Kinh tế

Nông dân vùng biên giới Đắk Nông trúng bắp cải VietGAP

Văn Tâm 19/08/2024 05:52

Người dân trồng bắp cải VietGAP ở xã biên giới Thuận Hạnh, huyện Đắk Song (Đắk Nông) rất phấn khởi vì được mùa, được giá.

Năm 2024, từ nguồn vốn của khuyến nông Trung ương, một số hộ dân xã Thuận Hạnh được hỗ trợ thực hiện Dự án sản xuất bắp cải đạt tiêu chuẩn VietGAP gắn với bao tiêu sản phẩm. Quy mô của dự án là 6ha, với 12 hộ tham gia.

dsc_2990(2).jpg
Ông Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Sở NN - PTNT tỉnh Đắk Nông cùng người dân xã Thuận Hạnh, huyện Đắk Song (Đắk Nông) chúc mừng nông dân có vụ bắp cải VietGAP bội thu

Sau gần 3 tháng (81 ngày) xuống giống, vườn bắp cải của bà Trần Thị Ngoan, thôn Thuận Thành, xã Thuận Hạnh bắt đầu cho thu hoạch.

Vụ này, mặc dù mưa nhiều làm chậm quá trình sinh trưởng, phát triển, nhưng hơn 0,5ha bắp cải của bà Ngoan đạt sản lượng khoảng 20 tấn, tỷ lệ hàng loại 1 đạt 100%.

Theo bà Ngoan, tham gia dự án, bà được hỗ trợ 100% kinh phí tư vấn, chứng nhận VietGAP; 70% kinh phí đầu vào. Bà Ngoan được Công ty Cổ phần nông nghiệp CNC Nam Nung ký hợp đồng bao tiêu 100% sản lượng bắp cải, với mức giá cam kết 5.000 đồng/kg.

Bà Ngoan cho biết: “Tham gia dự án, chúng tôi được Nhà nước hỗ trợ 70% kinh phí đầu vào như giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Gia đình đối ứng 30% còn lại. Nhờ liên kết sản xuất, chúng tôi luôn yên tâm vì không phải lo lắng giá cả bấp bênh như trước nữa”.

dsc_3010(1).jpg
Lần đầu nông dân xã Thuận Hạnh, huyện Đắk Song (Đắk Nông) trồng thành công giống bắp cải đá và bán được giá ổn định

Gia đình bà Ngô Thị Ngân, thôn Thuận Thành, xã Thuận Hạnh tham gia dự án và trồng trên 0,5ha bắp cải VietGAP. Những ngày qua, bắp cải đủ tuổi, bà Ngân chuẩn bị nhân công để thu hoạch.

Bà Ngân cho biết: “Hiện tại, giá bắp cải trồng thông thường tại Đắk Song được thương lái thu mua từ 2.000 - 3.000 đồng/kg. Nhưng bắp cải trồng theo tiêu chuẩn VietGAP được mua với giá 5.000 đồng/kg. Bán được giá này là nhờ chúng tôi tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm”.

Theo bà Ngân, trong quá trình sản xuất, bà được hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nằm trong danh mục cho phép chuyên dùng trên cây rau. Trong đó, bà đặc biệt ưu tiên dùng các thuốc có nguồn gốc sinh học, tuân thủ theo nguyên tắc "4 đúng" và bảo đảm thời gian cách ly.

"Với 0,5ha bắp cải, vụ này gia đình tôi thu hoạch được 20 tấn sản phẩm, với giá bán 5.000 đồng/kg, sau khi trừ các khoản chi phí, gia đình có lãi khoảng 130 triệu đồng", bà Ngân chia sẻ.

Đầu ra bắp cải được ký kết từ đầu vụ, nông dân yên tâm vì biết trước lợi nhuận. Do đó, bà con tập trung vào chăm sóc bắp cải theo quy trình.

Ông Nguyễn Văn Chương, Giám đốc Trung tâm Khuyến
nông – Giống nông, lâm nghiệp tỉnh Đắk Nông

Ông Phạm Quốc Huy, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần nông nghiệp CNC Nam Nung cho hay, ngoài hỗ trợ giống, kỹ thuật, công ty đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cả vụ để ổn định đầu ra cho bà con.

Hầu hết các hộ trồng bắp cải VietGAP đều tuân thủ đúng quy trình sản xuất, không ai vi phạm các quy định về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, nên chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn hàng chế biến, xuất khẩu.

dsc_3002(1).jpg
Tỷ lệ bắp cải loại 1 tại các hộ ở xã Thuận Hạnh tham gia dự án đạt tỷ lệ từ 95 - 100% được công ty thu mua với giá cam kết

Ông Huy cho biết: “Hiện tại, giá bắp cải trên thị trường giảm rất sâu, dao động trên dưới 2.000 đồng/kg, nhưng công ty vẫn thu mua cho bà con theo đúng giá đã cam kết từ đầu vụ”.

Lãnh đạo UBND xã Thuận Hạnh cho hay, qua kết quả thu hoạch bắp cải cho thấy, nhiều hộ chăm sóc tốt nên năng suất đạt khá cao. Có những hộ đạt khoảng 80 tấn/ha. Vì vậy, mức thu nhập của bà con tăng lên khá cao.

Theo ông Nguyễn Văn Chương, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông – Giống nông, lâm nghiệp tỉnh Đắk Nông, từ năm 2020 đến nay, trung tâm triển khai nhiều hoạt động khuyến nông, giúp thay đổi tư duy sản xuất của người dân.

Trong đó, trung tâm chú trọng đến mô hình liên kết đầu ra cho sản phẩm. Trung tâm đã thực hiện thành công với một số mô hình như trồng sầu riêng tại Đắk R’lấp, cải thảo tại huyện Đắk Glong và hiện nay là mô hình bắp cải tại xã Thuận Hạnh, cà rốt ở xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong.

“Các mô hình đều có sự liên kết chặt chẽ về đầu vào, đầu ra cho nông dân. Đây là hướng đi mà ngành Nông nghiệp Đắk Nông đang nỗ lực giúp người dân chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp”, ông Chương cho hay.

Văn Tâm