Tuy Đức nỗ lực cải thiện chỉ số DDCI
Chỉ số cạnh tranh cấp huyện (DDCI) của huyện Tuy Đức đứng thứ 5 toàn tỉnh Đắk Nông, tăng 3 bậc so với cùng kỳ năm 2023. Kết quả dù khiêm tốn nhưng là sự nỗ lực, cố gắng của một huyện vùng biên giới còn nhiều khó khăn.
Nỗ lực thực hiện các chỉ tiêu
Theo UBND huyện Tuy Đức, thực hiện các kế hoạch của tỉnh về cải thiện môi trường kinh doanh; hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp… UBND huyện đã ban hành Kế hoạch nâng cao DDCI huyện Tuy Đức năm 2024.
Huyện xác định, sự phát triển bền vững doanh nghiệp khu vực tư nhân lành mạnh, hiệu quả, bền vững, thực sự trở thành một động lực quan trọng trong phát triển kinh tế của huyện, góp phần phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững. Do đó, huyện tập trung các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn quy trình xử lý, bảo đảm công khai, minh bạch và có trách nhiệm nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp trên địa bàn.
Tổng số doanh nghiệp trên địa bàn huyện hiện có 151 doanh nghiệp, với vốn điều lệ hơn 1.794 tỷ đồng, tăng 11 doanh nghiệp so cùng kỳ. Huyện thường xuyên hướng dẫn người dân các quy trình thành lập đăng ký kinh doanh đúng quy định. 6 tháng đầu năm, toàn huyện có 177 hộ đăng ký mới với tổng số vốn hơn 45 tỷ đồng, lũy kế 3.409 hộ kinh doanh.
Về chỉ số cạnh tranh bình đẳng, huyện thực hiện theo nguyên tắc trung thực, công bằng và lành mạnh, không xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, của người tiêu dùng. Trong 6 tháng đầu năm 2024, UBND huyện đã ban hành các kế hoạch và thành lập đoàn kiểm tra hàng giả, hàng kém chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn.
Đối với phát triển kinh tế tập thể, hiện nay trên địa bàn huyện có 26 hợp tác xã (HTX) và 2 chi nhánh HTX đang hoạt động, tăng 3 HTX so cùng kỳ. Nhìn chung, kinh tế tập thể, HTX vẫn tiếp tục duy trì hoạt động ổn định, thu nhập của hợp tác xã và người lao động trong các tổ chức kinh tế tập thể có chiều hướng gia tăng, mang lại lợi ích cho thành viên, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới…
Về tính minh bạch và tiếp cận thông tin, hiện 100% văn bản được thực hiện trên hệ thống quản lý văn bản (trừ các văn bản dạng mật). 100% văn bản đã thực hiện chữ ký số, thực hiện xử lý, luân chuyển văn bản hoàn toàn từ cấp chuyên viên lên lãnh đạo phòng và lãnh đạo UBND huyện trong môi trường mạng.
Cùng với đó, huyện chỉ đạo Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thông và các đơn vị liên quan tham mưu UBND huyện kiện toàn Ban Biên tập Trang Thông tin điện tử huyện và đề nghị các đơn vị thường xuyên đăng tải các nội dung thông tin lên Trang thông tin điện tử. Hoạt động nhằm từng bước hiện đại, cập nhật các thông tin phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh địa phương và đúng quy định pháp luật.
Đánh giá về tính năng động của các phòng, ban, đơn vị và UBND các xã, ông Trần Vĩnh Phú, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Đức cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2024, UBND huyện đã tiếp nhận và giải quyết trong kỳ là 6175 hồ sơ, bao gồm: lĩnh vực tài nguyên – môi trường 2205 hồ sơ; lĩnh vực lao động, thương binh xã hội 103 hồ sơ; lĩnh vực tài chính kế hoạch 175 hồ sơ; lĩnh vực tư pháp 2635 hồ sơ; lĩnh vực kinh tế hạ tầng 413 hồ sơ... Huyện giải quyết tỷ lệ đúng hạn đạt 97,2%, tỷ lệ giải quyết quá hạn đạt 2,8% hồ sơ.
Ngoài ra, cơ quan chuyên môn tham mưu UBND huyện ban hành kế hoạch và các văn bản chỉ đạo về công tác kiểm soát thủ tục hành chính và kế hoạch thực hiện hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2015 năm 2024 trên địa bàn huyện kịp thời và đúng quy định.
Đẩy mạnh cải cách hành chính
Mặc dù đạt một số kết quả nhưng vẫn còn khó khăn, vướng mắc. Địa bàn có nhiều thành phần dân tộc cùng sinh sống, dân cư thưa thớt, điều kiện kinh tế khó khăn, trình độ dân trí thấp ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Cơ sở vật chất cấp xã hiện nay còn thiếu nhiều và chưa đạt chuẩn theo quy định, chưa đáp ứng được nhu cầu làm việc và giải quyết công việc của người dân. Cơ sở hạ tầng và giao thông hư hỏng nặng ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư của doanh nghiệp. Môi trường đầu tư kinh doanh chưa thật sự hấp dẫn, thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư xây dựng. Hầu hết công nghệ sản xuất của doanh nghiệp chưa đáp ứng khả năng cạnh tranh trên thị trường, thiếu vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Theo ông Trần Vĩnh Phú, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Đức, để nâng cao chỉ số DDCI, thời gian tới, huyện đẩy mạnh cải cách hành chính và thủ tục liên quan đến đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp. Địa phương thực hiện tốt cơ chế một cửa, một cửa liên thông, thực hiện công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan hành chính Nhà nước, phổ biến rộng rãi và niêm yết công khai tại công sở các quy chế, quy trình và các thủ tục hành chính.
Huyện rà soát các thủ tục hành chính, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi và bình đẳng cho mọi tổ chức, doanh nghiệp, người dân phát triển kinh doanh. Hướng dẫn các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong việc chuẩn bị hồ sơ và tiếp nhận, xử lý các thủ tục hành chính bảo đảm nhanh chóng, kịp thời và đúng quy định.
Địa phương sẽ đề xuất xây dựng và thực hiện các cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp thuộc mọi lĩnh vực kinh tế, đẩy mạnh đổi mới công nghệ, ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất kinh doanh, xây dựng, đăng ký thương hiệu sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Cùng với đẩy mạnh rà soát, kiểm tra tiền độ triển khai thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn, huyện tiếp tục rà soát cải tiến các thủ tục và quy trình giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến giao đất, cho thuê đất, giải quyết kịp thời các vướng mắc của doanh nghiệp liên quan đến đất đai, tài nguyên môi trường.
UBND huyện tăng cường phối hợp với UBND các xã và các đơn vị có liên quan tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất để doanh nghiệp khai thác các dự án. Đồng thời tập trung huy động các nguồn lực, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm các công trình, tuyến đường giao thông quan trọng, tạo động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội…
Chỉ số thành phần của DDCI được sử dụng nhằm đánh giá năng lực quản trị, điều hành của cấp huyện. Các chỉ số này có thể được điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện và yêu cầu của từng nơi. Tại huyện Tuy Đức các chỉ tiêu đánh giá gồm: tính minh bạch và tiếp cận thông tin; tính năng động của các phòng, ban, đơn vị và UBND các xã; chi phí thời gian; chi phí không chính thức; cạnh tranh bình đẳng; hỗ trợ doanh nghiệp; thiết chế pháp lý; vai trò người đứng đầu.