Đắk Nông chủ động ứng phó các sự cố giao thông do thiên tai
Đắk Nông thường xảy ra sạt lở, sụt lún đất trong mùa mưa bão. Vì vậy, tỉnh chủ động các phương án ứng phó để bảo đảm hoạt động đối với các tuyến giao thông.
Hạ tầng giao thông hư hỏng
Năm 2023, tỉnh Đắk Nông chịu thiệt hại nặng nề bởi thiên tai, trong đó có hạ tầng giao thông. Hậu quả của thiệt hại đến nay tỉnh vẫn chưa khắc phục xong.
Ngày 8/8/2023, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông quyết định công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai để ứng phó, khắc phục đối với 3 công trình gồm: Hồ chứa nước Đắk N'ting, xã Quảng Sơn, huyệnĐắk Glong; đường Hồ Chí Minh tại km1.900+350, đoạn qua phường Nghĩa Thành, TP. Gia Nghĩa; khu vực sạt trượt ở bon Bu Krắc và bon Bu P'răng 1A, xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức.
Tại km1.900+350, đường Hồ Chí Minh đoạn qua phường Nghĩa Thành, TP. Gia Nghĩa, các vết nứt gãy, sạt trượt có chiều dài khoảng 400m, chiều sâu khoảng 4,5m.
Vết nứt gây mất ổn định kết cấu hạ tầng giao thông, ảnh hưởng lớn đến hoạt động tham gia giao thông tại khu vực và an toàn tính mạng, tài sản hàng chục hộ dân xung quanh.
Trên tỉnh lộ 1, đoạn từ Km25+100 - Km25+950 qua xã Quảng Tâm, huyện Tuy Đức cũng xuất hiện các vết đứt gãy, sụt lún, ảnh hưởng đến an toàn giao thông và hàng chục hộ dân trong khu vực.
Để ứng phó với thiên tai, ngành chức năng đã cắm biển cảnh báo nguy hiểm đối với các công trình, khu vực nêu trên. Cùng với việc phân luồng giao thông, cơ quan chức năng nghiêm cấm vào khu vực cảnh báo nguy hiểm.
Cơ quan chức năng di dời toàn bộ các hộ dân chịu ảnh hưởng, trực ban 24/24 giờ tại các điểm sạt lở, đồng thời theo dõi và đánh giá các diễn biến để kịp thời xử lý.
Đối với đường Hồ Chí Minh, cơ quan chức năng tổ chức phân luồng giao thông, tập trung xử lý dòng tụ nước giáp công trình, lên phương án thoát nước phù hợp.
Ở khu vực sạt trượt bon Bu Krắc và bon Bu P'răng 1A, xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức cơ quan chức năng tìm cách hạn chế các vết nứt, sắp xếp các phương án để bảo đảm lưu thông các tuyến đường…
Trong khi việc khắc phục sự cố năm 2023 chưa xong thì năm nay thiên tai tiếp tục gây nhiều thiệt hại cho tỉnh Đắk Nông. Chỉ từ ngày 20 - 22/7 vừa qua, mưa lớn đã khiến cho Đắk Nông xảy ra 6 vụ sạt trượt, lở đất, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho người dân khi tham gia giao thông.
Cụ thể, ngày 20/7, tại thôn 11, xã Quảng Hòa, huyện Đắk Glong xuất hiện điểm sạt lở với diện tích khoảng 200m². Vị trí sạt lở sâu khoảng 6m làm ảnh hưởng đến hệ thống kênh mương công trình thủy lợi Suối Đá, tuyến giao thông nội đồng và nhiều diện tích đất sản xuất.
Tuyến đường từ trung tâm xã Quảng Khê, huyện Đắk Glong đến đập thủy điện Đồng Nai 4 xuất hiện điểm sụt trượt có chiều dài khoảng 400m, cắt ngang qua đường.
