Khó xử lý trách nhiệm khi treo dự án
Quy hoạch treo tác động rất lớn đến đời sống người dân nhưng việc xác định hành vi vi phạm và người chịu trách nhiệm khá khó khăn.
Dự án treo 16 năm
Dự án Khu thương mại dịch vụ thuộc khu vực sân bay Gia Nghĩa, phường Nghĩa Thành có tổng diện tích hơn 44ha, trong đó phải thu hồi hơn 32ha. Dự án do Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh Đắk Nông làm chủ đầu tư sau khi được quy hoạch chi tiết từ năm 2008.
Trong năm 2011 - 2012, UBND TP. Gia Nghĩa đã ban hành các quyết định thu hồi đất và thu hồi bổ sung 76 trường hợp với diện tích hơn 13ha. Tổng kinh phí bồi thường hỗ trợ là hơn 32,5 tỷ đồng và có 18 trường hợp đủ điều kiện tái định cư.
Phần diện tích còn lại của 95 trường hợp chưa có kinh phí để thực hiện thu hồi đất. Người dân cũng không hợp tác trong điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm, lập hồ sơ bồi thường, giải phóng mặt bằng do không đồng ý với số tiền và quỹ đất tái định cư tương ứng.
Dự án được phê duyệt năm 2008 và được giao cho Công ty Cổ phần đầu tư kinh doanh nhà làm chủ đầu tư. Cuối năm 2017, Sở KH-ĐT Đắk Nông đã ban hành quyết định chấm dứt hoạt động dự án đầu tư.
Tháng 7/2018, UBND tỉnh Đắk Nông ban hành quyết định đưa dự án vào danh mục kêu gọi, thu hút đầu tư. Dự án nằm trong danh mục thu hồi đất được nghị quyết HĐND tỉnh thông qua cuối năm 2018.
Trong quá trình thực hiện dự án phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc thực hiện đấu giá hoặc đấu thầu dự án.
UBND tỉnh Đắk Nông đã xin ý kiến các bộ, ngành Trung ương nhưng không triển khai được. Đến cuối năm 2022, UBND tỉnh Đắk Nông đã trình HĐND tỉnh thông qua nghị quyết đưa ra khỏi danh mục thu hồi đất.
Theo UBND TP. Gia Nghĩa, nếu tiếp tục thực hiện dự án, không thể áp dụng tên gọi cũ các quyết định đã ban hành. Để bảo đảm quyền lợi của người dân, thành phố đề nghị các sở, ngành tham mưu hủy bỏ quyết định thu hồi đất và quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư dự án trên.
Dự án Khu tái định cư 24ha, phường Nghĩa Trung được UBND tỉnh Đắk Nông giao cho Trung tâm phát triển quỹ đất làm tái định cư từ năm 2010.
Trung tâm đã triển khai công tác lập bồi thường, hỗ trợ tái định cư và được UBND TP. Gia Nghĩa phê duyệt từ năm 2012. Nhưng tới nay vẫn chưa có kinh phí chi trả nên nhiều hộ dân đã gửi đơn kiến nghị, khiếu nại.
Sau khi tỉnh Đắk Nông kiến nghị, Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường) khẳng định, trường hợp tiếp tục thực hiện dự án thì phải thực hiện lập các thủ tục lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư dự án. Trường hợp hủy bỏ dự án thì không bảo đảm cơ sở pháp lý đối với phần diện tích đã có quyết định thu hồi đất…
Qua rà soát mới nhất của UBND TP. Gia Nghĩa, khu vực dự án có 217 hộ dân. Qua lấy ý kiến 136 hộ dân thì có 134 hộ đề nghị hủy bỏ dự án và kiến nghị UBND tỉnh Đắk Nông hủy bỏ việc thực hiện đối với Dự án Khu tái định cư 24ha.
Tỉnh Đắk Nông đã nhìn ra tồn tại, vướng mắc của 2 dự án lớn giữa trung tâm TP. Gia Nghĩa nêu trên và đã chỉ đạo các sở, ngành tham mưu xử lý. Nhưng tới nay, các dự án treo này vẫn là chưa được xử lý dứt điểm, ảnh hưởng tới quyền lợi người dân trong vùng dự án.
Liệu có xử lý được vi phạm?
Pháp luật hiện hành quy định rõ thẩm quyền rà soát, phân loại, đánh giá dự án đầu tư treo. Trong đó, ngành TN-MT thực hiện việc kiểm tra, xác định các trường hợp không đưa đất vào sử dụng, chậm đưa đất vào sử dụng. Đây là căn cứ để cơ quan có thẩm quyền xác định hành vi vi phạm để dừng hoặc tạm dừng thực hiện dự án theo quy định.
Việc xử lý đối với các dự án đầu tư được quy định tại Khoản 2, Điều 48, Luật Đầu tư năm 2020. Ngành Kế hoạch và Đầu tư chủ trì kiểm tra, giám sát và xử lý đối với các dự án đầu tư kinh doanh.
Cơ quan đăng ký đầu tư có quyền chấm dứt hoặc chấm dứt một phần đối với các dự án đầu tư vi phạm hoặc không đủ điều kiện triển khai thực hiện.
Việc xử lý các dự án treo là có thể thực hiện theo các quy định pháp luật hiện hành. Nhưng việc hạn chế, hướng tới việc chấm dứt tình trạng quy hoạch treo là rất khó. Nguyên nhân là trong Luật Đất đai chưa quy định việc xử lý trách nhiệm cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan trong việc chậm thực hiện quy hoạch và trách nhiệm bồi thường cho người dân.
Quy hoạch treo, dự án treo là vấn đề được các đại biểu Quốc hội thời gian qua đặc biệt quan tâm. Nhiều đại biểu cho rằng Luật Đất đai năm 2024 cũng giống như Luật Đất đai năm 2013, chưa làm rõ được trách nhiệm pháp lý đối với người có thẩm quyền trong trường hợp để xảy ra quy hoạch treo.
Trong Luật Đất đai năm 2024, Điều 240 quy định việc xử lý với người có hành vi vi phạm pháp luật trong quản lý đất đai khi thi hành công vụ. Người lợi dụng hoặc lạm dụng chức vụ, quyền hạn làm trái quy định pháp luật trong công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất… thì bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự tùy theo tính chất, mức độ vi phạm.
Nhưng theo một số luật sư tại Đắk Nông, rất khó để xác định trách nhiệm vi phạm của tập thể, cá nhân. Bởi Điều 229, Bộ Luật Hình sự năm 2015 không đề cập đến sai phạm trong công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
Do vậy rất khó để làm rõ trách nhiệm pháp lý của người có thẩm quyền trong trường hợp để xảy ra quy hoạch treo.
Một vấn đề cấp thiết khác được đặt ra là việc bồi thường cho người dân vùng quy hoạch treo, dự án treo. Những thiệt hại về vật chất, tinh thần của người dân vùng quy hoạch là rất lớn và có ảnh hưởng lâu dài.
Thế nhưng, việc xác định trách nhiệm bồi thường theo Khoản 1, Điều 7, Luật Trách nhiệm bồi thường Nhà nước năm 2017 là rất khó. Bởi vì hành vi thiếu trách nhiệm trong việc để xảy ra quy hoạch treo hiện chưa được xem làm hành vi vi phạm pháp luật.