Pháp luật

Đắk Nông bảo vệ hành lang thoát lũ để chống lũ

Lê Phước 02/08/2024 08:48

Đắk Nông cần tập trung rà soát, khơi thông hành lang thoát lũ tại các sông, suối để đề phòng lũ, lụt hàng năm.

Khi dòng nước hung dữ hơn

Tháng 7/2023, thời tiết Đắk Nông có mưa lớn diện rộng. Trời mưa kéo dài nhiều ngày khiến cho mực nước các sông, suối, hồ, đập trên địa bàn dâng cao. Nhiều địa phương xảy ra ngập lụt cục bộ.

Tại trung tâm TP. Gia Nghĩa, hàng chục căn nhà của người dân bị nước dâng ngập sâu. Một số ao hồ ở các khu vực thấp, trũng đều chìm trong biển nước. Cảnh tượng ngập lụt được nhiều người dân địa phương đánh giá là chưa từng có trong tiền lệ.

a DJI_0590
Suối Đắk Nông đoạn chảy qua giữa phường Nghĩa Trung và Nghĩa Tân, TP. Gia Nghĩa bị ngập cục bộ vào cuối tháng 7/2023

Mực nước trên dòng suối Đắk Nông nhanh chóng dâng cao. Ở phía thượng nguồn, hồ thượng, hồ trung tâm và hồ hạ Gia Nghĩa mênh mông trong biển nước. Nước lớn làm ngập hàng chục nhà dân ở các phường Quảng Thành, Nghĩa Trung và Nghĩa Tân, TP. Gia Nghĩa.

Ở phía hạ nguồn suối Đắk Nông, dòng nước hung dữ hơn. Nước lớn đã làm xói lở móng, xô đổ trạm biến áp của Nhà máy thủy điện Đắk Nông 2. Dòng nước cũng làm xói lở khoảng 200m2 khuôn viên của Nhà máy thủy điện Đắk R’tíh bậc trên.

Cách đó không xa, nước lớn đã làm sạt lở nhiều phần đất ở bìa suối Đắk R'tíh. Đáng lưu ý nhất là vụ sạt lở dọc tuyến đường tránh đô thị Gia Nghĩa, đoạn qua phường Nghĩa Tân.

78e18b5c-5bcc-483a-b0e7-ce8609a9da54.jpeg
Một khu đất và nhà cửa người dân ở phường Nghĩa Tân, TP. Gia Nghĩa bị sạt xuống suối Đắk R'tíh vào tháng 8/2023

Một khu đất rộng chừng 3.000 - 4.000m2 ở ven suối đã bị sạt xuống dòng nước. Hai căn nhà gần khu đất bị sạt một phần xuống suối. Mặt đường khu vực sạt lở đất cũng xuất hiện các vết nứt kéo dài.

Hành lang thoát lũ có bị cản trở?

Những năm qua, do nhu cầu phát triển đô thị, người dân một số khu vực bìa sông, bìa suối của Đắk Nông đã tận dụng đất ven bờ để canh tác, xây dựng nhà cửa. Việc san lấp tạo mặt bằng của người dân đã khiến cho nhiều dòng suối trở nên nhỏ hẹp hơn.

57a3f752-e2be-4320-b72b-333262340bc2.jpeg
Một nhánh suối Đắk R'tíh dưới chân cầu đường tránh đô thị Gia Nghĩa bị "bóp nghẹt" bởi việc san lấp mặt bằng

Cách đây ít năm, ở Đắk Nông xảy ra tình trạng sốt đất. Nhiều người đã tiến hành cải tạo các khu đất ven ao, hồ, sông, suối… để tạo view.

Trên nhiều dòng suối như: Đắk Nông, Đắk R’tíh, Đắk Wer, Đắk Búk So… xuất hiện tình trạng lấn suối, xây dựng các công trình trái phép. Nhiều đoạn suối bị lấn, bị kè đá và trở nên nhỏ hẹp hơn. Điều này đã tác động rất lớn đến việc thoát lũ khi xảy ra mưa lớn.

Trong khi đó, việc phát hiện, xử lý các vụ việc san lấp mặt bằng, lấn suối, xây dựng công trình trái phép gần hành lang thoát lũ… của chính quyền địa phương còn rất hạn chế.

Phần lớn các vụ việc được phát hiện khi “sự đã rồi”. Các cơ quan chức năng có xử lý hành chính nhưng không theo dõi việc khắc phục đến kết quả cuối cùng.

