Chính trị

Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng, “Địa chỉ đỏ” trong ngôi nhà di sản Báo chí Cách mạng Việt Nam

Mai Chí Vũ 06/08/2024 10:47

Chúng tôi, những người công tác tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam vinh dự được trực tiếp tiếp cận nhân chứng và lập hồ sơ di tích Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng. Từ khi lập hồ sơ khoanh vùng di tích đến khi khánh thành bia di tích là cả một hành trình dài, đòi hỏi nhiều nỗ lực và tâm huyết.

Từ ý tưởng của nhà báo Phan Hữu Minh
Tôi được về công tác tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam năm 2017. Tôi nhớ ngày đầu gặp nhà báo Phan Hữu Minh, Ủy viên Thường vụ Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam, Trưởng Ban Kiểm tra Hội Nhà báo Việt Nam, anh vỗ vai tôi: “Vũ ạ, phải đặt được bia di tích Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng ở Đại Từ, Thái Nguyên nữa thì mới yên tâm”.

Sự yên tâm ở đây mà anh Minh nhắc đến, theo tôi nghĩ đó là sự yên tâm với lịch sử, với các vị tiền bối, với bề dày của việc đào tạo báo chí nước nhà, lớp học đầu tiên hơn 40 học viên ấy đã tỏa đi khắp các chiến trường, các nẻo đường đất nước đưa tin chiến sự, cổ vũ lòng dân đồng lòng đánh giặc xây dựng quê hương Việt Nam.

Chúng tôi bắt tay vào sưu tầm các hiện vật của các nhà báo đã từng là học viên của Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng, đi phỏng vấn từng nhân vật còn sống.

Tôi còn nhớ, ngày 31/10/2017, tôi và đồng chí Trần Kim Hoa, Giám đốc Bảo tàng Báo chí Việt Nam, cùng Nguyễn Văn Ba, bảo tàng viên đến nhà cụ Trần Kiên, nguyên Phó Tổng Biên tập Báo Nhân Dân. Cuộc gặp tại đây có bà Phạm Thị Mai Cương, bà Lý Thị Trung và bà Dung vợ ông Trần Kiên.

z5695156695975_0cda0ec8abf6e7dea495fb0a41db5041-1-be94b65abfc7d483012b5e6dd9b2fc33.jpg
Lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam và UBND tỉnh Thái Nguyên tại cuộc họp chuẩn bị cho Lễ kỷ niệm 70 năm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng, ngày 26/2/2019

Tại đây, mọi người như trở về thời trai trẻ, từ những câu chuyện về học hành, sinh hoạt của trường dạy làm báo ở chiến khu ấy, những tình cảm lứa đôi, những câu chuyện vui từ những món ăn như cà bung, làm báo tường... như làm chúng tôi sống lại thời kỳ hào hùng ấy.

Bà Mai Cương kể lại, mắt vẫn ánh lên hãnh diện: “Trong lớp học, ba chị em phụ nữ được ngồi bàn đầu, các thầy giáo vào dạy hoặc các đồng chí lãnh đạo đến thăm lớp đều được bắt tay trước, hãnh diện lắm so với cánh đàn ông”.

Bà Lý Thị Trung tâm sự: “Hồi ấy, nhà bếp cho ăn mãi món cà, hết cà nấu canh đến cà bung mắm tôm, nướng hấp đủ các kiểu đến nỗi chán không muốn ăn”. Ông Kiên thì trầm tĩnh: “Khó khăn, gian khổ là vậy nhưng ai cũng hăng hái muốn trang bị cho mình kiến thức làm báo để phục vụ Tổ quốc, phụng sự Nhân nhân”.

Nhiều lần đến thăm nhà báo Phạm Viết Thiệu, ông tâm sự rằng sau khi học xong, đi thực tập phỏng vấn đồng chí Võ Nguyên Giáp, ông mất bình tĩnh run đến mức quên hết câu hỏi, nhờ bác Giáp trấn tĩnh động viên rồi ông cũng hoàn thành nhiệm vụ.

Ông kể, khu tập thể của học viên nam riêng, nữ riêng, nhà lớp lá, bàn ghế làm bằng tre chẻ đôi và xếp theo chiều cao dần về phía sau.
Những tấm ảnh, những bài viết, danh sách những buổi ghi hình về các nhân vật... ngày một dày thêm. Đây là cơ sở để chúng tôi từng bước hoàn thiện hồ sơ, khoanh vùng di tích, trình các ngành chức năng xem xét, công nhận.

