Mời tỷ phú sầu riêng Tiền Giang về dạy, ông nông dân Đắk Lắk thu hàng chục tỷ từ 500 cây "vua"
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 13:48, 06/08/2024
Gần 20 năm trồng sầu riêng, chinh phục loại cây “khó tính”
Là nông dân đầu tiên trồng sầu riêng thành công mang lại hiệu quả kinh tế cao, ông Chu Văn Thông (buôn Lách Dơng, xã Krông Nô, huyện Lắk) hiện tại đang sở hữu hơn 4,5 ha sầu riêng Dona, với sản lượng khoảng 100 tấn/năm. Để có được thành quả này, ông Thông đã phải trải qua không ít khó khăn trên hành trình chinh phục loại cây “khó tính”.
Ông Thông kể lại, năm 2001, ông bắt đầu tìm hiểu và trồng 400 cây sầu riêng trên 4,5 ha đất của gia đình. Thuở ấy, chưa có kỹ thuật chăm sóc, giống cây cũ, chất lượng thấp nên vườn sầu riêng của gia đình ông thường xuyên nhiễm nhiều loại bệnh, chết dần đi. Do đó, mặc dù đã có thu hoạch nhưng năng suất thấp, hiệu quả kinh tế không cao.
Năm 2010, ông quyết định vào tỉnh Tiền Giang để học hỏi kinh nghiệm trồng sầu riêng. Trong hai năm đầu, với ý chí “khó đến đâu, học đến đó”, ông thường xuyên đến các nhà vườn học hỏi, sau đó về tiếp tục chăm sóc sầu riêng của gia đình nhưng kết quả không khả quan. Năm 2013, với nỗ lực kiên trì học hỏi, ông Thông đã mời được "tiền bối" Trần Văn Xuyên – một trong những tỷ phú sầu riêng nổi tiếng tại tỉnh Tiền Giang thuở đó về thăm vườn để hướng dẫn kỹ thuật.
Những tưởng khó khăn sẽ dừng lại nhưng khi đến thăm vườn của gia đình, ông Xuyên lắc đầu bảo sầu riêng không thể "cứu", phải phá đi trồng lại mới có khả quan. Lúc đó, ông Thông rất lo sợ vì đây là việc làm khá mạo hiểm. Khi phá vườn sầu riêng trồng lại từ đầu, đồng nghĩa với việc ông sẽ "trắng tay" và lại gánh thêm một khoản nợ. Sau nhiều đêm trằn trọc suy nghĩ, ông quyết định “đánh liều” vay mượn hơn 50 triệu đồng, phá vườn sầu riêng, mua 500 cây giống Dona và phân bón về trồng lại.
Vì không có chi phí thuê nhân công nên một mình ông Thông tự đào đắp ụ, trồng từng cây giống, mở rộng dần diện tích. May mắn, cùng với sự giúp đỡ nhiệt tình của ông Xuyên thường lên thăm vườn ở các giai đoạn phát triển của cây để hướng dẫn kỹ thuật cắt tỉa, phát hiện nhiều loại bệnh và kịp thời xử lý nên vườn sầu riêng của gia đình ông phát triển tốt. Năm 2019, vườn sầu riêng của gia đình cho thu hoạch với năng suất cao vượt trội so với trước kia.
Ông Thông phấn khởi: “Sau gần 20 năm kiên trì với loại trái cây “vua”, tôi cũng thở phào nhẹ nhõm khi thành công “cắm rễ” sầu riêng trên vùng đất này. Hiện tại, vườn sầu riêng đã thu hoạch được 4 năm, giúp tôi thu hàng chục tỷ đồng. Không chỉ giúp gia đình tôi vươn lên làm giàu, từ mô hình vườn sầu riêng này còn tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương. Hiện tại, mỗi năm tôi sử dụng 6 lao động thường xuyên (mức lương 9 triệu đồng/người/tháng) và 4 người làm thời vụ là bà con dân tộc thiểu số tại địa phương (mức lương 250.000 đồng/người/ngày)”.
Hướng đến vùng chuyên canh sầu riêng
Sau khi thành công giúp sầu riêng “bén rễ”, nhìn thấy cảnh người dân chật vật nhiều năm trồng vẫn không hiệu quả, ông Thông không ngần ngại liên kết sản xuất để hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cho bà con cùng phát triển kinh tế.
Năm 2021, ông đứng ra thành lập tổ hợp tác với 10 thành viên. Chỉ sau một năm được ông hướng dẫn chọn giống và chăm sóc vườn sầu riêng, số lượng người dân ngỏ ý tham gia ngày càng tăng. Vì vậy, năm 2022, ông quyết định thành lập Hợp tác xã (HTX) Thông Phong do ông làm Chủ tịch HĐQT để tập trung nguồn lực mở rộng diện tích sản xuất, phát triển vùng chuyên canh sầu riêng tại địa phương.
Hiện nay, HTX đã thu hút hơn 100 hộ dân liên kết sản xuất, với diện tích trên 120 ha. Sau bốn năm tham gia liên kết sản xuất, diện tích sầu riêng của bà con được ông hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc sinh trưởng, phát triển tốt và đạt tỷ lệ sống trên 99%.
Gia đình anh Đoàn Văn Long (buôn Lách Dơng) là một trong số đó. Anh Long chia sẻ, gia đình anh có 2 ha đất sản xuất, trước kia đã thử trồng sầu riêng nhưng do không biết chọn giống và kỹ thuật chăm sóc nên cây bị còi cọc, chết dần và phải thay thế bằng cây cà phê. Năm 2021, sau khi tham gia liên kết sản xuất, anh mua 250 cây sầu riêng Dona trồng xen canh trong vườn cà phê. Nhờ được học tập kinh nghiệm chăm sóc bài bản từ ông Thông về cắt mô, bón phân, tưới nước giữ ẩm trong mùa khô, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng cách… nên hiện nay sầu riêng của gia đình anh phát triển rất đồng đều, khỏe mạnh, năm sau sẽ có thu bói.
Ông Chu Văn Thông cho biết, đa số diện tích liên kết năm sau sẽ có thu hoạch, thế nhưng hiện tại đầu ra của sầu riêng địa phương rất bấp bênh, chủ yếu dựa vào thương lái thu mua. Bởi vậy, HTX đang hướng đến mục tiêu mở rộng vùng nguyên liệu và xây dựng mã vùng trồng để bảo đảm đầu ra ổn định cho bà con.
Bên cạnh đó, HTX đang triển khai dự án “Thí điểm sản xuất sầu riêng ứng dụng công nghệ thông minh và kết hợp xây dựng mô hình vườn mẫu sầu riêng gắn với du lịch trải nghiệm nông nghiệp” của Hội Nông dân tỉnh.
Dự kiến sau khi hoàn thành, dự án sẽ giúp nâng cao nhận thức của nông dân DTTS về liên kết phát triển kinh tế tập thể; ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất; thí điểm ứng dụng công nghệ thông minh để theo dõi quy trình chăm sóc sầu riêng và bán sản phẩm qua các sàn thương mại điện tử…
Bước đầu thực hiện dự án, HTX đang tiếp tục thu hút thành viên tham gia liên kết sản xuất, áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ trong quá trình canh tác; chăm sóc sầu riêng theo quy trình hữu cơ kết hợp vô cơ để bảo đảm sản phẩm an toàn…