Điểm sụt trượt này bắt đầu xuất hiện từ năm 2018 và có dấu hiệu sâu, rộng hơn sau khi có mưa lớn dài ngày. Gần cung sạt trượt về phía xã Quảng Khê xuất hiện điểm sạt trượt mái taluy âm ngay khu vực cống thoát nước.
Tại huyện Đắk R'lấp xảy ra 2 điểm sạt lở đất quy mô nhỏ tại thôn 6, xã Nhân Đạo; điểm sạt lở đất tại thôn 4, xã Kiến Thành làm đất đá tràn xuống đường.
Chủ động ứng phó
Theo ông Nguyễn Nhân Bản, Giám đốc Sở GT-VT, Phó Ban An toàn giao thông tỉnh Đắk Nông, những năm gần đây, mưa lũ ngày càng phức tạp, khó lường. Năm nào tỉnh cũng xảy ra tình trạng sạt lở đất trên các tuyến đường.
Vào mùa mưa hàng năm, có thời gian mưa liên tục gần 20 ngày, dù không bị ngập nhưng đường giao thông bị ngậm nước dài ngày dẫn đến nguy cơ hư hỏng, mất an toàn.
Để ứng phó, ngành Giao thông Đắk Nông đã chủ động phối hợp chính quyền các địa phương sẵn sàng các phương án phòng, chống thiên tai với phương châm "4 tại chỗ".
Các lực lượng thường xuyên, liên tục tuần tra, kiểm tra đường, kịp thời phát hiện, xử lý các sự cố để bảo đảm giao thông an toàn, thông suốt.
Đối với điểm sạt lở trên đường Hồ Chí Minh, đoạn qua phường Nghĩa Thành, TP. Gia Nghĩa, đơn vị chức năng tính toán 3 phương án xử lý, khắc phục.
Cụ thể, phương án 1, cơ quan chức năng sẽ xây dựng cầu cạn trên phạm vi mặt đường bị sụt lún. Đối với phạm vi mặt đường còn lại đang ổn định thì giữ nguyên.
Cơ quan chức năng sẽ cải tạo hệ thống thu gom nước mặt và xử lý bề mặt taluy nền đường. Tổng mức đầu tư theo phương án 1 dự kiến khoảng 193 tỷ đồng, thi công trong 12 tháng.
Phương án 2, cơ quan chức năng sẽ cần 200 tỷ đồng, 8 tháng thi công để cải tạo tuyến, dịch tim tuyến về phía bên phải vào trong khu vực ổn định; kết hợp cải tạo hệ thống thu gom nước mặt và xử lý một phần bề mặt ta luy nền đường.
Phương án 3, thiết kế kè chắn ta luy, kết hợp cải tạo bề mặt ta luy nền đường, hệ thống thu gom nước mặt, khôi phục phạm vi công trình bị hư hỏng với.
Phương án này cần khoảng 130 tỷ đồng, 9 tháng để thi công. Cả ba phương án đều có nguồn kinh phí giải phóng mặt bằng nhưng đều không có nhà dân phải giải tỏa, di dời.
Hiện nay, Sở GT -VT đang giám định sự cố công trình theo quy định. Khi có kết quả giám định, nhà đầu tư BOT sẽ tổ chức lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư khắc phục sự cố từ nguồn thu trạm thu phí dự án BOT.
Khi được chấp thuận chủ trương đầu tư, nhà đầu tư BOT cũng sẽ tổ chức lập hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi để trình phê duyệt theo quy định. Dự kiến thời gian khởi công khắc phục sự cố công trình vào đầu tháng 1/2025.
Đối với khu vực sạt trượt đoạn từ km25+100 đến km25+950 qua xã Quảng Tâm, huyện Tuy Đức, tỉnh đã bố trí 90 tỷ đồng để xây dựng hơn 4km đường tránh.
Kinh phí thực hiện dự án được trích từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2023 cho một số địa phương khắc phục hậu quả thiên tai. Thời gian thực hiện dự án khắc phục trong năm 2024.