Kinh tế

Chỉ thị 40 tăng hiệu quả tín dụng chính sách ở Đắk Mil

Nguyễn Lương 19/08/2024 05:40

Sau hơn 10 năm thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, tín dụng chính sách tại Đắk Mil (Đắk Nông) không ngừng được nâng cao.

Vào cuộc kịp thời

Ngày 22/11/2014, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 40- CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Ngay sau khi chỉ thị được ban hành, Huyện ủy Đắk Mil đã vào cuộc lãnh đạo triển khai kịp thời.

img_6436(1).jpg
NHCSXH huyện Đắk Mil kiểm tra quá trình sử dụng vốn vay của người dân

Hàng năm Huyện ủy Đắk Mil ban hành công văn để quán triệt, giao nhiệm vụ cụ thể cho các địa phương, đơn vị. Đơn cử như Công văn 01-CT/HU năm 2015 về triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội. Tiếp đó, UBND huyện ban hành Quyết định 593/QĐ-UBND về chỉ đạo các phòng, ban thực hiện Chỉ thị 40.

Trên tinh thần, chủ trương của Huyện ủy, UBND huyện, cấp ủy Đảng, chính quyền các xã, thị trấn vào cuộc kịp thời để triển khai tín dụng chính sách. Việc kiểm tra, giám sát thực hiện các chương trình tín dụng chính sách tại địa bàn được thực hiện thường xuyên.

Công tác phối hợp với Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) trong thực hiện tín dụng ưu đãi cũng được các cấp chú trọng. MTTQVN huyện, các đoàn thể, tổ chức chính trị, xã hội vào cuộc kiểm tra, giám sát từ cấp cơ sở.

img_6425-2(1).jpg
Người dân xã Thuận An, huyện Đắk Mil (Đắk Nông) vay vốn từ NHCSXH phát triển sản xuất

Tính đến 30/6/2024, nguồn vốn ủy thác của huyện Đắk Mil qua NHCSXH gần 20 tỷ đồng. Toàn huyện có trên 400 hộ được vay vốn ưu đãi.

“Bình quân mỗi năm, Đắk Mil ủy thác từ 2 - 3 tỷ đồng qua NHCSXH. Các hộ nghèo, gia đình chính sách vì thế có thêm cơ hội vay vốn phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo”, Chủ tịch UBND huyện Đắk Mil Lê Văn Hoàng cho biết.

Giai đoạn 2014-2024, Đắk Mil có hơn 4.540 lượt hộ nghèo được vay vốn; 16.029 công trình nước sạch, vệ sinh môi trường được sửa chữa, xây mới; 1.918 học sinh, sinh viên được vay vốn trang trải chi phí học tập; 2.230 lao động được hỗ trợ, tạo việc làm.

Chuyển biến tại cơ sở

Gia đình ông Lê Văn Thiên, thôn Thuận Bắc, xã Thuận An, huyện Đắk Mil (Đắk Nông) nhiều năm liền thuộc diện nghèo. Năm 2020, ông được vay 50 triệu đồng của NHCSXH từ chương trình cho vay hộ nghèo.

Có nguồn vốn, ông đầu tư mua dê về nuôi và phát triển đàn. Quá trình chăn nuôi thuận lợi, đàn dê phát triển tốt, cho thu nhập ổn định. Hiện nay, mỗi năm ông xuất bán 3 lứa dê, sau khi trừ chi phí, thu về gần 100 triệu đồng. Nhờ thế, gia đình ông đã thoát nghèo.

“Không còn diện nghèo, gia đình phấn khởi lắm. Giờ đây, chúng tôi phấn đấu để có cuộc sống ấm no hơn, con cái học hành đầy đủ hơn”, ông Thiên bộc bạch.

5fca2c90e54a4114185b(1).jpg
NHCSXH huyện Đắk Mil rà soát nhu cầu vay vốn của người dân tại địa bàn

Theo Bí thư Đảng ủy xã Thuận An Lê Xuân Đông, toàn xã có trên 1.200 hộ dân được vay vốn ưu đãi từ NHCSXH, với dư nợ hơn 41 tỷ đồng. Trong đó, hơn 30% hộ đồng bào dân tộc thiểu số được vay vốn ưu đãi, phát triển sản xuất.

Có được kết quả này, cấp ủy, chính quyền xã chỉ đạo các chi bộ, ban tự quản thôn, buôn tăng cường công tác lãnh đạo, giám sát. Từ khâu bình xét, cho vay, sử dụng vốn vay đều bảo đảm đúng đối tượng.

Chủ tịch UBND huyện Đắk Mil Lê Văn Hoàng khẳng định, tín dụng ưu đãi là một nguồn lực rất quan trọng, hỗ trợ địa phương trong quá trình giảm nghèo, phát triển kinh tế. Nhờ nguồn vốn ưu đãi, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn giảm theo từng năm.

img_6461(1).jpg
Nhiều người dân xã Đức Minh, huyện Đắk Mil (Đắk Nông) được vay vốn từ NHCSXH

Thời gian tới, Đắk Mil sẽ tập trung chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền tiếp tục thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, kết luận của Đảng đối với tín dụng chính sách.

Huyện tiếp tục quán triệt, chỉ đạo UBND các xã, thị trấn đưa công tác tín dụng chính sách vào chương trình công tác và nhiệm vụ thường xuyên của các đơn vị.

“Kết quả cuối cùng là tạo thêm cơ hội cho bà con vay vốn, sử dụng vốn hiệu quả, xây dựng cuộc sống ấm no, đủ đầy hơn”, ông Hoàng nhấn mạnh.

Nguyễn Lương