Giáo dục - Đào tạo

Ngành Giáo dục bảo đảm có học sinh phải có giáo viên

Nguyễn Hiền 19/08/2024 14:25

Sáng 19/8, tại Hà Nội, Bộ GD-ĐT tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết năm học 2023-2024, triển khai nhiệm vụ năm học 2024-2025.

Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và phát biểu chỉ đạo.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tôn Thị Ngọc Hạnh và Giám đốc Sở GD-ĐT Phan Thanh Hải dự, chủ trì tại điểm cầu tỉnh Đắk Nông.

123.jpg
Các đại biểu mặc niệm tưởng nhớ Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trước khi diễn ra hội nghị

Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, năm học 2023 - 2024, với chủ đề “Đoàn kết, kỷ cương, sáng tạo, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo”, ngành Giáo dục đã khắc phục khó khăn, cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đề ra.

Giáo dục các bậc học đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Tỷ lệ huy động trẻ đến trường đạt 72,6%, tăng 2,2% so với năm học trước; tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo đạt 93,6%, tăng 0,5% so với năm học trước. Tỷ lệ huy động học sinh đi học đúng độ tuổi cấp tiểu học đạt 99,7%; tỷ lệ huy động học sinh hoàn thành Chương trình giáo dục tiểu học vào THCS đạt 98,17%.

Cả nước có 63/63 tỉnh, thành phố duy trì và đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học, đạt tỷ lệ 100%; khoảng 74,5% học sinh tốt nghiệp THCS vào học THPT, còn lại khoảng 25,5% học sinh tốt nghiệp THCS theo học tại các trung tâm giáo dục thường xuyên và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Năm học 2024-2025, ngành Giáo dục tiếp tục bám sát quan điểm, chỉ đạo của Đảng, Chính phủ về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Toàn ngành quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ được giao tại Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội 5 năm 2021-2025.

Tại hội nghị, một số bộ ngành, địa phương đã tham gia ý kiến liên quan đến công tác đào tạo nguồn nhân lực; đổi mới giáo dục; kiến nghị Chính phủ rà soát đánh giá lại việc bổ sung biên chế giáo viên...

1(2).jpg
Tại hội nghị, đại biểu đã nghe thêm các ý kiến, kiến nghị của đại diện các bộ, ngành, địa phương

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, bên cạnh đánh giá cao những kết quả đạt được, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ ra những bất cập trong quá trình thực hiện đổi mới sách giáo khoa; tình trạng thiếu giáo viên cục bộ…

Bước sang năm học 2024 – 2025, năm học đánh dấu kết thúc nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Đây cũng là năm học Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 được triển khai từ lớp 1 đến lớp 12. Để thực hiện tốt nhiệm vụ, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu toàn ngành phải rà soát lại các mục tiêu đã đề ra, tập trung nguồn lực để thực hiện khoa học, hiệu quả.

Toàn ngành Giáo dục rà soát, đổi mới thể chế giáo dục và đào tạo, nâng cao năng lực quản lý; tổng kết đánh giá toàn diện chương trình sách giáo khoa mới và tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện phù hợp giai đoạn mới. Ngành Giáo dục đẩy mạnh tự chủ trong giáo dục; rà soát, sửa đổi và bổ sung chế độ đãi ngộ cho cán bộ, giáo viên, nhân viên phù hợp với thực tiễn.

Năm học 2024 - 2025 là năm học đầu tiên tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Vì vậy, Thủ tướng yêu cầu Bộ GD-ĐT chủ trì cùng các bộ, địa phương tổ chức tốt kỳ thi, bảo đảm một kỳ thi tinh gọn, giảm áp lực cho phụ huynh, học sinh.

Ngành Giáo dục rà soát số lượng giáo viên thiếu để phân bổ chỉ tiêu, bảo đảm có học sinh phải có giáo viên, trên cơ sở hài hòa, hiệu quả.

Trước thềm năm học mới, Thủ tướng Chính phủ gửi lời chúc tới ngành Giáo dục và mong các thầy giáo, cô giáo luôn phát huy trách nhiệm, tâm huyết với nghề, khắc phục mọi khó khăn, kiên trì mục tiêu đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng sự mong chờ của Đảng, Nhà nước và Nhân dân.

Thủ tướng cũng gửi lời chúc tới các cháu học sinh, sinh viên luôn là con ngoan, trò giỏi, thực hiện thành công ước mơ, hoài bão đóng góp xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp.

Nguyễn Hiền