Chính trị

Dân vận - "Sợi dây" đoàn kết ở huyện biên giới Đắk Mil

Lâm Nhiên 06/08/2024 07:30

Với đặc điểm là huyện biên giới, có người dân theo tôn giáo, đồng bào dân tộc thiểu số, huyện Đắk Mil luôn quan tâm, chú trọng công tác dân vận nhằm bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Chú trọng dân vận chính quyền

Với 60,1 km đường biên giới giáp với huyện Petchanda, tỉnh Mondulkiri (Campuchia), huyện Đắk Mil hiện có trên 104.000 dân, với 19 dân tộc anh em sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 21%. Trên địa bàn huyện có 3 tôn giáo chính gồm: Công giáo, Phật giáo, Tin lành, với trên 71.882 tín đồ, chiếm khoảng 68,2% dân số toàn huyện.

Đồng chí H’Xuân, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Đắk Mil cho biết, từ thực tế trên, cấp ủy, chính quyền địa phương luôn xác định công tác dân vận là nhiệm vụ hàng đầu, có ý nghĩa quan trọng trong việc tuyên truyền, vận động các tầng lớp Nhân dân đồng thuận, đoàn kết, chung sức phát triển kinh tế-xã hội. Công tác lãnh đạo, triển khai thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng về công tác dân vận được huyện thực hiện kịp thời, nghiêm túc và có những đổi mới cơ bản, toàn diện cả về nhận thức và phương thức tiến hành, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

Điển hình, đầu năm 2024, Ban Dân vận Huyện ủy và UBND huyện Đắk Mil đã ban hành kế hoạch phối hợp thực hiện công tác dân vận chính quyền, trong đó xác định cải cách hành chính là nội dung đột phá. Kế hoạch cải cách hành chính năm 2024 gồm 7 nội dung với 51 nhiệm vụ trọng tâm được ban hành và giao cho các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện, có những chuyển biến tích cực, hiệu quả. Từ đầu năm đến nay, toàn huyện đã tiếp nhận 19.667 hồ sơ và xử lý 17.947 hồ sơ, trong đó, xử lý đúng hạn 17.281 hồ sơ, chiếm tỷ lệ 96,14%, trễ hạn 693 hồ sơ, chiếm tỷ lệ 3,86%.

Cấp ủy, chính quyền các cấp luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, phân công người đứng đầu tổ chức tiếp công dân, đối thoại trực tiếp và giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của Nhân dân cũng như các vấn đề phức tạp trên địa bàn.

Việc công khai các chủ trương, chính sách, chương trình, ngân sách của Nhà nước được thực hiện nghiêm túc để đông đảo người dân được biết. Trong 6 tháng đầu năm 2024, UBND huyện Đắk Mil đã thực hiện công khai các nội dung quan trọng như: công bố kế hoạch sử dụng đất năm 2024; số liệu và thuyết minh tình hình thực hiện dự toán ngân sách địa phương; các báo cáo đề xuất cấp giấy phép môi trường dự án liên quan kinh tế - xã hội; thông tin về công tác tuyển dụng…

Tại các cuộc họp, hội nghị, huyện đã lồng ghép tuyên truyền, quán triệt đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động cần thực hiện tốt văn hóa ứng xử trong giao tiếp và xử lý công việc chuyên môn, không uống rượu bia trong giờ hành chính, kể cả giờ nghỉ trưa đối với ngày làm việc. Huyện còn thành lập đoàn để kiểm tra, tăng cường chấn chỉnh văn hóa ứng xử, đạo đức công vụ của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trên địa bàn huyện.

Ngoài ra, huyện chú trọng xây dựng, bồi dưỡng lực lượng nòng cốt, cốt cán, người có uy tín trong đồng bào các dân tộc thiểu số để làm tốt công tác vận động quần chúng ở cơ sở.

Cùng vào cuộc

Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, lực lượng vũ trang huyện Đắk Mil cùng vào cuộc với nhiều cách làm hay, lấy hiệu quả thực tế làm thước đo cho công tác dân vận.

_dsc4137.jpg
Các tổ chức đoàn thể luôn đồng hành trong các hoạt động thiện nguyện, kêu gọi, vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ các hộ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện Đắk Mil.

Cùng với đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các quy định về khu vực biên giới và tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới, lực lượng vũ trang huyện đã tặng bà con các xã Đắk Rla, xã Đắk N’Drót 300 kg thịt heo; 35 suất quà, 246 bộ quần, áo cho bà con nghèo dịp tết; làm tốt công tác hậu phương quân đội với số tiền 182,3 triệu đồng. Các đơn vị quân sự huyện phối hợp, xây dựng các mô hình “Chi bộ tham gia giúp đỡ hộ nghèo”, “Mái tóc cho em”, “Nâng bước em đến trường”… với nguồn kinh phí huy động từ cán bộ, đảng viên, các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm hàng trăm triệu đồng.

Qua công tác dân vận, huyện đã vận động, duy trì được 12 tổ tự quản đường biên mốc giới tại cơ sở, cung cấp nhiều thông tin có giá trị cho lực lượng biên phòng nhằm ngăn chặn và xử phạt các đối tượng xâm nhập khu vực biên giới trái phép.

Mặt trận Tổ quốc các cấp, các đoàn thể đổi mới nội dung, phương thức hoạt động theo hướng gần dân, sát dân, khắc phục tình trạng hành chính hóa trong công tác vận động quần chúng. Các phong trào thi đua yêu nước như: “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Ngày vì người nghèo”, “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, “Bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp”, “Đoàn kết, sáng tạo”... được đẩy mạnh, thu hút đông đảo người dân hưởng ứng, tham gia.

Anh Y Thoa, Bí thư Huyện đoàn Đắk Mil cho biết: Các cấp bộ đoàn đã xác định công tác dân vận không chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền mà phải bằng những việc làm hiệu quả, gắn với thực tiễn đời sống người dân, đoàn viên. Huyện đoàn đã hỗ trợ 50 triệu đồng cho 1 gia đình thanh niên ở xã Thuận An khởi nghiệp bằng nghề chế biến cà phê sạch. Các đoàn thể còn huy động được 200 triệu đồng để xây dựng nhà đại đoàn kết cho hội viên, người dân nghèo.

Theo đồng chí H’Xuân, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Đắk Mil, thông qua công tác dân vận đạt được nhiều kết quả, huyện đã phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh trật tự, xây dựng nông thôn mới. Cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức ngày càng nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò vận động quần chúng trong tình hình mới. Cùng với tăng cường nắm bắt tình hình hoạt động của các cơ sở tôn giáo, công tác dân vận của huyện tiếp tục hướng về cơ sở nhằm đi sâu, nắm chắc vấn đề, giải quyết kịp thời những kiến nghị, đề xuất của Nhân dân, góp phần tăng cường và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Lâm Nhiên