Chất lượng công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo chưa đáp ứng yêu cầu

Tin Tây Nguyên - Ngày đăng : 22:01, 22/08/2024

Chiều 22/8, tại thành phố Đà Lạt, Tỉnh ủy Lâm Đồng tổ chức tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo”.
Đại diện sở, ngành phát biểu ý kiến tại hội nghị.
Đại diện sở, ngành phát biểu ý kiến tại hội nghị.

Theo đánh giá, trong 10 năm qua, các vụ việc khiếu nại trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng xảy ra chủ yếu trong lĩnh vực đất đai, tư pháp, chế độ, chính sách, tổ chức cán bộ… Đơn thư tố cáo chủ yếu trong lĩnh vực hành chính, tư pháp, nội dung liên quan đến cán bộ, đảng viên vi phạm trong thực hiện nhiệm vụ được giao, tham nhũng, tiêu cực, vi phạm phẩm chất, đạo đức, lối sống, cố ý làm trái trong quản lý đất đai, tài nguyên, khoáng sản, tài chính, ngân sách, tổ chức cán bộ….

Một số vụ việc kéo dài nhiều năm đã được các cấp chính quyền từ địa phương đến Trung ương rà soát, giải quyết, vận động, giải thích, nhưng người dân vẫn không chấp nhận kết quả mà tiếp tục gửi đơn khiếu nại nhiều lần. Một số vụ việc đông người, phức tạp, kéo dài, vượt cấp, gây bức xúc, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh “điểm nóng” về an ninh, trật tự.

Chất lượng công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo chưa đáp ứng yêu cầu ảnh 1

Quang cảnh hội nghị.

Trong 10 năm, người đứng đầu cấp ủy đã tổ chức tiếp 15.415 cuộc/3.459 vụ việc, đã chỉ đạo giải quyết 3.459 vụ; người đứng đầu Ủy ban nhân dân các cấp, các sở, ban, ngành tổ chức tiếp 36.182 cuộc/11.862 vụ việc, đã giải quyết dứt điểm 11.816 vụ. Việc giải quyết khiếu nại, tố cáo cơ bản thực hiện đúng quy định pháp luật, bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của nhân dân.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy tiến hành 7 cuộc kiểm tra, 4 cuộc giám sát chuyên đề đối với công tác tiếp dân và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo. Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh tiến hành 9 cuộc giám sát, đôn đốc công tác nội chính, phòng chống tham nhũng, tiêu cực gắn với nội dung thực hiện công tác tiếp dân của bí thư và lãnh đạo; chỉ đạo công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với 9 ban thường vụ huyện ủy, thành ủy.

Chất lượng công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo chưa đáp ứng yêu cầu ảnh 2

Giám đốc Công an tỉnh Lâm Đồng phát biểu ý kiến tại hội nghị.

Tại hội nghị, Tỉnh ủy Lâm Đồng và đại diện một số sở, ngành đã nêu rõ những hạn chế, vướng mắc và bài học kinh nghiệm từ thực tiễn thực hiện Chỉ thị 35 trên địa bàn tỉnh, đồng thời đề xuất giải pháp khắc phục thời gian tới.

Chất lượng công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo chưa đáp ứng yêu cầu ảnh 3

Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Lâm Đồng phát biểu ý kiến tại hội nghị.

Theo đánh giá, tuy công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo đạt được một số kết quả quan trọng, song tình hình khiếu kiện tiếp tục diễn biến phức tạp; công tác theo dõi, nắm bắt, dự báo tình hình khiếu nại, tố cáo ở cơ sở nhiều lúc thiếu kịp thời, sâu sát, nên vẫn tiềm ẩn nguy cơ bị động, bất ngờ khi phát sinh các tình huống khiếu kiện đông người, phức tạp.

Đến ngày 31/12/2023, toàn tỉnh Lâm Đồng có 99 cán bộ, công chức chuyên trách tiếp công dân; 774 cán bộ, công chức kiêm nhiệm tiếp công dân.

Chất lượng công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo chưa đáp ứng yêu cầu ảnh 4

Quyền Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Nguyễn Thái Học phát biểu kết luận hội nghị.

Phát biểu kết luận hội nghị, Quyền Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Nguyễn Thái Học cho rằng, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo đã được quy định rất rõ trong các quy định của Đảng, Nhà nước. Tuy nhiên, thực tế tình hình công dân khiếu nại, tố cáo ngày một phức tạp, số lượng công dân đến gặp lãnh đạo và đơn thư khiếu nại, tố cáo rất nhiều. Điều này cho thấy chất lượng công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo còn nhiều tồn tại, hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu.

Chất lượng công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo chưa đáp ứng yêu cầu ảnh 5

Đại biểu tham dự hội nghị.

Thời gian tới, Quyền Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng đề nghị các đồng chí lãnh đạo cần nhận thức sâu sắc hơn về kênh khiếu nại, tố cáo là kênh thông tin có ý nghĩa hết sức quan trọng để lắng nghe, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, nắm được điểm nóng để phục vụ quá trình lãnh đạo, chỉ đạo. Việc tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo phải giải quyết đúng bản chất của vấn đề, tránh để dân bức xúc. Đồng chí nhấn mạnh, phải nhận thức rõ, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo là để cho dân, phục vụ nhân dân.

MAI VĂN BẢO