Kinh tế

Huyện biên giới Đắk Nông chủ động, sẵn sàng ứng phó thiên tai

Hưng Nguyên 09/08/2024 08:06

Huyện Tuy Đức (Đắk Nông) là địa bàn thường xuyên xảy ra thiên tai. Để giảm thiểu thiệt hại về người, tài sản, huyện luôn chủ động, sẵn sàng các phương án ứng phó.

Nhiều loại hình thiên tai

Trong những năm qua, dưới tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai trên địa bàn huyện Tuy Đức ngày càng diễn biến phức tạp, bất thường. Hạn hán, mưa lớn, lũ, ngập lụt, sạt lở đất, giông lốc... ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống sinh hoạt của người dân.

satlo(1).jpg
Lực lượng chức năng huyện Tuy Đức (Đắk Nông) khắc phục sự cố đường sụt lún tại xã Đắk R'tíh vào tháng 7/2024

Cuối tháng 7/2024, do ảnh hưởng của mưa lớn kéo dài, trên địa bàn xã Đắk R’tíh xảy ra 2 điểm sụt, lún. Cụ thể, điểm sụt lún trên tuyến đường từ xã Đắk R’tíh đi xã Đắk Ngo, huyện Tuy Đức (vị trí km6+434m), thôn Doãn Văn, xã Đắk R’tíh. Điểm bị lún, sụt có chiều dài khoảng 20m, chiều rộng vết nứt khoảng 2-3cm, lún sâu khoảng 0,8m.

Điểm sụt lún thứ 2 nằm tại km4+450, bon Mê Ra, trên tuyến đường từ xã Đắk R’tíh đi xã Đắk Búk So, huyện Tuy Đức.

Tại khu vực này, lực lượng chức năng ghi nhận đất bị sạt lở với độ rộng khoảng 15m, bán kính dài khoảng 50m, sâu từ 2,5-6m, chia cắt mặt đường, không thể lưu thông. Vị trí sạt lở có dòng suối chảy qua.

Ngay sau khi nhận được tin báo, UBND huyện Tuy Đức đã kiểm tra hiện trường, nhanh chóng khoanh vùng sạt lở, làm rào chắn, căng dây, cắm biển cảnh báo… để bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản của người dân.

Huyện nhanh chóng chỉ đạo đơn vị thi công khẩn trương thực hiện phương án khắc phục sự cố trên các tuyến đường, bảo đảm lưu thông cho Nhân dân trên địa bàn.

Sụt lún đất xảy ra tại bon Bu Krắc, xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức (Đắk Nông)
Sụt lún đất xảy ra năm 2023 tại bon Bu Krắc, xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức

Trước đó, năm 2023, huyện Tuy Đức là địa phương chịu nhiều ảnh hưởng bởi thiên tai. Cụ thể, trên địa bàn xảy ra sạt, trượt, nứt gãy đất tại bon Bu Krắc và bon Bu P'răng, xã Quảng Trực khiến 71 hộ bị ảnh hưởng, buộc phải di dời chỗ ở.

Thêm tiêu đề phụ (4)
Đồ họa: Đ.H

Tỉnh lộ 1 đoạn qua xã Quảng Tâm, huyện Tuy Đức bị nứt, sụt lún ảnh hưởng đến 64 hộ dân. Ngay khi xảy ra nứt, sụt lún, Ban Chỉ đạo phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) huyện Tuy Đức và UBND xã Quảng Tâm đã tuyên truyền, vận động, hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng di dời người và tài sản đến nơi an toàn.

Để kịp thời hỗ trợ người dân, khắc phục hậu quả thiên tai, huyện Tuy Đức đã hỗ trợ các hộ nghèo, cận nghèo bị ảnh hưởng bởi thiên tai với mức 1 triệu đồng/hộ.

Ngoài ra, năm 2023, ngập lụt xảy ra trên diện rộng khiến hàng trăm diện tích đất sản xuất nông nghiệp của người dân chịu thiệt hại, hơn 120 ao nuôi cá của người dân bị ngập, 9 công trình giao thông bị ảnh hưởng bởi thiên tai.

Ông Đinh Ngọc Nhân, Chủ tịch UBND huyện Tuy Đức cho biết, thiên tai ảnh hưởng đến địa bàn huyện Tuy Đức ngày càng phức tạp với nhiều loại hình. Trong đó, sạt lở, sụt lún đất, ngập lụt và khô hạn đang ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống người dân.

thientai-55-(1).jpg
Huyện Tuy Đức chú trọng bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản cho người dân vùng thiên tai

Xây dựng phương án phòng, chống

Những năm qua, huyện Tuy Đức bảo đảm sự thống nhất trong tổ chức, chỉ huy ứng phó kịp thời, hiệu quả với thiên tai. Huyện xây dựng kế hoạch phòng, chống thiên tai năm hằng năm sát với thực tế.

