Việc tử tế

Cô giáo Nguyễn Thu Uyên mang yêu thương đến với trẻ khuyết tật

Lê Tuấn 21/08/2024 16:04

Đến Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tỉnh Đắk Nông, chứng kiến hình ảnh cô giáo Nguyễn Thu Uyên ân cần hướng dẫn các em học sinh, mới cảm nhận hết được tình yêu thương, sự tận tình của cô dành cho trẻ khuyết tật (TKT).

Luôn tận tụy với công việc

Tốt nghiệp ngành Sư phạm, Trường Đại học Đồng Tháp năm 2017, cô giáo Nguyễn Thu Uyên (SN 1994) về công tác tại Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tỉnh Đắk Nông. Trải qua 7 năm công tác, cô giáo Uyên luôn nỗ lực phấn đấu để hoàn thành tốt nhiệm vụ.

2(1).jpg
Cô giáo Nguyễn Thu Uyên chú trọng việc soạn giáo án kỹ lưỡng trước khi lên lớp

Với giáo viên ở các thôn, bon, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, việc bám trường lớp vốn dĩ đã rất khó khăn, thế nhưng, giáo viên dạy TKT còn vất vả hơn rất nhiều khi phải chăm lo cho từng em đang mang trên mình những nỗi đau riêng.

Trong lớp mỗi em một dạng khuyết tật, em bị hội chứng down, bị tim bẩm sinh… Tuy vậy, cô giáo Uyên luôn đồng cảm, yêu thương, trách nhiệm với công việc giảng dạy, giúp đỡ các em mỗi ngày lên lớp.

Khi được hỏi về cơ duyên đến với nghề, cô giáo Uyên tâm sự: “Năm 2017, tôi tốt nghiệp Trường Đại học Đồng Tháp ngành Sư phạm. Năm ấy, tỉnh Đắk Nông thành lập Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tỉnh, tôi xin vào dạy học tại đây. Thời gian đầu, tôi gặp nhiều khó khăn vì mỗi em một dạng tật khác nhau, có em không kiểm soát được hành vi, thi thoảng lại cào cấu bản thân, đánh bạn, la hét, chạy lung tung... Thậm chí, nhiều em quên cả đi vệ sinh, vệ sinh ngay tại lớp học, lúc đó tôi phải dọn vệ sinh sạch sẽ rồi mới yên tâm giảng dạy tiếp".

z5750249797395_5a4b4256e37537fa74b3d8fc63a38efb(1).jpg
Cô giáo Uyên thường xuyên cùng các cháu tham gia các hoạt động ngoại khóa để nâng cao khả năng hiểu biết

Dù vất vả, khó khăn nhưng với tình yêu thương, tinh thần trách nhiệm cũng như sự đồng cảm, chia sẻ với các em nên cô giáo Uyên luôn cố gắng làm việc tận tụy. Công việc chăm sóc và dạy bảo các em đòi hỏi phải kiên trì, nhẫn nại, dành nhiều tình thương cho các em và cô luôn coi các em như con, em của mình.

Đồng cảm, yêu thương học sinh

Với đặc thù giảng dạy lớp học đặc biệt nên phương pháp dạy cũng đặc biệt. Cô giáo Nguyễn Thu Uyên tâm sự: “Các em đều là những trẻ khuyết tật, chậm hiểu nên mình phải giảng từ từ, kiên nhẫn chỉ cho các em từng con chữ cho đến việc học cách tự phục vụ, kỹ năng sống hòa nhập cộng đồng".

z5750249789398_9bc7bab307e795d4b0f24ab016b1e60c(1).jpg
Cô giáo Uyên tận tình hướng dẫn các cháu những kiến thức thường nhật để các cháu có thêm nhiều kiến thức trong cuộc sống

Để có phương pháp truyền tải kiến thức dành cho những em khuyết tật như vậy, hàng ngày, ngoài giờ lên lớp cô lại vào internet, đọc sách… để tìm hiểu học tập thêm kinh nghiệm của những thầy, cô đã có thâm niên trong nghề dạy TKT. Nhờ đó, cô giáo Uyên rút ra những phương pháp dạy và trang bị thêm kiến thức cho mình để truyền đạt cho các em một cách phù hợp nhất.

