Elon Musk biến X thành công cụ hỗ trợ ông Trump tranh cử thế nào?
Nên biết - Ngày đăng : 16:52, 20/08/2024
Gần hai năm sau khi Elon Musk mua lại Twitter và đổi tên thành X, vị tỷ phú giàu nhất thế giới đang tận dụng sức mạnh của mạng xã hội này, biến nó thành một nguồn tin tức thời gian thực cho hàng triệu người dùng nhằm cố gắng tác động đến kết quả của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024 theo hướng có lợi cho cựu Tổng thống Donald Trump.
Musk khẳng định tiếng nói của mình trong lĩnh vực chính trị từ nhiều tháng qua. Ông đã thúc đẩy các thuyết âm mưu phân biệt chủng tộc về chính sách nhập cư của chính quyền Biden, ám ảnh về "virus tâm trí thức tỉnh" – một thuật ngữ được phe bảo thủ sử dụng để chỉ trích các phong trào xã hội, đồng thời cảnh báo Mỹ sẽ phải đối mặt với "ngày tận thế" nếu đảng Cộng hòa thất bại trong cuộc bầu cử vào tháng 11 tới.
CNN bình luận, giờ đây, Musk – không chỉ là chủ sở hữu mà còn là người dùng được theo dõi nhiều nhất trên X – đã chuyển sang chiến dịch vận động trực tiếp hơn để ủng hộ cựu Tổng thống Donald Trump. Theo CNN, đây là một động thái bất thường đối với một trong những người đàn ông giàu nhất thế giới và là người lãnh đạo của một mạng xã hội chính thống.
Mạng xã hội đóng một vai trò không nhỏ trong các cuộc bầu cử trước đây: các chiến dịch tận dụng chúng để xây dựng sự ủng hộ, các thế lực bên ngoài sử dụng chúng nhằm can thiệp vào kết quả bầu cử. Năm 2020, ngành công nghiệp này đã bị chỉ trích vì hạn chế người dùng truy cập vào các báo cáo về máy tính xách tay của Hunter Biden – con trai Tổng thống Joe Biden.
Một số người đứng đầu trong lĩnh vực công nghệ đã công khai bày tỏ sự ủng hộ đối với ứng cử viên họ yêu thích trong các cuộc bầu cử Tổng thống. Tuy nhiên, các nền tảng lớn, đặc biệt là chủ sở hữu của chúng, thường không cố gắng tác động đến cách người dùng bỏ phiếu, ngoại trừ việc đảm bảo mọi người nắm bắt thông tin cơ bản và chính xác về việc bỏ phiếu, đồng thời loại bỏ các hoạt động nhằm thao túng người dùng.
Ngược lại, Musk đã biến nền tảng trị giá 44 tỷ USD thành công cụ truyền thông chính trị của riêng mình, nhằm tác động, thậm chí là phát tán các thông tin sai lệch đến hơn 190 triệu người theo dõi.
Phát tán thông tin sai lệch?
Gần đây, Musk đã chia sẻ nội dung gây hiểu lầm về đối thủ của Trump, Phó Tổng thống Kamala Harris, đồng thời quyên góp cho một ủy ban hành động chính trị đang nỗ lực giúp Trump đắc cử.
CNN cho rằng đó là các tuyên bố sai lệch hoặc gây hiểu lầm của Musk về các cuộc bầu cử ở Mỹ trên X. Những bình luận như vậy thu về 1,2 tỷ lượt truy cập, theo một phân tích được Trung tâm Đối phó với Sự Thù hận Kỹ thuật số (Center for Countering Digital Hate) công bố vào tuần trước.
Chẳng hạn, Musk đặt câu hỏi về tính bảo mật của máy bỏ phiếu và tuyên bố sai sự thật rằng những người nhập cư không có giấy tờ có thể bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử ở Mỹ.
Wendy Weiser, Phó chủ tịch phụ trách các vấn đề dân chủ của Trung tâm Công lý Brennan thiên tả tại Trường Luật Đại học New York, chia sẻ với CNN: "Nền dân chủ phụ thuộc vào niềm tin của người dân vào tính toàn vẹn của kết quả (bầu cử) và sự sẵn sàng tin tưởng vào những kết quả đó ngay cả khi ứng cử viên được họ ủng hộ không giành chiến thắng", đồng thời cho rằng những tuyên bố về việc bỏ phiếu của Musk "gây tổn hại sâu sắc".
Musk cũng sử dụng AI để tạo một video giả mạo về các tuyên bố của Harris – vi phạm nghiêm trọng chính sách thao túng truyền thông của X và chỉ sử dụng biểu tượng mặt cười để gợi ý cho người theo dõi rằng đó là giả. Nhiều tuần sau khi đăng tải, video không được gắn nhãn "ghi chú cộng đồng" – tính năng xác minh thông tin dựa vào đóng góp của cộng đồng trên X mà Musk đã dùng làm lý do để sa thải bộ phận tin cậy và an toàn của công ty.
