Chính trị

Mặt trận tỉnh Đắk Nông đổi mới nội dung, phương thức hoạt động

Hoàng Bảo 20/08/2024 05:52

Các cấp mặt trận tỉnh Đắk Nông thường xuyên đổi mới nội dung, phương thức hoạt động phù hợp thực tế cơ sở, góp phần ổn định dân cư, tạo đồng thuận trong xã hội, xây dựng khối đoàn kết toàn dân.

Linh hoạt trong tuyên truyền, vận động

Công tác tuyên truyền, vận động được MTTQ các cấp huyện Đắk Glong tập trung hướng về cơ sở, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Giai đoạn 2019 - 2024, các cấp mặt trận huyện phối hợp tổ chức 42 hội nghị tuyên truyền, với 6.520 lượt người tham dự và hàng trăm hội nghị tuyên truyền riêng dành cho đồng bào DTTS. Hình thức tuyên truyền đa dạng, phù hợp với thực tế địa phương, đối tượng như lồng ghép qua các hội nghị, tọa đàm, phương tiện thông tin đại chúng; ứng dụng công nghệ thông tin tạo sự tương tác, chia sẻ, lan tỏa đến cộng đồng dân cư.

Đến nay, 7/7 xã đã xây dựng, đưa trang fanpage mặt trận đi vào hoạt động. Mỗi trang có hàng trăm thành viên tham gia, theo dõi, tương tác và chia sẻ, đăng tải các tin, bài liên quan đến mặt trận và tổ chức thành viên.

img_6172.jpg
Cán bộ MTTQ xã Quảng Hòa, huyện Đắk Glong Đắk Nông tích cực tuyên truyền, vận động bà con thực hiện hiệu quả các phong trào, cuộc vận động do các cấp, ngành, địa phương phát động, nhất là nêu cao ý thức tự lực trong lao động sản xuất, tham gia xây dựng nông thôn mới

Bên cạnh đó, MTTQ các cấp huyện Đắk Glong phát huy tốt vai trò của người tiêu biểu, uy tín trong đồng bào các dân tộc, tôn giáo, nhất là trong các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, 3 chương trình mục tiêu quốc gia.

Qua đó, mặt trận góp phần tạo sự thống nhất về nhận thức, đồng thuận trong hành động của mọi giai tầng xã hội, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đây cũng là cơ sở quan trọng để triển khai các nhiệm vụ, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định an ninh chính trị của địa phương.

Đổi mới, sáng tạo trong vận động quỹ an sinh xã hội

MTTQ các cấp huyện Cư Jút luôn chủ động đổi mới, sáng tạo trong kêu gọi, vận động ủng hộ các nguồn quỹ an sinh xã hội, Quỹ “Vì người nghèo" huyện với tinh thần tự nguyện. Đơn vị chủ động làm cầu nối để các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện các chương trình an sinh xã hội tại địa bàn.

c.jut.jpg
Ông Điểu Xuân Hùng, UVBTV Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đắk Nông tặng nhà Đại đoàn kết cho Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Cư Jút

5 năm qua, Ban vận động Quỹ “Vì người nghèo" các cấp và các cơ quan, đơn vị liên quan của huyện Cư Jút đã vận động, tiếp nhận trên 58,9 tỷ đồng. Trong đó, Quỹ “Vì người nghèo" trên 2,9 tỷ đồng; Quỹ “Chung sức xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh" trên 2,5 tỷ đồng; ủng hộ miền Trung bị ảnh hưởng bởi lũ lụt trên 2,4 tỷ đồng; ủng hộ Covid-19 trên 6,5 tỷ đồng.

Huyện Cư Jút huy động nguồn lực xã hội để thực hiện các chương trình an sinh xã hội với số tiền 44,6 tỷ đồng. Từ các nguồn quỹ này, toàn huyện đã có 232 hộ nghèo được hỗ trợ xây mới nhà ở, 766 lượt hộ được hỗ trợ tư liệu sản xuất, 1.142 trường hợp được hỗ trợ khám chữa bệnh, 2.214 học sinh nghèo được hỗ trợ học tập.

Ngoài ra, đơn vị còn tiếp nhận hàng ngàn suất quà khác như quần áo, sách vở, xe đạp, xe lăn, thuốc men, vật tư y tế, bảo hiểm y tế... hỗ trợ các đối tượng khó khăn. Ông Nguyễn Kim Đức, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Cư Jút cho biết: “Làm việc gì có lợi cho dân dù nhỏ hay lớn, MTTQ các cấp đều tâm niệm phải làm một cách tốt nhất, hết vai trò, trách nhiệm, phải đặt tâm, trí vào công việc. Nhờ đó, việc vận động đóng góp các loại quỹ do mặt trận phát động, triển khai đều được các cấp, ngành và toàn dân đồng tình, ủng hộ. Đây chính là động lực để mặt trận các cấp huyện tiếp tục nỗ lực, cố gắng hơn nữa trong thực hiện nhiệm vụ của nhiệm kỳ 2024 - 2029”.

