Đắk Lắk: Hàng trăm công trình hồ, đập tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa lũ

Tin Tây Nguyên - Ngày đăng : 15:24, 01/08/2024

Cơ quan chức năng tỉnh Đắk Lắk vừa tổ chức kiểm tra, đánh giá các công trình hồ, đập thủy lợi trên địa bàn tỉnh. Theo đó, hiện nay, toàn tỉnh có 115 công trình xuống cấp, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, nhất là trong mùa mưa, lũ.
Một hồ đập thủy lợi trên địa bàn huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk hư hỏng, xuống cấp
Một hồ đập thủy lợi trên địa bàn huyện Krông Ana đã bị hư hỏng, xuống cấp

Toàn tỉnh Đắk Lắk hiện có 622 hồ chứa, đập thủy lợi. Tính đến tháng 6/2024, cơ quan chuyên môn đã kiểm tra, đánh giá 532 hồ chứa, đập thủy lợi. Theo đó, có 115 công trình hồ chứa có nguy cơ mất an toàn, trong đó 108 công trình tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn và 7 công trình có nguy cơ mất an toàn gồm: Hồ Xâm Lăng, huyện Krông Ana; hồ Phân Trại 1, huyện M’Đrắk; hồ Phù Mỹ, huyện Ea H’leo; hồ Ea Bir, huyện Krông Năng; hồ Ea Ksuy, huyện Krông Năng; hồ Trại Bò, huyện Ea Kar; hồ Ông Và, xã Ea Tu, TP Buôn Ma Thuột).

Kết quả kiểm tra các hạng mục công trình, có 29 đập bị thấm, biến dạng mái đập, nứt thân đập; 58 công trình hỏng thân tràn sả lũ hồ, 38 bể tiêu năng; nhiều cống lấy nước hư hỏng…

Đơn cử như hồ Phù Mỹ ở xã Cư Mốt, huyện Ea H’leo được xây dựng năm 1997, dung tích thiết kế 174 nghìn mét khối, đảm bảo nước tưới cho 100ha cà phê và một số cây trồng khác trên địa bàn xã. Cuối năm 2014, công trình được bàn giao cho Công ty TNHH MTV quản lý công trình thủy lợi Đắk Lắk quản lý, khai thác. Trong quá trình vận hành, khai thác nhiều hạng mục công trình hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng nhiều năm tại các hạng mục như tràn hư hỏng, thân đập bị thấm nước. Tuy nhiên, do có nhiều vướng mắc nên cơ quan chức năng chưa thể tiến hành sửa chữa, nâng cấp.

Theo ông Mai Trọng Dũng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk: Để đảm bảo an toàn hồ, đập mùa mưa lũ, Sở đã có văn bản đã có đề xuất, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền. Trong đó, Sở đã kiến nghị các cơ quan cấp tỉnh, cấp bộ liên quan tiếp tục quan tâm bố trí kinh phí sửa chữa, nâng cấp các công trình hồ chứa thủy lợi hư hỏng, xuống cấp, mất an toàn và có nguy cơ mất an toàn.

Đồng thời, kiến nghị UBND tỉnh Đắk Lắk bố trí ngân sách hỗ trợ các tổ chức khai thác công trình thủy lợi, kiểm định an toàn đập; lắp đặt thiết bị quan trắc khí tượng thủy văn chuyên dùng; lắp đặt thiết bị và quan trắc công trình đập, hồ chứa nước; lập quy trình bảo trì; cắm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ công trình…

Toàn tỉnh Đắk Lắk hiện có 115 hồ, đập thủy lợi xuống cấp, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn (ảnh: Tuấn Anh)
Toàn tỉnh Đắk Lắk hiện có 115 hồ, đập thủy lợi xuống cấp, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn (ảnh: Tuấn Anh)

Đối với các công trình đập, hồ chứa đã phân cấp, Sở đề nghị UBND cấp huyện, Công ty TNHH MTV Quản lý công trình thủy lợi Đắk Lắk, khẩn trương triển khai các dự án sửa chữa, nâng cấp, cải tạo công trình đã được bố trí vốn theo kế hoạch. Đồng thời, tiếp tục rà soát, xác định các công trình hư hỏng nặng, chủ động ưu tiên trong việc tu bổ, sửa chữa đảm bảo an toàn cho công trình trong mùa mưa, lũ năm 2024.

UBND cấp huyện, Công ty TNHH MTV Quản lý công trình thủy lợi Đắk Lắk chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, tổ chức thủy lợi cơ sở cử người trực tại công trình 24/24 giờ khi có mưa, lũ lớn xảy ra; thông báo cho Nhân dân vùng hạ lưu công trình biết, để có biện pháp chủ động di dời kịp thời khi công trình xảy ra sự cố; thường xuyên theo dõi tình hình diễn biến thời tiết, chủ động vận hành bảo đảm an toàn của công trình; báo cáo Sở NN&PTNT, UBND tỉnh để kịp thời chỉ đạo khi có nguy cơ xảy ra mất an toàn.

Đặc biệt, hiện nay trong số 622 hồ, đập trên địa bàn có 522 hồ, đập do tỉnh quản lý; 100 hồ, đập là các đơn vị đóng chân trên địa bàn quản lý, khai thác như: Công ty TNHH MTV cà phê trực thuộc Tổng công ty Cà phê Việt Nam và một số cơ quan, đơn vị khác.

Sở NN&PTNT cũng đề nghị UBND tỉnh Đắk Lắk tiếp tục kiến nghị với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đôn đốc Tổng Công ty Cà phê Việt Nam và các đơn vị liên quan rà soát các đập, hồ chứa thủy lợi bàn giao về địa phương để thuận lợi trong công tác quản lý.

PV