Đồng thời, huyện đẩy nhanh tiến độ phục hồi, tái thiết sau thiên tai góp phần ổn định đời sống, sản xuất của người dân và góp phần thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

thientai-69-(1).jpg
Người dân xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức chủ động di dời tài sản ra khỏi vùng nguy cơ sạt lở đất

Trước khi xây dựng kế hoạch, các đơn vị, địa phương đã tiến hành kiểm tra, đánh giá hiện trạng công trình thủy lợi, rà soát số hộ dân đang sinh sống trong vùng có nguy cơ xảy ra ngập lụt, sạt lở đất để có phương án phòng, chống bảo đảm sát thực tế.

Với phương châm "4 tại chỗ" huyện chuẩn bị đầy đủ lực lượng, phương tiện, vật tư, sẵn sàng ứng phó các tình huống thiên tai, sự cố xảy ra đột xuất, bảo đảm an toàn cho người và tài sản.

Huyện thành lập Ban chỉ huy PCTT-TKCN từ cấp huyện đến cấp xã và của một số phòng, ban, ngành có liên quan. UBND các xã thành lập đội xung kích phòng, chống thiên tai với lực lượng nòng cốt là dân quân, thanh niên...

Ngay sau khi thiên tai xảy ra, cơ quan thường trực PCTT-TKCN các cấp đã khẩn trương thực hiện việc thống kê, đánh giá mức độ thiệt hại, vận động người dân chủ động khắc phục hậu quả.

Đối với các công trình giao thông, huyện tập trung nhân lực, vật tư, máy móc thiết bị để triển khai thực hiện công tác khắc phục.

Thêm tiêu đề phụ (3)
Đồ họa: Đ.H

Ông Định Ngọc Nhân, Chủ tịch UBND huyện Tuy Đức cho biết, ngay từ đầu năm, huyện đã chủ động xây dựng phương án về PCTT-TKCN chung toàn huyện, chỉ đạo các xã, đơn vị xây dựng phương án sát với thực tiễn địa bàn.

Ban Chỉ huy PCTT-TKCN các cấp chuẩn bị các điều kiện về vật tư, phương tiện, hậu cần, các lực lượng ứng phó với thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”, "3 sẵn sàng".

thientai-62-(1).jpg
Các biện pháp bảo đảm an toàn được Ban Chỉ huy PCTT-TKCN huyện Tuy Đức triển khai ngay khi thiên tai xảy ra

Để chủ động phòng chống thiên tai, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN huyện Tuy Đức tăng cường tuyên truyền và cảnh báo, nâng cao nhận thức cho người dân trong việc chủ động ứng phó với những tình huống khẩn cấp.

Các xã, thôn, bon được trang bị hệ thống loa truyền thanh để thông tin kịp thời về tình hình thời tiết, cảnh báo về thiên tai. Những khu vực xung yếu, thường xuyên xảy ra mưa lũ, nguy cơ sạt lở cao được các đội xung kích đến tận nơi tuyên truyền. Các xã duy trì lực lượng dân quân tự vệ, đội xung kích phòng chống thiên tai tại các xã để sẵn sàng ứng cứu khi có tình huống xảy ra.

Đặc biệt, trong năm UBND huyện đã tổ chức công tác diễn tập PCTT-TKCN, qua diễn tập đã nâng cao khả năng lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức chỉ huy điều hành của cấp ủy, chính quyền địa phương và các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể các cấp và nhân dân theo phương châm “4 tại chỗ”.

Đồng thời huyện tuyên truyền giáo dục cho cán bộ và người dân nâng cao ý thức, chủ động phòng tránh, chuẩn bị tốt mọi mặt, sẵn sàng ứng phó có hiệu quả các tình huống, sự cố thiên tai có thể xảy ra, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người, tài sản.

Ngoài các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, ngay sau khi nhận được thông tin từ cơ sở, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN huyện Tuy Đức phân công cán bộ công chức đi kiểm tra, phát hiện, xác minh thông tin, cập nhật và báo cáo kịp thời kết quả của việc rà soát, thống kê các công trình bị thiệt hại. Đường bị sạt lở đất, vùng bị sụt lún, thiệt hại, ngập úng về cây trồng vật nuôi...do thiên tai gây ra để đề xuất phương án hỗ trợ, khắc phục hậu quả, ổn định đời sống và khôi phục sản xuất cho người dân.

Hưng Nguyên