Các bài đăng mang tính chính trị của tỷ phú này xuất hiện khi X đang bị chỉ trích vì làm lan truyền các tuyên bố sai sự thật về vấn đề nhập cư ở Anh và chính Musk cũng tuyên bố "nội chiến là điều không thể tránh khỏi". Các thành viên của chính phủ Anh cáo buộc các cuộc thảo luận trên nền tảng này đã góp phần kích động các cuộc bạo loạn cực hữu trên khắp đất nước – điều này nhắc nhở rằng những phát ngôn trên mạng xã hội, đặc biệt là từ một trong những người giàu có và quyền lực nhất thế giới, có thể gây ra những tác động thực tế.
"Người lan truyền thông tin sai lệch càng nổi tiếng và đáng tin cậy thì thiệt hại càng lớn", Weiser nhấn mạnh. "(Musk) có một nền tảng khổng lồ, một khối tài sản đồ sộ cùng một tên tuổi cực kỳ nổi bật vào thời điểm này. Đó là bộ công cụ mạnh mẽ để phát tán thông tin sai lệch và các thuyết âm mưu."
Sự thay đổi về văn hóa của X
Ngoài các bài đăng của chính mình, nhiều thay đổi của Musk trong vai trò chủ sở hữu X đã góp phần vào sự chuyển hướng rộng hơn sang cánh hữu trong văn hóa của nền tảng, bao gồm việc khôi phục quyền truy cập cho những người cánh hữu này và những người theo thuyết âm mưu. Ông cũng tạo điều kiện để nới lỏng các quy tắc về tính tin cậy của thông tin cho các chính trị gia và ứng cử viên chính trị, nếu không thì nội dung của họ sẽ bị hạn chế hoặc xóa.
Ngoài ra, X cũng đã hai lần dán nhãn “spam” và khóa tài khoản của "White Dudes for Harris" – một tổ chức gây quỹ và vận động ủng hộ cho chiến dịch của Phó tổng thống. Điều này khiến người dùng đặt ra câu hỏi về cam kết của nền tảng này đối với mục tiêu "tự do ngôn luận" đã nêu của Musk và liệu X có đang đàn áp các quan điểm khác với Musk hay không.
Chatbot AI Grok của Musk đã bị một nhóm quan chức cấp cao chỉ trích vào vì cung cấp "thông tin sai lệch" về việc Harris được cho là không đủ điều kiện để xuất hiện trên danh sách bầu cử tổng thống năm 2024 tại một số tiểu bang chiến trường. Trong một lá thư, các quan chức đã kêu gọi Musk "ngay lập tức thực hiện các thay đổi" trên nền tảng X.
"Twitter (tên cũ của X) từng đi tiên phong trong ngành bằng cách ngừng đăng quảng cáo chính trị. Quyền tự do ngôn luận không có nghĩa là bạn có quyền tự do tiếp cận. Đó không phải chỉ là một khẩu hiệu, đó là mục tiêu thực sự của chúng tôi", Lara Cohen, cựu phó giám đốc Marketing của nền tảng này cho biết trong một bài đăng trên Threads. "X đã chuyển sang quảng cáo thông tin cho chiến dịch tranh cử của Trump. Thật đáng thương khi thấy nền tảng này và chủ sở hữu của nó ngày càng xuống dốc”.
Tìm kiếm vai trò trong chính quyền của Trump
Đối với Musk, nếu Trump tái đắc cử, việc có thể gần gũi và ảnh hưởng trực tiếp đến ông sẽ giúp tăng cường quyền lực của tỷ phú này trên trường quốc tế. Điều đó cũng sẽ có lợi cho đế chế kinh doanh của Musk, vốn phần lớn phụ thuộc vào các hợp đồng của chính phủ và các chính sách thuận lợi.
Theo Wall Street Journal, Musk và Trump đã thảo luận về một vai trò tiềm năng cho tỷ phú này trong chính quyền của Trump nếu ông tái đắc cử, mặc dù Musk đã bác bỏ báo cáo vào thời điểm đó.
Nhưng trong cuộc phỏng vấn vào đêm 12/8, Musk đã đề nghị đảm nhận một vai trò trong chính quyền tương lai của Trump nhằm giúp kiểm soát chi tiêu của chính phủ.
“Tôi nghĩ sẽ thật tuyệt nếu có một ủy ban hiệu quả để xem xét các vấn đề này và đảm bảo rằng tiền của người đóng thuế, số tiền mà người dân làm việc chăm chỉ mới có, sẽ được chi tiêu hợp lý”, Musk nói với Trump trong cuộc trò chuyện trên X. “Tôi rất vui khi được làm việc trong một ủy ban như vậy”.
Trump cho biết ông sẽ “rất thích” nếu Musk tham gia, đồng thời nhấn mạnh rằng tỷ phú này là một “bậc thầy cắt giảm”, ám chỉ các biện pháp cắt giảm chi phí mà ông đã thực hiện tại các công ty của mình.