Gia đình 4 thế hệ đi không nỡ, ở không xong vì dự án treo
Các dự án, quy hoạch treo kéo dài, khiến rất nhiều gia đình ở Đắk Nông rơi vào tình cảnh đi không nỡ, ở không xong, khó khăn trăm bề.
"Dậm chân tại chỗ" vì quy hoạch
Gia đình cụ Mai Tía từ Quảng Ngãi vào Đắk Nông sinh sống từ năm 1986. Cứ ngỡ vùng đất mới sẽ giúp cuộc sống khá giả hơn. Nhưng không, trải qua ngần ấy năm, mọi thứ trong gia đình vẫn "dậm chân tại chỗ".
Giờ đây đã bước sang tuổi 90, mắt mờ, tai kém, cụ Tía chỉ mong nơi mình đang ở sớm được chuyển đổi mục đích sử dụng, được cấp giấy phép xây dựng để làm một ngôi nhà nhỏ, kiên cố sống thanh thản tuổi già. Cụ mong sao phần đất còn lại cũng được phép tách thửa, chia cho con cái mỗi đứa một phần, coi như tròn tâm nguyện.
Nhưng đợi chờ bao năm mà vẫn không có gì thay đổi. Căn nhà cấp 4 bằng gỗ xen tường gạch, được xây dựng từ năm 1988 của gia đình cụ nay vẫn nguyên trạng. Vách gỗ căn nhà nay đã mục nát. Nền nhà đang xuống cấp trầm trọng.
Mái căn nhà lại lủng lỗ chỗ khắp nơi nên mùa mưa năm nào cụ cũng phải nhờ con cái vá víu che tạm. Nắng lên thì nóng rát, chật chội, bức bối vô cùng.
Chưa kể, một số bức tường bao quanh nhà lại đang bị nứt toác ra cả một khoảng dài. Vậy mà, cả gia đình cụ vẫn phải chui ra, chui vào hàng ngày mà không thể sửa sang, cơi nới do nằm trong quy hoạch.
Ánh mắt đăm chiêu nhìn về xa xăm thấp thoáng nhiều nỗi buồn, cụ Tía chầm chậm nói: “Đất có đấy, nhưng không làm gì được. Trong lòng vẫn mãi không yên, bởi chưa chia tách phần đất được cho con cái. Con cả giờ cũng gần 70 tuổi. Gia đình giờ đủ 4 thế hệ, nhưng vẫn phải sống mòn trong căn nhà nhỏ, day dứt lắm”.
Qua tìm hiểu, mảnh đất của gia đình cụ Tía rộng gần 6.000 m2, thuộc tổ 7, phường Nghĩa Phú, TP. Gia Nghĩa. Mảnh đất này sát ngay quốc lộ 14, mặt tiền trải rộng, thoáng đẹp, rất phù hợp cho kinh doanh, buôn bán.
Thế nhưng, việc sửa sang, làm mới, mở rộng không được vì vướng quy hoạch Dự án kết nối các trục đường đô thị số 4, TP. Gia Nghĩa từ năm 2019 đến nay, nên không thể phát triển kinh tế cho gia đình.
“Ngoài căn nhà cấp 4 sập sệ, gia đình chỉ biết trồng rau và chăn nuôi nhỏ. Kinh tế gia đình vì thế ngần ấy năm vẫn mãi không khấm khá lên được”, cụ Tía buồn bã cho biết.
Gia đình ông Nguyễn Văn Nga ở tổ dân phố 5, phường Nghĩa Trung, TP. Gia Nghĩa, cùng chung hoàn cảnh đó. Gia đình ông sống trong vùng quy hoạch Dự án khu dân cư số 2, phường Nghĩa Trung từ năm 2008 đến nay.
Hai vợ chồng ông gần bước sang tuổi 70, nhưng chưa biết khi nào mới có chỗ ở kiên cố, yên tâm an dưỡng tuổi già. Ngôi nhà gỗ vỏn vẹn gần 50m2. Trong nhà đủ thứ ngóc ngách tạm bợ. Tường nhà, mái tôn chắp vá khắp nơi.
Nhiều nơi nền nhà bung hết, cát, xi bong tróc, trơ cả lớp gạch cuối chân tường. Trên thân tường nhà vá víu không thiếu chỗ nào. Cứ ván mục, ông bà lại chêm thêm một vài miếng tôn nhỏ cho gió đỡ lùa vào.
Ông Nga vừa chỉ tay lên mái nhà cho biết, nhà không lúc nào được sạch sẽ. Bởi đất, bụi bặm trong gỗ mục, trên mái nhà rơi vãi xuống liên tục. Gia đình phải căng thêm một lớp bạt, tôn ngang mái để che chắn bớt lại.
