Quy hoạch tỉnh-Liều thuốc cho dự án treo
Quy hoạch tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là cơ sở pháp lý để tháo gỡ thực trạng dự án, đồ án treo.
Hạn chế chồng chéo
Đắk Nông hiện có hàng chục dự án, đồ án được phê duyệt nhưng kéo dài, chậm triển khai. Một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng này theo ngành chức năng là còn nhiều chồng chéo trong quy hoạch. Hệ thống pháp luật các chuyên ngành liên quan và quy hoạch xây dựng còn mâu thuẫn.
Thực tế, Quy hoạch tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2010-2020 chưa thực sự khả thi. Trong quy hoạch còn tồn tại nhiều vấn đề như: quy hoạch chồng quy hoạch; công trình xây dựng không có trong quy hoạch, bố trí sai quy hoạch… Chất lượng quy hoạch thấp.
Quy hoạch phải đi trước một bước. Quy hoạch làm cơ sở quan trọng để các cấp ủy, chính quyền địa phương định hướng trong công tác chỉ đạo, phát triển kinh tế - xã hội, quản lý đất đai, kêu gọi các nguồn lực đầu tư.
Chính vì thế, một khi còn nhiều tồn tại trong lập và triển khai quy hoạch sẽ dẫn đến những hệ lụy. Mà hệ lụy đang diễn ra hiện nay chính là thực trạng dự án, đồ án treo.
Quy hoạch tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 31/12/2023. Các chuyên gia, lãnh đạo bộ, ngành, địa phương đánh giá, quy hoạch Đắk Nông giai đoạn này có nhiều đổi mới, sáng tạo.
Một trong những điểm mới, đột phá trong quy hoạch lần này là tích hợp quy hoạch của nhiều ngành, lĩnh vực, từ đó, tạo sự thống nhất trong quá trình thực hiện.
Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, Quy hoạch tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 có sự lồng ghép các nội dung vốn có của quy hoạch, nhằm tạo nên bản quy hoạch hoàn thiện, thống nhất giữa các nội dung liên quan khác nhau.
Điều này sẽ khắc phục được sự chồng chéo, xung đột giữa các quy hoạch trước đây khi lập riêng lẻ. Đây là cơ sở bảo đảm sự phát triển cân đối, hiệu quả giữa các ngành, của địa phương và của vùng.
“Khi quy hoạch tích hợp và phát huy hiệu quả sẽ kéo theo những hoạch định chính sách đúng đắn, góp phần kiến tạo, động lực và không gian phát triển. Từ đây, quy hoạch tạo tính kết nối đồng bộ, nhằm khai thác tối đa nguồn lực trong các hoạt động phát triển kinh tế- xã hội”, ông Thiên khẳng định.
Về vấn đề này, Giám đốc Sở Xây dựng Đắk Nông Phan Nhật Thanh cho hay, sự tích hợp trong quy hoạch tỉnh giai đoạn tới đây nếu làm tốt sẽ tạo dựng cơ sở thống nhất, tin cậy để xây dựng các kế hoạch phát triển, kế hoạch đầu tư công trung hạn. Việc lập quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, quy hoạch ngành sẽ bài bản, khả thi.
“Khi các quy hoạch được xây dựng bài bản, việc thu hút các dự án sẽ hiệu quả hơn. Từ đây, hạn chế được những quy hoạch, dự án, đồ án treo hiện tại”, ông Thanh nhấn mạnh.
Nâng cao chất lượng quy hoạch
Quy hoạch, dự án, đồ án treo kéo dài đã ảnh hưởng đến niềm tin của người dân với chính quyền địa phương trong quản lý trật tự xây dựng.
Quy hoạch không bài bản cũng là một trong những yếu tố hạn chế việc các nhà đầu tư tới tìm hiểu, đầu tư các dự án tại địa phương.
Hiện nay, Đắk Nông có rất nhiều quy hoạch, chứ không riêng gì quy hoạch xây dựng và quy hoạch đô thị. Tất cả các quy hoạch ngành khác đều nằm ở trong một bản vẽ quy hoạch xây dựng và quy hoạch đô thị.
Tuy nhiên, nhiều trường hợp vướng mắc lại xuất phát từ quy hoạch của các ngành khác nhau. Đây cũng là yếu tố tạo nên điểm nghẽn trong phát triển.
“Vấn đề này, lãnh đạo tỉnh Đắk Nông đã nhận thấy rất rõ. Tỉnh đang chỉ đạo Sở Xây dựng, các đơn vị liên quan vào cuộc quyết liệt nội dung này”, Giám đốc Sở Xây dựng Phan Nhật Thanh cho biết.
Theo ông Thanh, Sở Xây dựng đang tích cực tham mưu UBND tỉnh và hướng dẫn các địa phương triển khai, lập quy hoạch sau khi quy hoạch chung của tỉnh được phê duyệt. Hiện nay, các huyện, thành phố đang triển khai đồng loạt các quy hoạch huyện và quy hoạch đô thị.
Sau khi cấp huyện hoàn thiện sẽ tiến tới lập quy hoạch các xã, quy hoạch phân khu và cuối cùng là quy hoạch chi tiết. Khi chất lượng các cấp độ quy hoạch được thực hiện bài bản, đồng bộ sẽ hạn chế được bất cập trước đây.
“Chúng tôi lập các tổ để xuống trực tiếp kiểm tra, hướng hỗ trợ các huyện, thành phố triển khai. Trên cơ sở này, sở nắm tiến độ triển khai của từng huyện, trách nhiệm chủ đầu tư, năng lực đơn vị tư vấn. Từ đây, chúng tôi có nhìn nhận, góp ý tổng thể để nâng cao hiệu quả triển khai lập, thực hiện quy hoạch”, ông Thanh cho biết.
Cũng theo ông Thanh, trách nhiệm chính trong lập quy hoạch, rà soát quy hoạch theo từng cấp độ thuộc về chính quyền địa phương. Sở Xây dựng chỉ là cơ quan tham gia đóng góp ý kiến bằng văn bản và thực hiện kiểm tra, giám sát.
"Các địa phương phải bố trí con người đúng chuyên môn, nghiệp vụ. Lãnh đạo địa phương xác định tầm quan trọng của quy hoạch để vào cuộc quyết liệt hơn. Có như vậy, công tác triển khai, quản lý quy hoạch sẽ có sự chuyển biến tích cực. Từ đây hạn chế tối đa thực trạng dự án, đồ án treo", ông Thanh nhấn mạnh.