Đến quyết tâm của Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam

Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam quyết tâm thực hiện việc lập hồ sơ để ngành chức năng công nhận Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng là di tích quốc gia. Khi có văn bản của Hội Nhà báo Việt Nam giao cho Bảo tàng Báo chí Việt Nam phối hợp với các cơ quan của tỉnh Thái Nguyên hoàn thiện hồ sơ khoanh vùng di tích là bước đầu để tiến tới xin công nhận di tích quốc gia.

Tôi và Nguyễn Văn Ba được đồng chí Trần Kim Hoa, Giám đốc Bảo tàng Báo chí Việt Nam giao nhiệm vụ phối hợp với cán bộ nghiệp vụ của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên bám sát việc lập hồ sơ khoanh vùng di tích.

Thực tế, để làm được việc này chúng tôi đã phải đi lại cơ sở rất nhiều lần. Tôi nhớ, ngày đầu tiên đến xã Tân Thái, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, tôi nhờ anh Thưởng, Giám đốc Đài Truyền thanh Truyền hình thành phố cho xe chở đến xã, vào phòng chờ của Chủ tịch UBND xã, anh Nghị tiếp chúng tôi. Khi nghe chúng tôi trình bày về công việc, anh Nghị, Chủ tịch UBND xã đã báo đồng chí Bí thư Đảng ủy xã và cho cán bộ địa chính đưa chúng tôi ra thực địa.

z5695157244680_81236756897152742e6472b45d94a2f9(2).jpg
z5695157042905_37b259b518781fa278e87b0be1735468(2).jpg
Đại diện Lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam và UBND xã Tân Thái,huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên khảo sát tại địa điểm khoanh vùng di tích, ngày 1/3/2019

Khu vực Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng xưa kia hiện nay phần lớn nằm dưới lòng hồ Núi Cốc, một phần còn lại nằm trên địa phận của xã Tân Thái, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Sau khi đo đạc, xác định tọa độ khoanh vùng di tích, vẽ bản đồ… một việc rất quan trọng để Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di tích Quốc gia.

Có lần khi đoàn công tác của Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam có đồng chí Nguyễn Gia Thụy, Chánh Văn phòng và đồng chí Phan Hữu Minh, Trưởng Ban Kiểm tra đi cùng về xã Tân Thái, chiều đoàn phải về Hà Nội có việc gấp, tôi đã tình nguyện ở lại để xin 8 con dấu trên bản đồ khoanh vùng từ xã đến huyện lên tỉnh. Khi xác định được lô đất, đo đạc, cắm cọc san ủi tất cả đều làm rất rốt ráo, đúng quy trình.

Có lần, một mình bắt tắc xi từ Hà Nội lên Thái Nguyên, từ thành phố đi xe ôm về Tân Thái làm việc, xong việc lại về, về rồi lại lên... đi về rất nhiều lần, có lần được việc, có lần về không. Tuy nhiên chúng tôi không nản, thời gian kỷ niệm 70 năm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng càng đến gần, chúng tôi càng phải chạy nước rút bất kể ngày đêm.

Khi hoàn thiện thủ tục, chỉ chờ một chữ ký trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch của Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên, tôi hồi hộp đứng chờ ở hành lang UBND tỉnh, vừa xong hồ sơ, tôi lại cấp tốc bắt taxi về Hà Nội để cơ quan kịp trình lên Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ra quyết định công nhận di tích cấp quốc gia.

Rồi ngày đó cũng đến. Khi biết thông tin Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ký quyết định công nhận Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng là di tích quốc gia, trong lòng chúng tôi ai cũng dâng trào niềm vui. Công việc lớn và khó hoàn thành được là nhờ tâm huyết, nỗ lực rất cao của Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam, của các cán bộ Bảo tàng Báo chí Việt Nam, sự ra sức của các học viên, gia đình giảng viên và học viên.

Đặc biệt, có sự quyết tâm và hỗ trợ đắc lực của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thái Nguyên, của Nhân dân, chính quyền huyện Đại Từ và xã Tân Thái cùng sự đồng thuận, tạo điều kiện của các bộ, ban, ngành Trung ương.

Những ký ức của học viên như lời kể của các nhà báo Trần Kiên, Mai Cương, Lý Thị Trung..., những bút tích của những giảng viên Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng, những tấm ảnh, bài viết; những thước phim về Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng đang được lưu giữ tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam.

Hướng tới kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2025) và kỷ niệm 75 năm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng (4/4/1949 - 4/4/2024), ngày 18/1/2024, Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Thái Nguyên tổ chức Lễ khởi công tu bổ tôn tạo di tích lịch sử địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng tại xã Tân Thái, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên.

