Trật tự

Đắk Nông siết chặt quản lý thương mại điện tử

H'Lai 30/12/2024 09:08

Lực lượng chức năng tỉnh Đắk Nông đang siết chặt quản lý các hoạt động thương mại điện tử, góp phần bảo đảm lành mạnh trong kinh doanh trên môi trường mạng.

Nhiều vi phạm

Qua công tác quản lý địa bàn, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) Đắk Nông kiểm tra đối với 5 hộ livestream bán hàng trực tuyến trên facebook tại địa bàn TP. Gia Nghĩa, Đắk Glong.

QLTT phát hiện 3 trường hợp có hành vi vi phạm kinh doanh hàng hóa không có dấu hợp quy theo quy định (hàng hóa là ấm đun nước siêu tốc sản xuất trong nước); 1 hộ có hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ (hàng hóa là thực phẩm mít sấy, chuối sấy, bắp sấy).

Lực lượng QLTT tiến hành xử phạt các trường hợp vi phạm với tổng số tiền hơn 6,7 triệu đồng; buộc tiêu hủy tang vật 30 đơn vị sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Ngoài ra, lực lượng QLTT Đắk Nông phát hiện 1 doanh nghiệp trên địa bàn TP. Gia Nghĩa sử dụng website thương mại điện tử bán hàng, nhưng không thông báo với cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền theo quy định. Lực lượng QLTT xử phạt doanh nghiệp này 30 triệu đồng.

banh-dak-song-1-.jpg
Lực lượng quản lý thị trường Đắk Nông kiểm tra một kho hàng của người kinh doanh bằng nền tảng mạng xã hội facebook

Vừa qua, Đội QLTT số 4, Cục QLTT Đắk Nông, phát hiện 7 hộ kinh doanh mỹ phẩm dưới hình thức thương mại điện tử qua nền tảng zalo, facebook,…. Các hộ này bán các sản phẩm mỹ phẩm không có hóa đơn chứng từ kèm theo; không rõ nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa; không kê khai thu nhập, đóng thuế theo quy định.

Với các vi phạm đó, Đội QLTT số 4 xử phạt vi phạm hành chính 7 hộ kinh doanh với tổng số tiền 64 triệu đồng. Lực lượng QLTT buộc các trường hợp vi phạm tiêu hủy 907 đơn vị mỹ phẩm các loại không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Trước đó, lực lượng QLTT Đắk Nông phát hiện, xử lý 2 cơ sở kinh doanh mỹ phẩm nhập lậu bằng hình thức livestream trên facebook. 2 cơ sở vi phạm thuộc địa bàn xã Quảng Tín và thị trấn Kiến Đức, huyện Đắk R'lấp.

Tại thời điểm kiểm tra, chủ cơ sở không cung cấp được hóa đơn, chứng từ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa. Lực lượng QLTT đã kiểm đếm được 317 đơn vị sản phẩm mỹ phẩm nhập lậu bao gồm: sữa tắm, kem ủ, son, dầu gội, sữa rửa mặt… Tổng trị giá số hàng hóa vi phạm là hơn 23,2 triệu đồng.

Lực lượng QLTT đã lập biên bản và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, nộp ngân sách Nhà nước 19 triệu đồng và buộc tiêu hủy toàn bộ số mỹ phẩm nhập lậu.

18.Ktra máy tính
Mua bán hàng hóa trên không gian mạng ngày càng phổ biến ở Đắk Nông

Theo Cục QLTT Đắk Nông, kinh doanh trên các nền tảng số hiện rất phổ biến. Thương mại điện tử đã góp phần rất lớn vào thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.

Tuy nhiên, đi kèm với đó là một số mặt tiêu cực, phổ biến nhất là vi phạm quy định về kinh doanh thương mại. Năm 2023, lực lượng chức năng tỉnh Đắk Nông phát hiện hàng trăm vụ vi phạm về kinh doanh trên nền tảng điện tử. Trong đó, lực lượng QLTT đã phát hiện, tiêu hủy 907 sản phẩm các loại vi phạm về thương mại điện tử, với tổng giá trị hơn 74 triệu đồng.

Năm 2024, lực lượng QLTT Đắk Nông kiểm tra gần 30 trường hợp kinh doanh trên môi trường điện tử và phát hiện tất cả đều có các hành vi vi phạm. Lực lượng QLTT tiến hành xử phạt các trường hợp này tổng cộng hàng trăm triệu đồng.

