Đắk Glong nỗ lực đánh thức tiềm năng du lịch
Với tài nguyên thiên nhiên đặc sắc, huyện Đắk Glong (Đắk Nông) có nhiều cơ hội để phát triển du lịch, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội.
Vùng đất giàu tiềm năng
Những nét đẹp văn hóa bản địa độc đáo kết hợp với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ đang tạo ra cho Đắk Glong nhiều vẻ đẹp sơn thủy hữu tình mà không phải nơi nào cũng có.
Đắk Glong hiện đang sở hữu nhiều thắng cảnh thiên nhiên lý tưởng như: Vườn quốc gia Tà Đùng, với diện tích khoảng 21.000ha; thác Gấu ở xã Quảng Sơn; hồ thủy điện Đồng Nai 3, 4; thủy điện Buôn Tua Srah; các hồ chứa nước tự nhiên và nhân tạo rất thích hợp cho du lịch sinh thái và dã ngoại…
Từ những đặc thù địa hình đã tạo nên vùng tiểu khí hậu mát mẻ, phù hợp để Đắk Glong phát triển du lịch, dịch vụ, nhất là du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng trải nghiệm.
Huyện còn lưu giữ rất nhiều nét đẹp văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào các dân tộc thiểu số. Cụ thể như: lễ hội cồng chiêng, uống rượu cần, lễ hội đâm trâu... Đó là những tiềm năng cho phát triển du lịch văn hóa dân gian.
Hiện nay, trên địa bàn huyện đang có 2 di tích lịch sử: Địa điểm chiến thắng ấp chiến lược hang No. Đây là di tích lịch sử cấp tỉnh ở xã Quảng Khê.
Cứ địa Nâm Nung cũng là di tích lịch sử cấp quốc gia thuộc xã Quảng Sơn. Đây là địa chỉ đỏ, góp phần phát huy các giá trị lịch sử văn hóa cho địa phương thời gian tới.
Đắk Glong có các điểm di sản thuộc Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông đã được đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, phục vụ phát triển du lịch như: Trang trại hữu cơ Hưng Long; Làng nghề đan lát M’nông; Tuyến đi bộ trong rừng; Cảnh quan hồ Tà Đùng; Thác đá granit; Miếu thần đá; đập thủy điện; cây thần linh...
Điểm nhấn nổi bật nữa của Đắk Glong phải kể tới là các mô hình, sản phẩm nông nghiệp phục vụ du khách đang được trải đều tại các địa bàn.
Điển hình như các sản phẩm đan lát ở bon Kon Hao; thịt dê sạch trang trại Hưng Long; cam, quýt ở xã Đắk Ha; ổi, sầu riêng, bơ ở xã Quảng Khê, Đắk Som, Quảng Sơn...
Việc phát triển các mô hình nông nghiệp chất lượng cao gắn với du lịch trải nghiệm đang được nhiều người dân Đắk Glong quan tâm.
Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Đắk Glong Nguyễn Hồng Thanh cho biết, địa phương đang có kế hoạch khảo sát các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Qua đó huyện sẽ xây dựng mô hình phục vụ phát triển du lịch trong hệ thống Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông. Đồng thời, huyện khảo sát Khu du lịch Tà Đùng để quy hoạch, định hướng, kêu gọi đầu tư vào phát triển du lịch và kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Nỗ lực khai thác các tiềm năng
Để phát huy hiệu quả các tiềm năng du lịch, thời gian qua, huyện Đắk Glong đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp giúp quảng bá vùng đất, con người đến với du khách trong và ngoài nước.
Với định hướng đẩy mạnh phát triển và phong phú các sản phẩm du lịch, huyện đã xây dựng được 7 sản phẩm OCOP của 6 chủ thể. Trong đó, một số sản phẩm đang gắn với phát triển du lịch cộng đồng.
Từ đầu năm đến nay, Đắk Glong đã thu hút được 24.500 lượt du khách đến tham quan tham quan, trải nghiệm. Trong đó, tập trung nhiều nhất là du khách ở các tỉnh, thành phố lớn trong cả nước đến Khu du lịch Tà Đùng.
Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Glong Đoàn Văn Phương cho hay, để du lịch địa phương có những bước tiến đột phá, thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá về các tiềm năng, lợi thế. Từ đó, huyện thu hút, mời gọi các doanh nghiệp đến khảo sát, đầu tư.
Huyện đang giao Phòng Văn hóa - Thông tin xây dựng phương án vận hành các điểm dừng chân; tham mưu cho các cấp chính quyền thu hồi một số diện tích đất của điểm dừng chân, để từng bước đầu tư xây dựng phục vụ phát triển du lịch.
Từng điểm dừng chân sẽ được huyện tạo mã Qr. Trong mã này sẽ có số điện thoại của các hướng dẫn viên và các thông tin về điểm du lịch địa bàn.
Du khách khi đến đây tự quét mã Qr là có thể biết được đầy đủ thông tin của các điểm. Địa phương sẽ vận động một số đoàn viên, thanh niên tham gia các lớp về hướng dẫn viên du lịch để tăng cường thêm nhân lực.
“Chúng tôi đang nỗ lực để ngành du lịch cất cánh, tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Từ đó trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, phù hợp với chiến lược phát triển nhanh, bền vững của địa phương”, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Glong Đoàn Văn Phương nhấn mạnh.