Dù tuổi đời và tuổi nghề còn trẻ, nhưng với lòng yêu nghề, mến trẻ và sự phấn đấu của bản thân, cô giáo Nguyễn Thu Uyên đã được các cấp tặng nhiều giấy khen.

Trong lớp, có em vừa được dạy viết tên xong nhưng khi quay lại hỏi thì quên rồi, cô lại phải chỉ bảo lại từ đầu. "Dạy TKT mình phải từ từ hướng dẫn cho các em từng nét chữ, con vật… các em dần dần mới hiểu được. Cũng có em học 2-3 năm rồi vẫn học lớp một vì bị thiểu năng trí tuệ không đọc, viết được chữ. Có em cả lớp đang học mình lại hét lên chạy ra ngoài chơi... Do vậy, mình phải thật sự kiên trì, chịu khó nắm bắt tính cách, bệnh tật của từng em, đồng thời phải có sự đồng cảm, yêu thương để giúp các em khắc phục dần dần", cô giáo Uyên bộc bạch.

co-uyen-1-(1).jpg

Cô giáo Uyên thường xuyên học hỏi để nâng cao kỹ năng giao tiếp với các em bị khuyết tật để thuận lợi trong việc giảng dạy. Bên cạnh đó, cô thường xuyên liên hệ, phối hợp chặt chẽ với phụ huynh, chuyên gia y tế và các nhà giáo dục khác để bảo đảm sự phát triển cho học sinh.

Ngoài giờ học chữ cái, cô giáo Uyên tổ chức cho các em vui chơi, múa hát... tạo không khí vui tươi, nhộn nhịp để các em phấn khởi vui chơi cùng các bạn. Với sự nhiệt tình, tìm tòi các phương pháp dạy học phù hợp với từng em, tận tâm giúp đỡ cho các em trong những giờ ở lớp nên cô giáo Nguyễn Thu Uyên được nhiều phụ huynh gửi lời cảm ơn.

930bd7a69cf738a961e6(1).jpg
Ngoài giờ dạy chữ, cô giáo Nguyễn Thu Uyên thường xuyên vui chơi cùng các em để tạo thêm sự tự tin, hòa đồng cho các TKT

Ông Hồ Nhất Thiên, phường Nghĩa Đức, TP. Gia Nghĩa (Đắk Nông) cho hay, con trai tôi bị chèn não. Khi theo học tại Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tỉnh Đắk Nông, cháu được các cô giáo, nhân viên chăm sóc và dạy bảo tận tình, đặc biệt là cô giáo Uyên. Không chỉ giảng dạy cháu nhận biết những mặt chữ cơ bản, cách ăn uống, chào hỏi mà cô giáo Uyên còn chăm sóc cháu như con của mình, chăm lo từng miếng ăn, giấc ngủ.

Không chỉ giỏi việc trường, cô Uyên còn là người con hiếu thảo, người vợ, người mẹ mẫu mực trong gia đình, luôn đồng hành cùng chồng chăm lo cho cuộc sống gia đình hạnh phúc, chăm sóc con cái. Nhờ cách cư xử khéo léo, đúng mực mà gia đình cô luôn đầm ấm, yên vui. Trong môi trường giáo dục tại trung tâm và trong cuộc sống, cô giáo Uyên luôn có tính cách hòa đồng nên được mọi người xung quanh yêu mến, đồng nghiệp kính trọng.

fddfee79a52801765839-1-.jpg
Cô giáo Nguyễn Thu Uyên trong giờ lên lớp

Ông Trần Thanh Ảnh, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tỉnh Đắk Nông cho biết: “Cô giáo Nguyễn Thu Uyên là một giáo viên năng nổ, sáng tạo, mẫu mực, chịu thương, chịu khó trong giảng dạy trẻ khuyết tật và rất tâm huyết với nghề; sống vui vẻ hòa đồng với các thầy, cô giáo. Cô giáo Uyên còn là tấm gương sáng trong cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”. Dù tuổi đời và tuổi nghề còn trẻ, nhưng với lòng yêu nghề, mến trẻ và sự phấn đấu của bản thân, cô đã được các cấp tặng nhiều giấy khen".

Lê Tuấn