An sinh - Cuộc sống

Trường Xuân trao “cần câu” để đồng bào thoát nghèo

N.N 07/08/2024 05:20

Những năm qua, xã Trường Xuân, huyện Đắk Song (Đắk Nông) đã triển khai nhiều mô hình sinh kế hiệu quả. Các mô hình này trở thành “cần câu” và nâng cao nhận thức, khả năng tự lực thoát nghèo của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS).

Tạo sinh kế

Gia đình ông Y Chơih, dân tộc M’nông, bon Ding Plei, xã Trường Xuân, huyện Đắk Song nhiều năm liền thuộc diện hộ nghèo. Quanh năm bám nương rẫy, trồng đủ các loại cây nhưng cái nghèo vẫn cứ đeo bám. Năm 2023, ông Y Chơih được vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn ưu đãi. Với sự hướng dẫn của cán bộ địa phương, ông quyết tâm thay đổi mô hình sản xuất. Ông Y Chơih ứng dụng khoa học kỹ thuật vào chăm sóc vườn cây giúp cho cà phê, hồ tiêu sinh trưởng tốt, năng suất tăng gấp 3 so với trước đó.

Bên cạnh đó, được địa phương hỗ trợ bò giống, ông Y Chơih đầu tư chuồng trại, trồng các loại cỏ năng suất, dinh dưỡng cao. Đến nay, mô hình chăn nuôi phát triển, bò tăng đàn, mang lại nguồn lực kinh tế cho gia đình ông.

hình ảnh bài thoát nghèo
Ông Y Chơih dân tộc M’nông, bon Ding Plei, xã Trường Xuân, huyện Đắk Song thay đổi nếp nghĩ, cách làm, vươn lên thoát nghèo bền vững với mô hình sinh kế được hỗ trợ

Tương tự, không phụ sự kỳ vọng của mọi người, chị Hà Thị Nguyên, dân tộc Thái, bon Bu Păh, xã Trường Xuân, huyện Đắk Song phát huy hiệu quả mô hình sinh kế. 2 năm trước, chị được 5 đảng viên địa phương hỗ trợ xây dựng mô hình nuôi cá và phân bón trong 2 năm cho cây trồng. Từ nguồn vốn chương trình giảm nghèo, chị cũng được trao 3 con heo giống và vay vốn ưu đãi đầu tư sản xuất.

“Được mọi người hỗ trợ làm mô hình nuôi cá, nuôi heo, rồi chỉ dạy kỹ thuật chăm sóc cà phê, tiêu, gia đình tôi cố gắng làm thật tốt. Bây giờ, gia đình tôi có thu nhập thường xuyên để thoát nghèo. Được Nhà nước hỗ trợ 25 triệu đồng và cùng với tiền tích lũy được, tôi đã xây dựng được căn nhà kiên cố. Gia đình cũng có thêm điều kiện, động lực để lo cho các con ăn học đến nơi đến chốn”, chị Nguyên chia sẻ.

DONG BAO XA TRUONG XUAN QUYET TAM KHONG DE TAI NGHEO.00_04_05_18.Still002
Chị Hà Thị Nguyên, dân tộc Thái, bon Bu Păh, xã Trường Xuân, huyện Đắk Song quyết tâm phát triển mô hình sinh kế, nỗ lực sản xuất, không để tái nghèo

Giảm nghèo hiệu quả

Xã Trường Xuân, huyện Đắk Song có hơn 3.330 hộ, 12.830 khẩu. Trong đó, đồng bào DTTS chiếm hơn 60%. Năm 2021, toàn xã Trường Xuân có hơn 410 hộ nghèo, chiếm hơn 12%, chủ yếu là các hộ đồng bào DTTS.

Để giúp đồng bào DTTS thoát nghèo, địa phương xác định phải thay đổi nhận thức, nếp nghĩ, cách làm của người dân. Địa phương tập trung thực hiện công tác giảm nghèo một cách trọng tâm, trọng điểm. Đi đôi với đó, xã triển khai đồng bộ các chính sách, chương trình, dự án của Trung ương và tỉnh, nhân rộng các mô hình, cách làm hiệu quả.

DONG BAO XA TRUONG XUAN QUYET TAM KHONG DE TAI NGHEO.00_04_38_18.Still003
Cùng với việc được hỗ trợ cây giống để trồng, các hộ nghèo còn được cán bộ xã Trường Xuân hướng dẫn về quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc từ đào hố, trộn phân lấp hố, trồng cây, cho đến phòng trừ sâu bệnh hại.

Chính quyền và các tổ chức chính trị trên địa bàn xã chung tay hỗ trợ, cầm tay chỉ việc, xây dựng, chuyển giao các mô hình trồng trọt, chăn nuôi hiệu quả để đồng bào phát triển sinh kế. Trước khi hỗ trợ, từng hộ nghèo được điều tra, rà soát xác định rõ nguyên nhân nghèo… Từ đó, địa phương lồng ghép các nguồn lực và triển khai cách hỗ trợ hợp lý, hiệu quả nhất. Tỷ lệ hộ nghèo hàng năm đều giảm. Cụ thể, năm 2022, xã còn 236 hộ nghèo, giảm 174 hộ so với năm 2021. Đến cuối năm 2023, xã còn 168 hộ nghèo, giảm 68 hộ so với năm 2022; trong đó có 119 hộ đồng bào DTTS.

Theo ông Nguyễn Nhật Trình, Phó Chủ tịch UBND xã Trường Xuân: "Chúng tôi tiếp tục phối hợp với các ngành, đơn vị triển khai hiệu quả các chương trình, dự án, ưu tiên đầu tư phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào DTTS. Đồng thời, cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các tổ chức đoàn thể giúp các hộ nghèo, nhất là đồng bào DTTS thay đổi nhận thức, vươn lên trong làm kinh tế. Từ đó nâng cao mức sống cả về vật chất và tinh thần”.

N.N