Các hành vi vi phạm chủ yếu được phát hiện như: kinh doanh hàng hóa nhập lậu; không đăng ký thành lập hộ kinh doanh trong những trường hợp phải đăng ký theo quy định; kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ; không thực hiện nghĩa vụ thuế...

Đâu là nguyên nhân?

Vi phạm thương mại điện tử ở Đắk Nông có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau. Theo Ban Chỉ đạo phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tỉnh Đắk Nông (Ban Chỉ đạo 389), trước hết là do thiếu kiến thức và hiểu biết pháp luật.

Nhiều người kinh doanh, buôn bán trên không gian mạng không hiểu rõ các quy định pháp luật liên quan đến thương mại điện tử, dẫn đến vi phạm mà không hay biết.

a741(1).jpg
Kiểm tra, giám sát thường xuyên, chặt chẽ tại các cơ sở kinh doanh là khâu quan trọng để phòng, chống vi phạm thương mại điện tử ở Đắk Nông

Công tác quản lý và giám sát hoạt động thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh chưa chặt chẽ, gây khó khăn trong việc phát hiện, xử lý các vi phạm, nhất là vi phạm về gian lận thương mại.

Hạ tầng công nghệ thông tin của tỉnh hiện còn hạn chế, kèm theo đó là vấn đề bảo mật không được bảo đảm, tạo điều kiện cho các hành vi gian lận, lừa đảo diễn ra.

Thị trường thương mại điện tử phát triển nhanh chóng, vượt quá khả năng kiểm soát của các cơ quan chức năng của tỉnh, dẫn đến việc quản lý trở nên khó khăn.

Nhiều cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp chưa có ý thức tuân thủ pháp luật về kinh doanh thương mại điện tử. Thậm chí, nhiều trường hợp còn cố tình vi phạm để tìm kiếm lợi nhuận bất chính.

Các hành vi như bán hàng giả, hàng nhái hoặc các chiêu trò cạnh tranh không lành mạnh cũng góp phần làm tăng số lượng vi phạm trên nền tảng thương mại điện tử.

Trong khi người tiêu dùng và doanh nghiệp chưa được cung cấp đủ thông tin, hỗ trợ về thương mại điện tử, dẫn đến có những hiểu lầm và vi phạm không đáng có.

Cũng theo Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Đắk Nông, việc giảm thiểu các vi phạm về thương mại điện tử đòi hỏi sự nỗ lực đồng bộ từ phía các cơ quan quản lý, doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Trước hết, phải tiếp tục tăng cường giáo dục, nâng cao nhận thức cho người dân, doanh nghiệp. Đắk Nông cần tổ chức các chương trình đào tạo, hội thảo để nâng cao nhận thức của doanh nghiệp, người tiêu dùng về các quy định pháp luật liên quan đến thương mại điện tử.

Ngành chức năng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động thương mại điện tử; ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý, giám sát các giao dịch điện tử; phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm.

Tỉnh tiếp tục đầu tư vào hạ tầng công nghệ thông tin, bảo đảm an toàn và bảo mật cho các giao dịch điện tử. Trong đó, cần khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng các công cụ bảo mật, mã hóa dữ liệu để bảo vệ thông tin khách hàng và giao dịch.

Đắk Nông thiết lập cơ chế hợp tác chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý Nhà nước và các doanh nghiệp trong việc phòng, chống và xử lý vi phạm thương mại điện tử.

Bên cạnh đó, tỉnh xây dựng và áp dụng các chế tài nghiêm khắc đối với các hành vi vi phạm thương mại điện tử, nhằm răn đe và ngăn chặn các hành vi vi phạm tái diễn. Các trường hợp vi phạm cần được công khai để tạo áp lực xã hội và nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật cho người dân.

Việc thiết lập các kênh thông tin, tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng trong quá trình giao dịch điện tử cũng rất cần thiết. Bên cạnh đó, cần tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển và cạnh tranh lành mạnh trên thị trường thương mại điện tử.

a0ebbf(1).jpg
Đắk Nông cần nhiều giải pháp để chống vi phạm thương mại điện tử hiệu quả

Tại Hội nghị đánh giá công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả diễn ra hồi tháng 1/2024, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Nông Lê Văn Chiến nhấn mạnh, vi phạm thương mại nói chung, thương mại điện tử nói riêng ngày càng phức tạp.

Các vi phạm này để lại nhiều hệ lụy trong phát triển kinh tế-xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường kinh doanh, quyền lợi của người sản xuất, người tiêu dùng.

Do đó, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý, doanh nghiệp và cộng đồng để xây dựng một môi trường thương mại điện tử minh bạch, an toàn và bền vững.

H'Lai