Đời sống

Củng cố niềm tin của Nhân dân từ các chính sách dân tộc

Đặng Dương 16/08/2024 12:35

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng luôn coi công tác dân tộc và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc là nhiệm vụ hàng đầu, có tính chiến lược xuyên suốt. Thực hiện chủ trương này, cấp ủy, chính quyền các cấp đã và đang triển khai các chính sách, xây dựng mối quan hệ gắn bó, đoàn kết giữa các dân tộc anh em.

Chính sách cho vùng khó khăn

Với đặc thù là huyện nghèo, tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm trên 40%, công tác dân tộc luôn được huyện Tuy Đức thực hiện quyết liệt, thường xuyên, liên tục.

img_9976.jpg
Bon Bu Nung, xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức được đầu tư cơ sở hạ tầng, góp phần nâng cao đời sống người dân

Từ nguồn lực các chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt là Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, hàng ngàn hộ dân của huyện biên giới Tuy Đức đã có điều kiện để ổn định cuộc sống, góp phần vào công cuộc bảo vệ vững chắc chủ quyền của Tổ quốc.

Theo kế hoạch, giai đoạn 2021 -2025, tổng nguồn vốn đầu tư để huyện Tuy Đức thực hiện Chương trình phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi hơn 296 tỷ đồng.

Trong năm 2022 và 2023, địa phương này đã hỗ trợ đất ở cho 51 hộ (44 triệu đồng/hộ); hỗ trợ nhà ở cho 110 hộ (44 triệu đồng/hộ); hỗ trợ đất sản xuất cho 122 hộ (22,5 triệu đồng/hộ); thực hiện chuyển đổi nghề nghiệp cho 70 hộ (10 triệu đồng/hộ); hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 304 hộ (3 triệu đồng/hộ).

Ngoài ra, huyện Tuy Đức đã xây dựng các chính sách, chương trình giảm nghèo riêng, tạo động lực phát triển kinh tế cho 6 bon đồng bào DTTS tại chỗ thuộc 6 xã.

Cụ thể, trên cơ sở kết quả rà soát từng hộ nghèo, huyện Tuy Đức đã thực hiện giảm nghèo bền vững thông qua hỗ trợ nhà ở, hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế… tạo động lực cho hộ nghèo phát huy nội lực, vươn lên ổn định cuộc sống.

img_9981.jpg
Anh Điểu Cường (thứ 2 từ phải qua) cho biết, người dân xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức một lòng tin theo Đảng để có cuộc sống ấm no hơn

Anh Điểu Cường, Phó Trưởng bon Bu Nung, xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức cho biết, toàn bon có 90 hộ thì có đến 80% là hộ đồng bào DTTS tại chỗ. Bu Nung là bon có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất xã Quảng Trực và huyện Tuy Đức (theo rà soát hộ nghèo năm 2023 thì toàn bon có 66% là hộ nghèo).

“Phần lớn hộ nghèo của bon là do thiếu đất canh tác và thiếu vốn và kỹ thuật trong sản xuất. Nhờ sự quan tâm của chính quyền các cấp như hỗ trợ bò giống, hỗ trợ đào tạo nghề, hỗ trợ thẻ bảo hiểm y tế mà tỷ lệ hộ nghèo của bon giảm từng năm. Năm 2023, chúng tôi giảm được 14% hộ nghèo. Đây cũng là mục tiêu mà toàn bon phấn đấu trong năm 2024”, anh Điểu Cường nói.

Khi cuộc sống vật chất, tinh thần được nâng lên, đồng bào các dân tộc ở khu vực biên giới xã Quảng Trực đã tham gia tích cực vào bảo vệ biên giới, bảo đảm an ninh trật tự địa bàn.

Theo lời Phó Trưởng bon Bu Nung, mỗi người dân trên vùng biên giới đều đoàn kết, chăm lo lao động sản xuất, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Người dân tuyệt đối không nghe theo những lời xúi giục của kẻ xấu, các thế lực thù địch, một lòng tin theo Đảng để có cuộc sống ấm no hơn.

Ông Đoàn Minh Thuận, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Quảng Trực cho biết: “Địa phương xác định việc chăm lo, bảo đảm an sinh phúc lợi là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Nhờ sự chung tay, vào cuộc của các cấp, ngành, cá nhân, tổ chức mà đời sống của Nhân dân Quảng Trực ngày càng được cải thiện, góp phần củng cố lòng tin của đồng bào với Đảng, Nhà nước”.

Ổn định đời sống, nâng cao dân trí

Hơn 20 năm vào Đắk Nông sinh sống, ông Vi Văn Cang, Trưởng thôn 1 (trước đây là khu Cồn Dầu), xã Ea Pô, huyện Cư Jút phấn khởi khi đời sống của bà con Nhân dân đã ấm no, đầy đủ hơn. Từ hàng chục hộ nghèo, thiếu ăn quanh năm, đến nay toàn thôn chỉ còn 5 hộ nghèo/tổng số 128 hộ.

Ông Cang chia sẻ, thôn 1 chủ yếu là đồng bào dân tộc Mường, từ tỉnh Thanh Hóa vào đây khai hoang, làm kinh tế năm 1992. Trước đây, Cồn Dầu nằm giữa dòng sông Sêrêpốk, cách biệt so với các thôn xóm khác nên không có điện, không có trường học. Đặc biệt, mâu thuẫn giữa người dân và doanh nghiệp kéo dài khiến đời sống người dân khó khăn.

“Từ năm 2011, khi thôn 1 được thành lập, Nhà nước đầu tư điện, đường và hơn 4,2km đường bê tông giúp bà con có điều kiện sống tốt hơn. Đặc biệt, với sự vào cuộc của chính quyền các cấp, mâu thuẫn, tranh chấp giữa người dân và doanh nghiệp cũng tìm được hướng giải quyết. Đến nay phần lớn các hộ dân đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, bà con yên tâm làm ăn, gắn bó với vùng đất kinh tế mới”, Trưởng thôn 1 Vi Văn Cang cho hay.

