Đắk Nông nghiên cứu nhân rộng mô hình nuôi cá chép giòn
Từ kết quả mô hình nuôi cá chép giòn, huyện Đắk Song (Đắk Nông) đang nghiên cứu nhân rộng, hình thành các nhóm hộ nuôi tại địa phương.
Theo ông Mai Xuân Quang, Trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Đắk Song, mô hình nuôi cá chép chuyển giòn được triển khai từ năm 2019. Mô hình do huyện Đắk Song phối hợp với Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I (Bộ NN-PTNT) thực hiện.
Mô hình chuyển giao công nghệ nuôi thương phẩm cá chép V1 chuyển giòn được thực hiện tại gia đình ông Đinh Văn Điệp, thôn 10, xã Nam Bình, huyện Đắk Song. Vào cuối năm 2023, mô hình đã được nghiệm thu đánh giá đạt yêu cầu, mang lại giá trị kinh tế cao.
Theo ông Điệp, năm 2020, ông sử dụng diện tích ao rộng gần 1.000m2 thả hơn 200 con cá chép để nuôi thử nghiệm. Để cá chép thông thường trở thành cá chép giòn, ông Điệp được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn cách chăm sóc, áp dụng phương pháp cho cá ăn để chuyển giòn.
Một điều hết sức đơn giản là để cho thịt cá chép trở nên giòn, ông đã sử dụng hạt đậu tằm để cho cá ăn. Trước khi cho cá ăn, đậu tằm được ngâm qua 1 đêm để hạt đậu nở, sau đó rửa sạch và làm thức ăn cho cá.
Ông Điệp cho biết: “Cá chép giống từ tháng thứ 1 đến tháng thứ 3 vẫn cho ăn bằng thức ăn thông thường. Từ tháng thứ 4 cho đến thời gian xuất bán (tháng thứ 8), cá được chuyển sang chế độ thức ăn giòn bằng hạt đậu tằm. Bằng cách này, thịt cá sẽ trở nên giòn và dai hơn”.
Qua tính toán của ông Điệp, trên diện tích hơn 1ha ao nuôi, 3 năm trở lại đây, mỗi năm gia đình xuất bán khoảng 7 tấn cá chép, cá trắm giòn.
Với trọng lượng bình quân từ 3-7kg/con, giá dao động từ 170.000 - 180.000 đồng/kg, gia đình ông có doanh thu hơn 1 tỷ đồng, thu lãi khoảng 400 triệu đồng/năm.
Ông Điệp cho biết thêm, thị trường tiêu thụ cá chép và trắm giòn hiện nay chủ yếu tại các quán ăn, nhà hàng trên địa bàn và rất thuận lợi về đầu ra.
Trong năm 2024 này, cá nuôi tại gia đình vẫn chưa đáp ứng nguồn hàng để bán ra. Do vậy, ông đã quyết định đầu tư mở rộng thêm ao nuôi nhằm đáp ứng nguồn cá cho khách hàng.
Cũng theo ông Mai Xuân Quang, Trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Đắk Song, kết quả đạt được trong việc chuyển giao ứng dụng mô hình nuôi thương phẩm cá chép V1 chuyển giòn đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho hộ tham gia thực hiện mô hình.
Huyện Đắk Song đang tiến hành các bước để nhân rộng, có thêm nhiều hộ dân tham gia mô hình, tạo thành chuỗi cung ứng sản phẩm được liên tục. Huyện đề xuất các cấp, các ngành hỗ trợ kinh phí để nhân rộng mô hình một cách hiệu quả.
“Qua theo dõi mô hình và sau khi kết thúc chuyển giao, Phòng Kinh tế và Hạ tầng nhận thấy cần phát huy, nhân rộng mô hình nuôi thương phẩm cá chép chuyển giòn cho các nhóm hộ nuôi, tạo thành sản phẩm có giá trị cho địa phương”, ông Quang cho biết.
Vừa qua, Sở KH – CN tỉnh Đắk Nông đã tổ chức buổi kiểm tra thực tế mô hình chuyển giao công nghệ nuôi cá chép V1 chuyển giòn tại Đắk Song.
Kết quả, Sở KH - CN đánh giá mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Điều kiện nuôi cá tại huyện Đắk Song đáp ứng nhu cầu nhân rộng mô hình.
Trên cơ sở đó, ông Ngô Đức Trọng, Chủ tịch UBND huyện Đắk Song đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn huyện tiếp tục nghiên cứu, triển khai nhân rộng mô hình tạo thành các nhóm hộ nuôi tại xã Nam Bình và các xã lân cận.
“Đắk Song cần tiếp tục duy trì và phát triển kết quả mô hình nuôi cá chép chuyển giòn thương phẩm đạt hiệu quả và đáp ứng yêu cầu là sản phẩm OCOP của địa phương”, ông Ngô Đức Trọng nhấn mạnh.