Kinh tế

Đắk Nông tìm giống bơ phù hợp nhu cầu thị trường

Trần Thoan 12/08/2024 06:30

Việc tìm được giống bơ phù hợp nhu cầu thị trường sẽ góp phần phát triển cây bơ Đắk Nông bền vững hơn.

Bơ là một cây trồng tiềm năng của Đắk Nông. Đây là cây trồng được tỉnh định hướng phát triển thành ngành hàng, sản phẩm thế mạnh vì phù hợp với nhiều vùng khí hậu, đất đai tại các huyện, thành phố.

Những năm qua, UBND tỉnh, ngành chức năng đã có nhiều hoạt động nhằm nâng tầm cây bơ như tổ chức hội thảo, hội nghị xúc tiến đầu tư, hợp tác, kêu gọi doanh nghiệp liên kết phát triển.

134022dsc_1623.jpg
Đắk Nông đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm tìm hướng phát triển bền vững quả bơ

Thế nhưng, sự phát triển cây bơ, ngành hàng bơ của tỉnh thời gian qua vẫn chưa đạt như kỳ vọng. Thậm chí nhiều người trồng bơ có tâm lý chán nản. Không ít nông dân chặt bỏ hoàn toàn, chuyển đổi một phần diện tích bơ sang cây trồng khác vì không cho hiệu quả kinh tế.

Theo lãnh đạo Sở NN-PTNT Đắk Nông, cây bơ của tỉnh chịu nhiều ảnh hưởng của biến đổi khí hậu làm giảm năng suất, chất lượng sản phẩm. Cùng với đó, đầu ra không ổn định nên vài năm gần đây cây trồng này giảm mạnh về diện tích.

Cụ thể, nếu như năm 2020, diện tích bơ của tỉnh là 4.383ha, sản lượng 18.992 tấn thì đến cuối năm 2023, giảm xuống còn 3.200ha, sản lượng đạt 16.000 tấn.

Trăn trở với điều này, tại buổi làm việc với Sở NN-PTNT ngày 30/7, đồng chí Hồ Văn Mười, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông đã chỉ đạo ngành Nông nghiệp đẩy mạnh việc hợp tác với các viện, trường, chuyên gia hàng đầu về giống cây trồng để nghiên cứu, tìm được giống bơ phù hợp với nhu cầu thị trường, nhất là đối với quá trình phục vụ xuất khẩu.

dsc_0558.jpg
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Hồ Văn Mười (bên phải) thăm mô hình sản xuất các giống bơ của nông dân xã Quảng Phú, huyện Krông Nô

Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông nhấn mạnh, qua làm việc, tham quan của lãnh đạo tỉnh, đối với thị trường quốc tế thì 80% thị hiếu là các dòng bơ chất lượng cao như: hass, reed. Do đó, để phát triển cây bơ của tỉnh bền vững cần nghiên cứu, khảo nghiệm kỹ càng hơn để đưa các giống này vào sản xuất theo quy mô lớn.

Tỉnh định hướng phát triển bơ theo vùng nguyên liệu tập trung, quy mô lớn gắn với các chuỗi giá trị, liên kết giữa người trồng với doanh nghiệp bao tiêu, chế biến.

Thực tế, đối với các giống bơ chất lượng cao đã có một số người dân Đắk Nông sản xuất. Cụ thể như đối với trường hợp của gia đình anh Nguyễn Kiến Phương, thôn Phú Sơn, xã Quảng Phú, huyện Krông Nô.

dsc_0140.jpg
Gia đình anh Nguyễn Kiến Phương, thôn Phú Sơn, xã Quảng Phú, huyện Krông Nô (Đắk Nông) trồng thành công các giống bơ ngoại nhập như booth, hass, red, pinkerton

Anh Phương hiện canh tác gần 10ha bơ như booth, hass, pinkerton. Anh Phương cho rằng, các giống bơ ngoại có những ưu việt lớn, khắc phục được những hạn chế của bơ nội như vỏ mỏng dễ hư hỏng khi thu hái, vận chuyển, thời gian chín ngắn, rộ vụ.

Trong khi đó nhiều giống bơ ngoại chín rải vụ, vỏ cứng, bảo quản được lâu. Và hơn hết thị trường thế giới đang rất cần, nếu trồng thành thì việc tiêu thụ sẽ dễ dàng với giá trị kinh tế vượt trội. Vườn cây bơ ngoại cho thu hoạch chính với mức năng suất khá cao, khoảng 15 tấn/ha.

Anh Phương cho biết thêm: Bơ ngoại thu hoạch trái vụ so với các giống bơ trong nước nên dễ tiêu thụ. Hơn nữa bơ pinkerton, hass và reed có giá trị dinh dưỡng cao nên từ lâu đã được người tiêu dùng thế giới ưa chuộng.

dsc_1941.jpg
Các giống bơ ngoại nhập có giá trị dinh dưỡng cao, vỏ cứng, chín lâu hơn các giống bơ nội

Ngoài yếu tố dinh dưỡng cao thì các giống bơ ngoại có hàm lượng dầu cao, dễ dàng được tiêu thụ cho các nhà máy chế biến tinh dầu phục vụ ăn uống, làm đẹp.

Hai năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh làm giá cả hạ thấp hơn mọi năm. Nhưng có thể nói, người trồng bơ như anh Phương vẫn sống khá ổn, vì ít phụ thuộc vào thị trường. Hầu hết sản phẩm bơ ngoại của gia đình anh được một doanh nghiệp tại tỉnh Gia Lai bao tiêu.

Hiện anh Phương và một số thành viên đã thành lập HTX, xây dựng thương hiệu Bơ núi lửa Nâm Kar trong hệ thống Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông. Sản phẩm bơ của HTX cũng đã được UBND tỉnh công nhận đạt OCOP 4 sao.

Ngoài Krông Nô, nông dân, doanh nghiệp một số nơi ở Đắk Nông cũng đã trồng thành công một số giống bơ ngoại. Vấn đề đặt ra hiện nay là việc kết nối thị trường, đầu ra cần được tính toán kỹ mới có thể nhân rộng, phát triển bền vững với quy mô hàng hóa lớn.

Trần Thoan