Hiện hữu “địa chỉ đỏ” ngôi trường dạy làm báo đầu tiên…

Lễ khánh thành, bàn giao công trình tu bổ, tôn tạo Di tích quốc gia Địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng sẽ được Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức ngày 9/8/2024, tại xã Tân Thái (huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên). Đây là sự kiện chính trị quan trọng, mở đầu cho chuỗi các hoạt động kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2025).

z5695157632900_f8719c7455da08c8df5a079d3ddb37cc(2).jpg
Hội đồng thẩm định chụp bên phù điêu Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng, bản đất

Sự kiện góp phần đưa di tích quốc gia Địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng trở thành “địa chỉ đỏ”, phát huy đầy đủ giá trị lịch sử của người làm báo cách mạng, thúc đẩy công tác tuyên truyền, quảng bá công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế tại vùng chiến khu xưa.

Lễ khánh thành có sự tham dự của lãnh đạo Đảng, Nhà nước; các ban, bộ, ngành Trung ương và tỉnh Thái Nguyên; thân nhân một số giảng viên, học viên của trường; đại diện lãnh đạo các học viện, trường đại học đào tạo về báo chí; đại diện lãnh đạo các cơ quan quản lý báo chí, lãnh đạo cấp hội nhà báo, các cơ quan báo chí…

Cùng trong khuôn khổ các hoạt động thiết thực hướng tới Kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, Bảo tàng Báo chí Việt Nam phối hợp với Ban Quản lý Di tích lịch sử quốc gia Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng, UBND xã Tân Thái (huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên) và Nhị Vân Media tổ chức chương trình “Truyền thông, trải nghiệm thực tế: Lịch sử và di sản Báo chí Cách mạng Việt Nam”.

Nhà báo Trần Thị Kim Hoa, Phụ trách Bảo tàng Báo chí Việt Nam cho biết, chương trình nhằm thực hiện hiệu quả hoạt động tuyên truyền, giới thiệu rộng rãi đến công chúng trong và ngoài nước về những di sản vô giá của báo chí cách mạng Việt Nam mà các thế hệ người làm báo đã nỗ lực xây dựng và phát triển.

z5695158051118_9d077639dd806c4397f11063e318f384(2).jpg
Để chuẩn bị cho chương trình “Truyền thông, trải nghiệm thực tế: Lịch sử và Di sản Báo chí Cách mạng Việt Nam”, Lễ ký kết hợp tác phối hợp tổ chức vừa diễn ra tại trụ sở xã Tân Thái (huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên)

Chương trình diễn ra trong hai ngày, với nhiều hoạt động ý nghĩa. Khởi đầu với hoạt động tham quan, nghe thuyết minh về lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam, các thành viên của hành trình trải nghiệm sẽ được hòa mình vào không khí hoài niệm của Bảo tàng Báo chí Việt Nam; lắng nghe những câu chuyện từ các hiện vật lịch sử vô giá, qua đó tái hiện bức tranh toàn cảnh lịch sử báo chí Việt Nam đầy sống động và cảm xúc.

Hành trình tiếp tục “về nguồn”, đến với mảnh đất Tân Thái (huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên). Tại điểm dừng chân ý nghĩa là Khu di tích lịch sử quốc gia Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng, các thành viên tham gia trải nghiệm sẽ được sống lại cùng lịch sử những năm đầu kháng chiến.

Nơi này, lớp học dạy làm báo đầu tiên và duy nhất trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp vẫn còn lưu lại nhiều dấu ấn ký ức vô giá. Từ mái lá đơn sơ, đội ngũ nhà báo tiên phong đã tỏa đi khắp muôn nẻo, chiến đấu và tác nghiệp ở những chiến trường ác liệt nhất, cống hiến và hy sinh cho Tổ quốc.

Trong ngày thứ hai, các hoạt động trải nghiệm sẽ diễn ra gồm: tham quan Khu du lịch hồ Núi Cốc trên địa bàn xã Tân Thái (huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên); trải nghiệm văn hoá địa phương.

Thông qua chương trình, Bảo tàng Báo chí Việt Nam mong muốn người làm báo cả nước, đông đảo công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ, các sinh viên, học sinh thêm hiểu hơn về Di tích lịch sử Quốc gia Địa điểm thành lập Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng, góp phần bồi đắp kiến thức khoa học lịch sử và văn hóa...

Rồi đây các kỷ vật sẽ được phổ biến, trưng bày trang trọng nơi mà cách đây 75 năm là địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng. Những bằng chứng sinh động của di tích lịch sử quốc gia này sẽ là những tài liệu giáo dục truyền thống vô giá về lòng yêu nước, về truyền thống vẻ vang của báo chí cách mạng Việt Nam.

Mai Chí Vũ