Kinh tế

Nông sản Đắk Nông chú trọng thị phần trong nước

Lê Dung 26/08/2024 07:07

Các doanh nghiệp của Đắk Nông đang tìm giải pháp đẩy mạnh tiêu thụ, giúp hàng hóa nông sản mở rộng thị phần trong nước.

Xoay chuyển thị trường

Là doanh nghiệp có trên 90% sản phẩm hàng hóa phục vụ xuất khẩu, những năm gần đây, Công ty TNHH Hồng Đức đang nhận ra nhiều cơ hội phát triển thị trường trên chính “sân nhà”.

hd-1(1).jpg
Phân loại hạt điều tại Công ty TNHH Hồng Đức

Giám đốc Công ty TNHH Hồng Đức Nguyễn Thị Minh Nguyệt cho hay, trong bối cảnh chi phí sản xuất tăng cao, cước vận chuyển tàu biển đi các nước chưa hạ nhiệt, giải pháp đầu tư cho thị trường trong nước đang là tối ưu nhất cho doanh nghiệp.

Thông thường, sản phẩm điều các loại được doanh nghiệp sản xuất với sản lượng lớn, chủ yếu dành cho thị trường các nước trên thế giới như: Trung Quốc, châu Âu, Trung Đông, Mỹ... Tuy nhiên, thời gian gần đây, công ty đã dành hơn 10% sản lượng điều rang muối để tiếp cận thị trường nội địa.

Sản phẩm này đã đạt chứng nhận OCOP 4 sao. Để đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng trong nước, công ty sớm đầu tư về mẫu mã bao bì và nhiều kích cỡ khác nhau cho sản phẩm. Điều rang muối của công ty vì đã có mặt ở nhiều hệ thống bán lẻ toàn quốc.

Ấp ủ giấc mơ đưa nông sản Đắk Nông xuất ngoại, nhưng nhận thấy tiềm lực chưa đủ lớn nên Công ty TNHH Thương mại xuất nhập khẩu mắc ca sachi Thịnh Phát đang quyết tâm tăng mức “phủ sóng” cho sản phẩm ở thị trường trong nước.

img_2269(1).jpg
Sản xuất măng cụt tại Công ty TNHH Thương mại xuất nhập khẩu mắc ca sachi Thịnh Phát

Công ty hiện có nhiều sản phẩm được sản xuất bằng công nghệ sấy thăng hoa, nâng cao về chất lượng. Công ty đang có tới 4 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 4 sao gồm: hạt mắc ca sấy, mít sấy thăng hoa, sầu riêng sấy thăng hoa và măng cụt sấy thăng hoa.

Thị phần bán lẻ của các sản phẩm của công ty ngày càng mở rộng. Ngoài các kênh phân phối nhỏ lẻ, công ty đã đưa sản phẩm tiếp cận hệ thống các siêu thị ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng…

“Việc đẩy mạnh tiêu thụ trong nước giúp khẳng định chỗ đứng và vị thế cho hàng hóa nông sản của Đắk Nông so với các tỉnh, thành và ngay cả với các sản phẩm ngoại nhập, Giám đốc công ty Nguyễn Thị Thu Hương chia sẻ.

Định vị lợi thế cạnh tranh

Với dân số hơn 100 triệu người, thị trường trong nước đang là khu vực có tiềm năng lớn để đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa nông sản cho Đắk Nông.

img_1858.jpg
Sản xuất sầu riêng cấp đông tại Công ty TNHH Thương mại xuất nhập khẩu Nghiệp Xuân

Thời gian qua, ngành Công thương thường xuyên phối hợp triển khai nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường trong nước cho các sản phẩm nông sản. Các doanh nghiệp được hỗ trợ phát triển sản phẩm, mở rộng kênh phân phối, nhất là các sản phẩm đặc sản.

Nhiều hoạt động được ngành Công thương tổ chức cho các doanh nghiệp tham gia. Nổi bật nhất là Hội nghị giao thương kết nối xuất khẩu hàng hóa khu vực Tây Nguyên với doanh nghiệp Hàn Quốc năm 2024, tại TP. Đà Lạt (Lâm Đồng).

Sở Công thương đang chuẩn bị các nội dung để tổ chức các đoàn doanh nghiệp, HTX tham gia Hội chợ thương mại ASEAN - Trung Quốc lần thứ 21 (CAEXPO 2024); Hội chợ vùng Tây Nguyên tại Kon Tum; Hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa giữa TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành năm 2024...

img_9877.jpg
Thông qua các sự kiện xúc tiến thương mại, sản phẩm ca cao của Công ty TNHH MTV Cà phê Hương Quê hiện đã có mặt ở hệ thống các siêu thị của Saigon Co.op

Ngoài ra, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh sẽ được tham gia các sự kiện như: Hội chợ triển lãm hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực phía Nam năm 2024; Ngày hội mắm Châu Đốc An Giang - OCOP và đặc sản các vùng miền lần thứ II năm 2024...

Theo các chuyên gia, hầu hết các doanh nghiệp lớn kinh doanh nông sản thường tập trung vào thị trường xuất khẩu. Nếu các doanh nghiệp bỏ ngỏ thị trường nội địa tức là đang tạo cơ hội cho hàng nước ngoài tràn vào.

Một khi không chăm chút phát triển thị trường trong nước, nông sản ngoại nhập vào với những lợi thế về giá và mẫu mã sẽ chiếm ưu thế trên chính “sân nhà”. Vì vậy, câu chuyện kết nối thị trường, xúc tiến thương mại trong nước đang thực sự cần thiết đối với hàng hóa Đắk Nông để định vị lợi thế cạnh tranh, xây dựng chiến lược phát triển phù hợp.

Thị trường nội địa đang có dấu hiệu “nóng” lên khi tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của Đắk Nông trong 8 tháng đầu năm 2024 đạt 17.115 tỷ đồng, tăng 8,3% so với
cùng kỳ năm trước.

Lê Dung