Đắk Nông và gánh nặng thiên tai
Thiên tai ở Đắk Nông ngày càng diễn ra khốc liệt, khó lường, gây thiệt hại lớn về người, tài sản, để lại nhiều gánh nặng cho tỉnh.
Hạn hán gay gắt hơn
Những năm gần đây, thiên tai ngày càng có diễn biến phức tạp, khó lường gây ra nhiều thiệt hại đối với kinh tế, xã hội, đời sống dân sinh. Trong đó, nắng nóng, khô hạn là một trong những biểu hiện gây hậu quả, ảnh hưởng lớn.
Những năm qua, Đắk Nông liên tục đối mặt với các đợt khô hạn với các mức độ khác nhau gây ra nhiều hậu quả nhất là đối với trồng trọt. Trong đó, ví dụ như các năm 2014, 2015 và cao điểm là mùa khô năm 2016 và năm 2024.
Theo Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Đắk Nông, xu hướng mùa khô diễn ra ngày càng khốc liệt trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, mùa mưa những năm gần đây thường kết thúc sớm hơn so với trung bình nhiều năm từ 10-15 ngày. Tổng lượng mưa đo được từ khoảng 1.400 - 2.900 mm.
Đặc biệt, khu vực thường bị khô hạn là phía Bắc tỉnh như Krông Nô, Cư Jút, Đắk Mil lượng mưa chỉ đạt từ 72-89% so với trung bình nhiều năm.
Lượng mưa ít, nền nhiệt độ trong các tháng cũng cao hơn trung bình nhiều năm từ 0,3 - 2 độ C. Mưa ít, nền nhiệt độ cao, dẫn đến mùa khô trở nên gay gắt hơn.
Thống kê của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh Đắk Nông, năm 2024, hạn hán đã gây ra nhiều hậu quả đối với trồng trọt và sinh hoạt của người dân các địa phương. Trong đó, hậu quả lớn đối với các huyện khô hạn như Krông Nô, Đắk Mil, Cư Jút.
Thống kê chưa đầy đủ, toàn tỉnh đã có trên 12.200ha cây trồng gồm cả cây dài ngày, ngắn ngày, trong đó một số cây chủ lực như cà phê, hồ tiêu bị ảnh hưởng, giảm năng suất, mất trắng do hạn hán đầu năm 2024.
Mưa lũ, giông lốc khó lường
Mưa lũ, giông lốc là hai loại hình thiên tai thường đi kèm với nhau. Đây cũng là loại hình thiên tai đã gây hậu quả lớn tại Đắk Nông những năm qua.
Phân tích của cơ quan chuyên môn, hàng năm, tỉnh Đắk Nông không chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão mà chủ yếu bị ảnh hưởng gián tiếp của bão và áp thấp nhiệt đới gây mưa vừa, mưa to.
Theo đó, từ khoảng tháng 6 hàng năm, mực nước và lưu lượng nước trên các sông, suối dao động theo xu thế tăng dần dẫn đến có khả năng xuất hiện lũ vừa và nhỏ.
Lũ tập trung vào các tháng 7-9 hàng năm. Các tháng này, Đài Khí tượng thủy văn Đắk Nông thường xuyên phát đi các bản tin cảnh báo khả năng xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở những nơi có địa hình dốc, địa chất yếu, ngập úng ở vùng trũng thấp ven các sông suối.
Điển hình như đợt mưa lũ cuối tháng 7 đầu tháng 8/2023 đã gây ra nhiều thiệt hại cho tỉnh. Đây là trận lũ có mức độ, quy mô lịch sử qua 20 năm tái lập tỉnh.
Thống kê riêng đợt mưa lũ hồi tháng 8/2023 đã làm ngập 159 căn nhà, nhiều tài sản của người dân TP. Gia Nghĩa và một số địa bàn khác bị ngập.
Toàn tỉnh có khoảng 359 cây trồng các loại gồm cả cây công nghiệp, rau màu bị thiệt hại; 150ha ao nuôi cá của người dân bị ngập, tràn bờ…
TP. Gia Nghĩa là một trong những địa bàn ghi nhận xảy ra ngập lụt lớn nhất tỉnh, nhất là ở 2 phường Nghĩa Trung và Nghĩa Tân. Nhiều người dân cho rằng, đợt lũ đầu tháng 8 năm ngoái là một đợt lũ lớn, ngoài sức tưởng tượng của bà con.