Để người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam

Với vai trò là cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Đắk Song đã chủ động tham mưu, phối hợp tuyên truyền, vận động các cơ quan, đơn vị, Nhân dân ưu tiên sử dụng hàng hóa do các doanh nghiệp trong nước sản xuất. Ủy ban MTTQ huyện phối hợp thực hiện tốt việc giám sát phát hiện các hành vi vi phạm về chất lượng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ.

_mg_0051-513278874e2053e43418df08710fdc14-8d44159700a64dadb36e96f077349c90(1).jpg
Các ông Phạm Văn Đức (thứ nhất từ trái qua) và Trần Minh Quân (thứ 4 từ trái qua) Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đắk Nông trao tặng hoa và biểu trưng 6 căn nhà đại đoàn kết cho MTTQ Việt Nam huyện Đắk Song

Việc khuyến khích người dân phát hiện, tố giác các hành vi vi phạm trong sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ hàng hóa không bảo đảm chất lượng được chú trọng. UBND các cấp, các cơ quan, đơn vị hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, hợp tác xã ứng dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm; chú trọng xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm hàng hóa, mở rộng thị trường, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm...

dk.jpg
Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Đắk Song phối hợp bàn giao nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo ở xã Trường Xuân

Việc phát triển, nhân rộng các điểm bán hàng Việt gắn với chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) được tăng cường. Đến nay, toàn huyện có 11 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP; đồng thời phối hợp tổ chức 2 hội chợ thương mại năm 2022 và năm 2023. Ông Nguyễn Lê Giang, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Đắk Song cho biết: “Nhờ đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, đến nay, nhận thức của người dân trong tiêu dùng hàng Việt Nam được nâng lên đáng kể. Các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh ý thức trách nhiệm hơn đối với chất lượng, giá cả hàng hóa... tạo được niềm tin của người tiêu dùng đối với các mặt hàng trong nước sản xuất. Việc người Việt sử dụng hàng Việt cũng chính là cách thể hiện lòng yêu nước, tự hào dân tộc, xây dựng văn hóa tiêu dùng của người dân”.

Phát huy vai trò người có uy tín trong tuyên truyền, vận động

Xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức có 26 dân tộc sinh sống với 2.727 hộ/11.391 khẩu, trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 42%. Thời gian qua, MTTQ cấp xã, thôn, bon luôn chú trọng phát huy vai trò trách nhiệm của đội ngũ già làng, trưởng bon, người có uy tín trong công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định, nội quy địa phương.

Toàn xã hiện có 6 già làng, 11 người uy tín. Đây được xem là lực lượng rất quan trọng, sợi dây gắn kết toàn dân trong các hoạt động ở khu dân cư, điển hình là Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc. Hàng năm, 11/11 khu dân cư đều tổ chức ngày hội thu hút các tầng lớp Nhân dân tham gia. Trong đó, phần hội với các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, trò chơi dân gian đã góp phần tạo nên khí thế sôi nổi, vui vẻ, đoàn kết tình làng nghĩa xóm.

nbc.jpg
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Đắk Dang, xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, Đắk Nông thường xuyên phối hợp với các già làng, trưởng bon, người có uy tín trong tuyên truyền, vận động người dân chung sức giữ yên biên cương

Bên cạnh đó, MTTQ xã tranh thủ vai trò của già làng, trưởng bon, người có uy tín trong tuyên truyền, vận động đẩy mạnh thực hiện các phong trào, các cuộc vận động tại địa phương. Đội ngũ già làng, trưởng bon tích cực tuyên truyền cho người dân hiểu các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; kịp thời nắm bắt tâm tư, tình cảm, nguyện vọng chính đáng của bà con để phản ánh với cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các ban, ngành, đoàn thể nghiên cứu, xem xét, giải quyết.

img_8588.jpg
Không riêng ở xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, Đắk Nông, tại các xã biên giới khác của tỉnh Đắk Nông, việc phối hợp tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức cho người dân về mọi mặt luôn được chú trọng

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất là đội ngũ già làng, người có uy tín, nhận thức của Nhân dân về mọi mặt ngày càng được nâng lên. Các chính sách an sinh xã hội được quan tâm, chất lượng cuộc sống của người dân ngày càng được cải thiện. Thông qua tuyên truyền, vận động của mặt trận, đội ngũ cốt cán, người có uy tín, Nhân dân xã Quảng Trực tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của chính quyền. Các tầng lớp Nhân dân đồng sức, chung lòng xây dựng địa phương phát triển. Mỗi người dân Quảng Trực còn là “tai, mắt”, “cột mốc sống” trong giữ gìn, bảo vệ đường biên, cột mốc, an ninh biên giới.

22222(1).png

Hoàng Bảo