Hinh 2
Xã Nâm Nung quan tâm hỗ trợ xây dựng nhà cho các hộ dân đang gặp khó khăn về nhà ở

Cùng với đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, triển khai hỗ trợ sinh kế, chuyển đổi nghề cho người dân, các địa phương đẩy mạnh các dự án giải quyết tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất, nhà ở đã giúp nhiều hộ nghèo, hộ DTTS tỉnh Đắk Nông có điều kiện vươn lên thoát nghèo.

Chị H’Thủy, bon R’Cập, xã Nâm Nung, huyện Krông Nô nhớ lại, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, thu nhập phụ thuộc vào việc làm thuê của hai vợ chồng. Lập gia đình đã lâu, lại đông con nên chị H’Thủy không có điều kiện để mua đất làm nhà ở.

“Được Nhà nước, chính quyền địa phương quan tâm hỗ trợ cấp đất để làm nhà ở, chúng tôi vui lắm. Trước đây chưa có đất ở nên chưa làm thủ tục cho con cái đi học được. Khi được hỗ trợ, chuyển về nơi ở rộng rãi, lại gần xã, con cái chúng tôi đã được đến trường. Vợ chồng tôi sẽ cố gắng chăm chỉ làm ăn để có cuộc sống tốt hơn”, chị H’Thủy cho hay.

Trong những năm qua, tỉnh Đắk Nông cũng tập trung thực hiện các nhiệm vụ để nâng cao dân trí, chất lượng đời sống Nhân dân, trong đó có quan tâm đầu tư các lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục.

Nổi bật có thể kể đến Nghị quyết 41/2012/NQ-HĐND về nâng cao chất lượng học sinh DTTS; Quyết định 1870/QĐ-UBND tỉnh Đắk Nông về đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực các DTTS giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2030; Đề án bảo tồn và phát huy lễ hội - hoa văn - cồng chiêng và nhạc cụ dân gian của dân tộc M’nông…

img_2865.jpg
Người dân xã Quảng Sơn tham gia lớp xóa mù chữ

Đặc biệt, thực hiện Tiểu dự án 1 thuộc Dự án 5 của Chương trình mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, tỉnh Đắk Nông đã mở hàng chục lớp xóa mù chữ cho đồng bào DTTS. Các lớp học giúp người dân nâng cao dân trí, tạo cơ hội tìm kiếm việc làm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Anh Vàng A Hồng (SN 1982), thôn Đắk Snao 2, xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong chia sẻ: “Ban ngày vợ chồng tôi đi làm. Tối đến, vợ chồng tôi đến lớp xóa mù chữ được mở tại Trường tiểu học-THCS Lý Tự Trọng. Nhiều năm qua không biết tiếng Việt nên không tự tin giao tiếp với mọi người. Đi học xóa mù chữ được 2 lớp, đến nay tôi đã biết đọc bài, biết sử dụng điện thoại, đặc biệt là biết nhận biết con số trên tờ tiền mặt”.

Củng cố niềm tin vào Đảng

Tỉnh Đắk Nông hiện có 40 dân tộc cùng sinh sống, trong đó có hơn 221.000 người DTTS, chiếm gần 32% dân số toàn tỉnh. Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Đảng bộ và chính quyền các cấp tỉnh Đắk Nông.

Trong những năm qua, cùng với việc thực hiện các chương trình, chính sách của Trung ương thì Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành và triển khai thực hiện có hiệu quả nhiều chủ trương, nghị quyết, chính sách đặc thù của địa phương.

dji_20240801152718_0051_d.jpg
Diện mạo nhiều bon làng ở Đắk Nông thay đổi, khang trang, hiện đại hơn

Nhờ chủ trương, chính sách kịp thời, phù hợp với thực tế, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh được nâng lên rõ rệt.

Tỷ lệ hộ nghèo đồng bào DTTS hàng năm giảm từ 4-5%. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư, trong đó 85% xã có đường giao thông từ trung tâm xã đến tất cả thôn, buôn, bon; 100% các bon, buôn có từ 1-2km đường nhựa; 100% bon buôn có điện; 100% xã có trường lớp kiên cố, không còn tình trạng học ca ba; tỷ lệ học sinh DTTS nhập học đúng độ tuổi tiểu học đạt 95%.

Từ lực đẩy của các chương trình, chính sách, bộ mặt nông thôn vùng đồng bào DTTS tỉnh Đắk Nông có nhiều đổi thay tích cực. Đến hết năm 2023, thu nhập bình quân đầu người trên toàn tỉnh đạt mức 68 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo chung của tỉnh giảm còn 5,18%.

Chính sách dân tộc đi vào thực tế, giúp tỉnh Đắk Nông giảm nghèo, nâng cao dân trí và mức sống cho người dân. Những kết quả đạt được góp phần xây dựng một xã hội hòa hợp, đoàn kết, củng cố niềm tin Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước.

chi hanh

Đồng chí Hà Thị Hạnh, UVBTV, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy cho biết: "Trong thời gian qua, dù tỉnh Đắk Nông còn nhiều khó khăn nhưng chúng ta vẫn ưu tiên, tập trung nguồn lực để cải thiện đời sống của Nhân dân, qua đó củng cố niềm tin của người dân với cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp. Thực tế cho thấy, chỉ khi cấp ủy, chính quyền quan tâm, chăm lo đến lợi ích của Nhân dân thì niềm tin của Nhân dân với sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, sự điều hành của Chính quyền mới thực sự vững chắc".

Đặng Dương