Kinh tế

Đắk Nông thúc đẩy thành lập trung tâm giống cây trồng cấp tỉnh

Trần Thị Thoan 06/08/2024 06:00

Tỉnh Đắk Nông đang hướng tới thành lập trung tâm giống cây trồng cấp tỉnh phục vụ tốt nhu cầu tái cơ cấu ngành Nông nghiệp.

Thời gian qua, công tác quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh giống cây trồng (bao gồm giống cây nông nghiệp, dược liệu, lâm nghiệp) trên địa bàn tỉnh Đắk Nông dần đi vào nền nếp.

Theo đó, số lượng, chất lượng giống cây trồng cơ bản đáp ứng nhu cầu cho sản xuất của người dân, góp phần phát triển nông, lâm nghiệp bền vững.

Tình trạng sản xuất, kinh doanh giống cây trồng không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, vi phạm nhãn mác đã giảm khá nhiều so với trước đây. Các cơ sở kinh doanh giống cây trồng đã chú trọng về chất lượng, nguồn gốc hàng hóa.

dsc_0325.jpg
Nhiều người dân Đắk Nông vẫn lo ngại mua phải cây giống nông nghiệp kém chất lượng

Tuy nhiên, qua đánh giá của UBND tỉnh, công tác quản lý giống cây trồng hiện nay vẫn còn bất cập, chưa đáp ứng đầy đủ, kịp thời yêu cầu tái cơ cấu ngành Nông nghiệp.

Việc kiểm soát chất lượng giống cây trồng ở một số địa phương chưa chặt chẽ. Việc sản xuất giống cây trồng chưa bảo đảm quy trình kỹ thuật, chất lượng giống cây có những nơi chưa phù hợp với tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.

Tình trạng vật liệu nhân giống được khai thác trực tiếp từ các vườn sản xuất đại trà chưa được cấp có thẩm quyền công nhận; việc kinh doanh giống không bảo đảm nguồn gốc xuất xứ vẫn còn xảy ra khá nhiều.

Theo ông Trần Bính, phường Nghĩa Tân, TP. Gia Nghĩa, gia đình ông đã sản xuất cây giống nông, lâm nghiệp từ nhiều năm nay. Mỗi năm gia đình ông cung ứng ra thị trường hàng trăm triệu cây giống các loại.

Cơ sở của ông được cấp phép và đạt các tiêu chuẩn theo quy định. Thế nhưng, thực tế, việc kinh doanh cũng còn gặp khó khăn, bị ảnh hưởng vì thực tế ngoài thị trường cây giống kém chất lượng, không nguồn gốc xuất xứ vẫn còn rất nhiều.

Nhiều cơ sở làm ăn gian dối, tạo nên sự cạnh tranh không lành mạnh, ảnh hưởng đến uy tín của những người sản xuất, kinh doanh cây giống chân chính như ông.

dsc_0090.jpg
Đắk Nông hiện chỉ có khoảng 100/330 cơ sở sản xuất, kinh doanh cây giống được cấp phép

Lãnh đạo Sở NN-PTNT cho biết, đến tháng 6/2024, trên địa bàn tỉnh có 330 cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây trồng. Thế nhưng, chỉ có khoảng 100 cơ sở được cấp phép.

Điều này cũng đồng nghĩa với việc phần lớn giống cây trồng trên thị trường Đắk Nông chưa bảo đảm cả về chất lượng lẫn các mặt pháp lý.

Thực trạng này đang gây ra nhiều nguy cơ cho việc đẩy mạnh cơ cấu ngành Nông nghiệp, ảnh hưởng đến kinh tế của người dân, nhất là đối với cây dài ngày, cây công nghiệp chủ lực.

Tại buổi làm việc giữa lãnh đạo UBND tỉnh với Sở NN-PTNT diễn ra ngày 30/7/2024, vấn đề quản lý giống cây trồng được nhìn nhận là một trong những hạn chế lớn của tỉnh hiện nay.

Tại buổi làm việc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Hồ Văn Mười nhấn mạnh, tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng gắn với biến đổi khí hậu, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn chậm, kết quả chưa cao, chưa tạo được đột phá về năng suất, chất lượng.

Một trong những nguyên nhân mấu chốt là công tác giống cây trồng, vật nuôi còn nhiều hạn chế. Do đó, Sở NN-PTNT phải tăng cường các giải pháp nhằm bảo đảm chất lượng nguồn giống phục vụ tái cơ cấu ngành Nông nghiệp.

Lãnh đạo Sở NN-PTNT và các đơn vị trực thuộc cần nêu cao tinh thần, trách nhiệm, có những hành động nhanh chóng để phối, kết hợp với các viện khoa học, trường chuyên ngành thúc đẩy sớm thành lập trung tâm giống cấp tỉnh.

Lãnh đạo UBND tỉnh sẽ tạo mọi điều kiện, hỗ trợ ngành Nông nghiệp hết sức để cho ra được kết quả cuối cùng là tạo nguồn giống nông, lâm nghiệp chất lượng phục vụ phát triển sản xuất của Nhân dân.

dji_0223(1).jpg
Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Hồ Văn Mười khẳng định, giống tốt là cơ sở để đồng đều về canh tác, chất lượng sản phẩm

Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Văn Mười khẳng định, chỉ khi có được bộ giống chuẩn, phù hợp với đặc điểm, đất đai, khí hậu thì Đắk Nông mới thuận lợi trong việc xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn.

Kế đến, các hoạt động về sau như ứng dụng đồng bộ kỹ thuật canh tác, cho ra sản phẩm đồng đều, kêu gọi doanh nghiệp lớn, đầu tàu liên kết, đầu tư chế biến sẽ thuận lợi hơn.

Trần Thị Thoan