinh bón từ 3-5kg/cây để duy trì ẩm, cố định đạm. Đồng thời, kết hợp bón phân humix nhằm kích thích cây phát triển rễ tốt hơn.
“Tôi bón thêm phân NPK 30-10-10 (hoặc phân DAP), mỗi gốc từ 0,5 - 1kg, tùy theo cây. Trong giai đoạn này, việc phòng bệnh cho cây là hết sức quan trọng vì mưa nhiều, đất ẩm nên nấm bệnh phát sinh mạnh”, bà Lan cho biết thêm.
Các nhà vườn ở Đắk Nông cho biết, nếu cây sầu riêng chăm sóc tốt thì khoảng 45 ngày cây sẽ cho ra một cơi ngọn. Như vậy, vườn cây mới đủ sức để nuôi trái vào vụ tới.
Theo Sở NN – PTNT tỉnh Đắk Nông, thời gian qua, cây sầu riêng được người dân ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Người dân sử dụng hệ thống tưới tiên tiến, tiết kiệm và chăm sóc sầu riêng theo các tiêu chuẩn chứng nhận VietGAP, hữu cơ…
Hiện nay, tại nhiều địa phương, người trồng sầu riêng đã quy tụ theo nhóm hộ, tham gia HTX để sản xuất theo các tiêu chuẩn chứng nhận và được cấp mã vùng trồng.
Tuy nhiên, ngành Nông nghiệp Đắk Nông cũng khuyến cáo, người dân cần phát triển diện tích sầu riêng theo hướng khai thác hợp lý điều kiện tự nhiên và hạ tầng nông nghiệp.
Việc sản xuất sầu riêng cần gắn với phát triển chuỗi giá trị từ khâu chăm sóc đến khâu tiêu thụ sản phẩm một cách bền vững. Trong đó, người dân cần tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm phục vụ xuất khẩu.
Ông Ngô Xuân Đông, Phó Giám đốc Sở NN – PTNT tỉnh Đắk Nông cho biết, các nông hộ, HXT cần tập trung chăm sóc vườn sầu riêng theo hướng thực hành nông nghiệp tốt, tiêu chuẩn hữu cơ… đáp ứng yêu cầu của các thị trường tiêu thụ.
Đồng thời, người dân và doanh nghiệp tiếp tục đẩy mạnh liên kết các vườn sản xuất với nhau và với các cơ sở chế biến, xuất khẩu, nhằm tạo điều kiện cho đầu ra của sản phẩm sầu riêng thuận lợi hơn.
“Ngành chuyên môn sẽ thường xuyên theo dõi diễn biến của các đối tượng sâu bệnh hại trên cây sầu riêng để hướng dẫn người dân phòng ngừa kịp thời. Qua đó, góp phần bảo đảm năng suất, chất lượng sản phẩm sầu riêng trong vụ mùa tới”, ông Ngô Xuân Đông cho biết thêm.