"Cứ mỗi lần mưa xuống, côn trùng ngang nhiên bò trong nhà. Mùa mưa đến là hai ông bà già lại lọ mọ tìm cây chống nhà, vì sợ gió lớn sẽ đổ sập. Chỉ mong dự án nếu có triển khai thì làm sớm, dứt điểm, còn không, tạo điều kiện cho người dân được làm nhà cửa, sinh sống ổn định”, ông Nga thở dài.
Nửa đùa, nửa thật, ông Nga nói: “Giờ khắp nơi, nhà tranh tre, dột nát được xóa hết. Nhưng người dân ở vùng dự án quy hoạch treo thì không thể.
Cuộc sống hiện tại của gia đình thật sự mà nói còn hoàn cảnh hơn cả 20 năm về trước. Nhà cửa sập sệ, mưa dột, gió lùa. Tôi chỉ mong những ngày tháng tuổi già có chỗ ở ổn định nhưng xem ra xa vời quá”.
Nếu không làm thì gỡ quy hoạch cho dân
Những ngôi nhà nằm trong vùng dự án quy hoạch treo khiến cuộc sống nhiều gia đình quá khó khăn, vất vả. Đi kèm với đó là nỗi ám ảnh rất lớn của người dân về sự an toàn cho sức khỏe, cho tính mạng của các thành viên trong gia đình.
Cứ mỗi lần mưa đến là bà Đinh Thị Nhàn, sinh sống tại tổ dân phố 5, phường Nghĩa Trung, TP. Gia Nghĩa, lại khát khao được sửa chữa lại căn nhà của mình.
Ngôi nhà của gia đình bà được xây dựng từ năm 1996. Thế nhưng, lâu nay, bà không được phép xây mới căn nhà do nằm trong quy hoạch Dự án khu dân cư số 2. Dự án này đã quy hoạch hơn 10 năm trước, nhưng đến nay vẫn chưa triển khai.
Gia đình bà Nhàn hiện có 300m2 đất thổ cư. Bà đã 5 lần đi xin giấy phép xây dựng, nhưng không được cấp. Lý do cơ quan chức năng đưa ra là khu vực này thuộc đất quy hoạch.
Theo bà Nhàn, người dân sống ở khu vực này chẳng có quyền lợi gì, điện không, cái gì cũng không. Đến cả tuyến đường đá dăm lởm chởm, người dân cũng phải tự bỏ tiền ra làm.
Đường thì nắng bụi, mưa lầy, đầu tư tạm bợ, luôn bị hư hỏng xuống cấp. Quy hoạch treo quá lâu khiến người dânrất bức xúc. "Mong muốn làm sao chỗ nào quy hoạch thì làm triệt để, chỗ nào không thì gỡ cho người dân", bà Nhàn bày tỏ.
Bà Nhàn cũng có một nỗi băn khoăn lớn đó là khi mưa to, gió lớn, nhà cửa xuống cấp chẳng may đổ sập xuống thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm cho người dân về vấn đề này? Tính mạng của người dân ai bảo đảm?
Không chỉ gây tâm lý bất an cho người dân khi sống trong những nhà dột nát, việc quy hoạch treo còn khiến các hộ dân gặp khó khăn trong phát triển kinh tế, đi lại.
Hiện, con đường đi vào xóm 2, tổ dân phố 7, phường Nghĩa Phú, TP. Gia Nghĩa dài hơn 2km vẫn là đường đất. Do nằm trong quy hoạch nên nhiều năm nay, tuyến đường vẫn chưa được cải tạo, kiên cố.
Có nhà nằm trong quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 Khu đô thị sinh thái hồ Đắk R’tíh (Quy hoạch 387), ông Trương Văn Dũng, người dân tổ dân phố 7, phường Nghĩa Phú luôn mong mỏi dự án sớm triển khai hơn bao giờ hết.
Ông Dũng bày tỏ: “Mong muốn lớn nhất của chúng tôi là có con đường kiên cố đi vào nhà. Bởi nhu cầu về phát triển sản xuất ngày càng lớn, trong khi giao thông khó khăn khiến bà con khó có thể vươn lên phát triển kinh tế”.
Ông Vũ Minh Nghĩa, Bí thư phường Nghĩa Phú, TP. Gia Nghĩa cho rằng, câu chuyện quy hoạch treo dai dẳng nhiều năm ở nhiều nơi tại Đắk Nông.
Vì thế, đã đến lúc, cần có cái nhìn mới, cân bằng giữa rủi ro và cơ hội để các dự án ở các khu vực tiềm năng của tỉnh vừa là động lực tăng trưởng, vừa bảo đảm an sinh.
"Việc giải quyết dự án quy hoạch treo cần phải được thực hiện một cách quyết liệt, nhanh nhất không chỉ dựa trên cơ sở kinh tế - xã hội, mà phải tính toán kỹ lưỡng từ những tình huống dân sinh", ông Nghĩa cho biết.