Kinh tế

Vì sao cây bắp ở Đắk Nông giảm sâu cả diện tích lẫn sản lượng?

Trần Thị Thoan 13/08/2024 05:03

Cây bắp ở Đắk Nông phát triển không đúng định hướng của ngành Nông nghiệp, nên giảm mạnh cả về diện tích, sản lượng, sa sút vị thế.

Đắk Nông được xem là địa phương có điều kiện để phát triển cây bắp theo hướng quy mô hàng hóa, ứng dụng khoa học kỹ thuật. Tuy nhiên, thời gian qua, cây bắp ở Đắk Nông không phát triển như kỳ vọng.

ngo-giong-dx(1).jpg
Đắk Nông đã xây dựng được vùng sản xuất ngô giống gắn tiêu thụ bền vững tại xã Đức Xuyên, huyện Krông Nô

Ông Hồ Quốc Bảo, Chủ tịch UBND xã Đức Xuyên, huyện Krông Nô cho biết, vào năm 2010, xã bắt đầu phát triển cây bắp và gặp nhiều khó khăn. Khi đó, chỉ vài hộ đăng ký trồng bắp, với diện tích khoảng 5ha. Nông dân canh tác chưa đúng với kỹ thuật dẫn đến hiệu quả sản xuất bắp thấp.

UBND xã đã tiếp tục vận động bà con trồng giống bắp F1. Cán bộ kỹ thuật bám sát đồng ruộng hướng dẫn cho người dân sản xuất bắp và đã mang lại kết quả cao hơn.

Qua nhiều năm gắn bó, quyết tâm, đến nay trên địa bàn xã Đức Xuyên mỗi vụ người dân trồng khoảng 250ha bắp, với khoảng 200 hộ tham gia. Năng suất bắp của xã đạt trung bình 9 tấn/ha.

Cây bắp ở Đức Xuyên được công ty ký hợp đồng thu mua khoảng 14.000 đồng/kg. Bắp hiện đang là cây nông nghiệp chủ lực của xã. Nhờ cây bắp, nhiều gia đình đã cải thiện về mặt kinh tế, từ hộ cận nghèo, khó khăn nay trở nên khá giả.

Tuy nhiên, cũng theo ông Bảo, việc sản xuất bắp trên địa bàn còn gặp một số trở ngại. Đức Xuyên có vị trí trũng thấp, vào mùa mưa thường bị ngập úng, gây thiệt hại về năng suất cây trồng và kinh tế của người dân.

Hệ thống kênh mương xây dựng đã lâu, một số tuyến mương bị xuống cấp, ảnh hưởng đến việc điều tiết nước cho Nhân dân sản xuất. Xã kiến nghị cấp trên tiếp tục quan tâm đầu tư, nâng cấp, sửa chữa tuyến mương chính, xây dựng đường điện ra khu vực sản xuất.

Qua đánh giá của ngành Nông nghiệp, Đức Xuyên là điểm sáng lớn nhất của tỉnh trong phát triển cây bắp thời gian qua. Thế nhưng, nhìn rộng ra toàn tỉnh, cây trồng này đã không đi đúng định hướng ban đầu và chưa đạt được kỳ vọng.

Sản xuất bắp thường tập trung vào vụ hè thu, nhưng những năm qua, diện tích bắp ở vụ này tại các huyện đều giảm mạnh. Điển hình như đối với Krông Nô, vụ hè thu năm 2020 diện tích bắp ở mức 15.000ha, nhưng vụ hè thu năm nay chỉ còn 10.000ha.

Tại huyện Cư Jút, vụ hè thu năm 2020, diện tích bắp ở mức 9.000 và vụ hè thu này chỉ còn mức 5.800ha. Các địa phương khác cũng sa sút mạnh về diện tích bắp trong vụ hè thu.

dsc_0471.jpg
Sâu keo là tác nhân gây hại lớn đối với cây bắp ở Đắk Nông nhiều năm qua

Theo chị Trần Thị Oanh, thôn 14, xã Đắk D’rông, huyện Cư Jút, gia đình chị có gần 1,5ha đất trồng cây hoa màu. Những năm trước chị có trồng bắp, nhưng cây trồng này dễ bị nhiễm bệnh, nhất là bị sâu keo tấn công, làm giảm năng suất.

"Những năm năng suất bắp đạt cao thì mất giá và ngược lại. Vì thế, thu nhập không ổn định nên gia đình đã chuyển sang trồng cây khác hiệu quả hơn", chị Oanh cho hay.

Lãnh đạo Sở NN-PTNT cho biết, bắp là cây trồng thuộc nhóm sản phẩm chủ lực địa phương. Đắk Nông định hướng phát triển cây trồng này đến năm 2025 ổn định ở mức 41.000ha, tập trung ở các huyện Krông Nô, Cư Jút, Đắk Mil.

Tỉnh tổ chức sản xuất bắp theo mô hình tập trung, cơ giới hóa, sử dụng công nghệ hiện đại nhằm nâng cao chất lượng, giảm giá thành sản phẩm.

Đắk Nông ưu tiên sử dụng các giống bắp đã được Bộ NN-PTNT công nhận thích ứng với điều kiện sinh thái của tỉnh, cho năng suất cao như: NK67, NK7328, CP511...

Định hướng là thế nhưng diện tích bắp của tỉnh những năm qua giảm sâu cả về diện tích và sản lượng. Cụ thể, năm 2023, tỉnh có gần 40.000ha bắp, giảm gần 16.500ha so với năm 2018; sản lượng 270.120 tấn, giảm trên 80.700 tấn.

dsc_0486.jpg
Diện tích bắp của Đắk Nông chỉ khoảng 35.000-37.000ha/năm, thấp hơn 5.000ha so với kế hoạch

Ngành Nông nghiệp nhận định, các năm 2024, 2025, diện tích bắp tiếp tục giảm, chỉ khoảng 35.000 - 37.000ha/năm, thấp khoảng 5.000ha so với kế hoạch.

Nguyên nhân là do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thời tiết thay đổi thất thường nên hoạt động sản xuất của người dân không thuận lợi, sâu bệnh phát sinh gây hại nhiều.

Cùng với đó, giá bắp không cạnh tranh được với một số cây trồng khác nên người dân không mặn mà với cây trồng này và chuyển đổi sang các loại cây khác để có hiệu quả kinh tế tốt hơn.

Trần Thị Thoan