Ông Nguyễn Viết Thơ, tổ dân phố 2, Phường Nghĩa Trung, TP. Gia Nghĩa đã sống tại Đắk Nông gần 30 năm nay. Ông cho rằng, trận ngập tháng 8/2023 là cao nhất từ trước đến nay.
Mực nước dâng gấp đôi mọi năm nên ông và gia đình chỉ kịp sơ tán bảo đảm tính mạng, nhiều tài sản, lương thực bị ngập nước, hư hỏng.
Ông Thơ khẳng định: “Các đợt ngập lụt trước, nước chỉ đến sau vườn, có khi vào nhà nhưng tầm ngang đầu gối. Lần này nước lên quá đầu. Tôi nghĩ tới vẫn cảm thấy rất khủng khiếp với thiên tai”.
Hiểm họa sạt lở đất
Sạt lở đất là loại hình thiên tai ngày càng phổ biến trên địa bàn tỉnh Đắk Nông. Nếu như trước đây sạt lở đất chỉ diễn ra cục bộ, nhỏ lẻ thì nay mức độ, quy mô ngày càng lớn, nghiêm trọng.
2023 là năm điển hình của sạt lở đất. Loại hình thiên tai diễn ra nhiều ở các địa bàn, đe dọa trực tiếp đến tính mạng, đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân.
Cụ thể như, sạt lở tại khu vực vai phải đập công trình hồ chứa nước Đắk N'Ting, huyện Đắk Glong; sạt lở, sụt lún đất tại Km1900+350 đường Hồ Chí Minh, đoạn qua phường Nghĩa Thành, TP. Gia Nghĩa; tại khu vực bon Bu Krắc và bon Bu P'răng 1A, xã Quảng Trực; tại Km25+100 đến Km25+950, tỉnh lộ 1, xã Quảng Tâm; sạt lở đất gần phạm vi công trình thuộc gói thầu số 16 Dự án đường Đạo Nghĩa - Quảng Khê, thuộc thôn 17, xã Nhân Cơ, huyện Đắk R'lấp...
Ông Lê Trọng Yên, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh thông tin: Năm 2023 là năm đầu tiên tỉnh phải công bố các tình huống khẩn cấp về thiên tai tại 3 địa điểm là khu vực hồ chứa nước Đắk N'Ting, quốc lộ 14 đoạn qua TP. Gia Nghĩa và bon Bu P'răng 1A, xã Quảng Trực.
Để lại hậu quả lớn
Thống kê của Ban Chỉ huy PCT&TKCN tỉnh cho thấy, năm 2023, ngoài nắng hạn, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 12 đợt mưa lớn kèm dông lốc mạnh, sấm sét. Như vậy, tính trung bình mỗi tháng tỉnh hứng chịu một đợt thiên tai.
Năm qua, thiên tai đã làm 2 người thiệt mạng; có 378 căn nhà, vật kiến trúc bị sập, tốc mái, ngập lụt. Trong đó có 138 nhà phải di dời do ngập lụt, sạt lở đất.
Lũ lụt làm 1.073ha cây trồng các loại bị ngập úng, 1.014 con gia súc, gia cầm bị chết và nhiều công trình hạ tầng bị sạt lở, hư hỏng. Thiệt hại do thiên tai gây ra trong năm 2023 trên địa bàn tỉnh khoảng 1.050 tỷ đồng.
6 tháng đầu năm 2024, qua báo cáo sơ bộ của các địa phương, Đắk Nông đã có khoảng 12.239ha cây trồng các loại bị ảnh hưởng bởi hạn hán, thiếu nước; 600 hộ dân tại các huyện Krông Nô, Đắk Mil, Cư Jút, Tuy Đức... chịu thiệt hại về thiên tai.
Tỉnh hứng chịu 4 đợt mưa lớn kèm theo gió lốc. Nhiều địa phương thiệt hại lớn về nhà cửa, cây trồng lâu năm do mưa lớn, lốc như Tuy Đức, Đắk Glong, Cư Jút, Đắk Mil, Gia Nghĩa.
Tổng giá trị thiệt hại do khô hạn, giông lốc gây ra 6 tháng đầu năm khoảng 331,8 tỷ đồng. Những tháng cuối năm 2024, cơ quan khí tượng thủy văn dự báo thiên tai có nhiều diễn biến khó lường.
Điều này đang đặt ra nhiều thách thức cho tỉnh trong việc đưa ra các chính sách, biện pháp để ứng phó kịp thời nhằm bảo vệ người dân cũng như tránh thiệt hại tài sản, hạ tầng cơ sở.