Hậu quả là các công trình vi phạm cạnh các dòng sông, suối vẫn ngang nhiên tồn tại. Tại Đắk Nông xuất hiện tình trạng... cố đấm ăn xôi. Nhiều đối tượng sẵn sàng vi phạm, chấp nhận nộp phạt để công trình của mình được tồn tại.

a DJI_0064
Một đoạn suối Đắk Nông qua phường Nghĩa Tân và Nghĩa Trung, TP. Gia Nghĩa bị kè cứng 2 bên và xây dựng cầu bắc qua

Ở huyện Đắk Song, một nông dân còn thuê máy móc tự ý đắp hồ chứa quy mô lớn dọc khu vực thấp trũng nhằm phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Trong mùa mưa lũ năm 2023, dòng nước đổ về lớn khiến hồ chứa này bị vỡ. Dòng nước lớn đã gây ngập lụt, làm thiệt hại tài sản của nhiều hộ dân.

Rà soát để khơi thông

Theo Phó Chủ tịch UBND TP. Gia Nghĩa Thạch Cảnh Tịnh, nhiều người dân trên địa bàn còn chủ quan khi canh tác dọc các suối. Đây là những khu vực có nguy cơ ngập lụt, sạt trượt.

Sau đợt mưa lũ năm 2023 vừa qua, TP. Gia Nghĩa đã tuyên truyền, khuyến cáo người dân không nên sản xuất, xây dựng các công trình ven suối. Thành phố cũng giao các xã, phường tiến hành rà soát hành lang thoát lũ các sông, suối trên địa bàn.

Suối Đắk R
Việc rà soát, quản lý tốt hành lang sẽ giúp cho việc thoát lũ tốt hơn khi xảy ra các sự cố về thiên tai

Ông Ngô Đức Trọng, Chủ tịch UBND huyện Đắk Song khẳng định, việc lấn chiếm, xây dựng các công trình dọc các sông, suối, khu vực thấp trũng… đã tác động tiêu cực tới hành lang thoát lũ. Trong điều kiện rừng bị phá và mưa lớn xảy ra diện rộng, dòng nước đổ về nhanh hơn.

“Tại một số khu vực bị tác động, nước về không thoát được đã gây ra ngập lụt cục bộ. Qua đợt mưa lũ năm 2023, huyện đã rà soát và xác định có nhiều khu vực tác động đến hành lang thoát lũ. Chúng tôi đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan sớm khoanh định khu vực hành lang thoát lũ tại các sông, suối…”, ông Trọng cho hay.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Nông Lê Văn Chiến cũng lo lắng về vấn đề hành lang thoát lũ các sông, suối trên địa bàn. Sau nhiều năm, các sông, suối không được dọn dẹp, nạo vét nên bị bồi lắng. Trong khi đó, nhiều người dân kè suối, xây dựng các công trình bên cạnh khiến dòng suối như bị nhỏ lại.

“Nhiều người còn đắp đập, chặn ngang dòng, xây dựng công trình nghỉ dưỡng ra cả lòng suối. Nước ở dưới không thoát được thì bị ứ lại, dồn lên phía trên thôi. Nếu không quản lý tốt hành lang các sông, suối thì khi xảy ra mưa lớn, việc thoát lũ sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều”, ông Chiến cho hay.

a IMG_6302
Suối Đắk Nông đoạn chảy qua Nhà máy thủy điện Đắk Nông 2 và Nhà máy thủy điện Đắk R'tíh bậc trên được nạo vét và tạo bờ kè nhằm hạn chế sạt lở

Trong kế hoạch phòng chống thiên tai năm 2024, nội dung quản lý hành lang sông, suối đã được tỉnh Đắk Nông đặc biệt lưu ý. UBND tỉnh Đắk Nông giao Sở TN-MT tăng cường kiểm tra hoạt động khai thác tài nguyên trên các sông, suối để có biện pháp chấn chỉnh, xử lý kiên quyết các trường hợp gây sạt lở bờ sông, cản trở dòng chảy.

UBND tỉnh Đắk Nông giao các huyện, thành phố quản lý chặt chẽ việc sử dụng đất ven sông, suối. Chính quyền địa phương xử lý nghiêm tình trạng lấn chiếm, sử dụng trái phép làm suy giảm khả năng thoát lũ và ảnh hưởng đến an toàn công trình phòng, chống thiên tai.

Lê Phước