Sau 3 năm khởi động, dự án bệnh viện hàng nghìn tỉ đồng vẫn trên giấy

Tin Tây Nguyên - Ngày đăng : 14:24, 20/08/2024

Dự án Bệnh viện Đa khoa Trung ương khu vực Tây Nguyên do Bộ Y tế xây dựng tại tỉnh Đắk Lắk có quy mô lên đến 1.000 giường bệnh, tổng giá trị đầu tư khoảng 2.000 - 3.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, sau 3 năm khởi động, đến nay, dự án này vẫn chưa triển khai bất kỳ hạng mục nào.
Sau 3 năm khởi động, dự án bệnh viện hàng nghìn tỉ đồng vẫn trên giấy
Một góc khu đất tại phường Tân An, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk dự kiến được dùng để xây BV Đa khoa Trung ương khu vực Tây Nguyên. Ảnh: Bảo Trung

Dự án bệnh viện nghìn tỉ còn nằm trên giấy

Năm 2021, đoàn công tác của Bộ Y tế đã có buổi làm việc với chính quyền tỉnh Đắk Lắk về công tác phòng, chống dịch COVID-19 và bàn bạc phương án xây dựng Bệnh viện Đa khoa Trung ương khu vực Tây Nguyên với quy mô xây dựng dự kiến khoảng 1.000 giường bệnh, bảo đảm thời gian khoảng 2 năm sẽ hoàn thiện, đi vào hoạt động. Dự kiến nguồn kinh phí xây dựng bệnh viện này khoảng 2.000 đến 3.000 tỉ đồng. Diện tích xây dựng dự án rộng khoảng 15,6ha, nằm ở phường Tân An, TP Buôn Ma Thuột.

Liên quan đến dự án này, UBND tỉnh Đắk Lắk đã giao UBND thành phố Buôn Ma Thuột rà soát, xây dựng phương án bồi thường, tái định canh, định cư. Cơ quan chức năng cũng dự trù kinh phí bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện dự án khoảng 147 tỉ đồng.

Ông Nguyễn Xuân Thắng, một người dân khu vực này cho biết, đã có rất nhiều đoàn công tác từ Trung ương đến địa phương đến địa bàn khảo sát thực địa, nghiên cứu xây dựng bệnh viện lớn. Thế nhưng, hiện nay, việc bồi thường về đất và hỗ trợ đối với cây trồng cho người dân thì vẫn chưa thấy cấp có thẩm quyền triển khai. Công tác đền bù GPMB còn chưa thực hiện thì không biết dự án khi nào mới thành hình.

Qua thực tế cho thấy, dự án Bệnh viện Đa khoa Trung ương khu vực Tây Nguyên đã được xác định vị trí xây dựng nhưng lại chậm trễ đi vào thực hiện. Trong khi đó, TP Buôn Ma Thuột thì lại đang thiếu quỹ đất để triển khai các dự án trọng điểm hoặc thu hút các nhà đầu tư tiềm năng đến triển khai các dự án thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Ông Trương Văn Chính - Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất TP Buôn Ma Thuột xác nhận, đến nay vẫn chưa có đơn vị nào liên hệ với đơn vị để tiến hành đo đạc, kiểm đếm lên phương án bồi thường hoặc hỗ trợ cho các hộ dân vùng dự án. Chỉ khi chủ đầu tư cấp tiền thì trung tâm mới có thể triển khai công tác GPMB, bồi thường hỗ trợ cho bà con.

Một góc khu đất tại dự án Bệnh viện Đa khoa Trung ương khu vực Tây Nguyên vẫn chưa được triển khai. Ảnh: Bảo Trung
Một góc khu đất tại dự án Bệnh viện Đa khoa Trung ương khu vực Tây Nguyên vẫn chưa được triển khai. Ảnh: Bảo Trung

Địa phương sốt ruột, chờ đợi

Dự án xây dựng Bệnh viện Đa khoa Trung ương khu vực Tây Nguyên tại Đắk Lắk dự kiến sẽ không chỉ dừng lại là bệnh viện hạng I mà phấn đấu trở thành bệnh viện hạng đặc biệt của Bộ Y tế để phục vụ công tác khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho người dân toàn vùng Tây Nguyên cũng như các địa phương lân cận.

Điều đáng nói, qua rà soát, vị trí thực hiện dự án chưa phù hợp với Quy hoạch chung của thành phố đến năm 2025. Ngoài ra, khu đất này cũng chưa phù hợp với quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng phân khu tỉ lệ 1/2.000.

Liên quan đến việc này, ông Vũ Văn Hưng - Chủ tịch UBND TP Buôn Ma Thuột cho hay, đơn vị đang tiến hành làm hồ sơ mời thầu để tiến hành điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung khu vực nói trên. Qua đó, hướng tới việc GPMB, bồi thường, hỗ trợ di dời bố trí tái định cư cho bà con. Chậm nhất đến cuối năm 2024, UBND thành phố sẽ hoàn thiện quá trình này. Còn nguồn vốn triển khai thuộc thẩm quyền bố trí của Bộ Y tế.

Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk cho biết, dự án Bệnh viện này do Bộ Y tế cấp vốn và chọn nhà đầu tư, cơ quan chức năng tỉnh Đắk Lắk phối hợp chọn vị trí xây dựng và GPMB để triển khai dự án. Thực tế, dự án này đã dậm chân tại chỗ nhiều năm nay. Đơn vị cũng rất sốt ruột, chờ đợi và không biết Bộ Y tế có muốn xây dựng bệnh viện này hay không.

Trong thời gian tới, Sở sẽ xin ý kiến, tham mưu UBND tỉnh để ra làm việc với Bộ Y tế về các vấn đề liên quan đến dự án. Bởi lẽ, nhu cầu khám bệnh, điều trị của người dân tỉnh Đắk Lắk nói riêng và toàn vùng Tây Nguyên đang rất lớn và sau khi xây dựng xong, bệnh viện này còn đóng vai trò là cơ sở đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành y tế toàn vùng Tây Nguyên.

PV