Hỗ trợ trang thiết bị nông nghiệp cho 8 hợp tác xã liên kết với hộ nông dân ở Tây Nguyên

Tin Tây Nguyên - Ngày đăng : 18:54, 31/07/2024

Ngày 31/7, tại huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum, Trung tâm Khuyến nông quốc gia, Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương và Quỹ Thiện Tâm đã trao hỗ trợ trang thiết bị nông nghiệp trị giá 8 tỷ đồng cho 8 hợp tác xã liên kết với hộ nông dân để phát triển kinh tế và thoát nghèo bền vững.
Trao trang thiết bị nông nghiệp hỗ trợ cho 8 hợp tác xã.
Trao trang thiết bị nông nghiệp hỗ trợ cho 8 hợp tác xã.

Các trang thiết bị được bàn giao hỗ trợ cho 8 hợp tác xã tại Kon Tum, Đắk Lắk và Đắk Nông bao gồm: trang thiết bị máy hiện đại như: xe tải, hệ thống kho lạnh, thiết bị bay không người lái, các thiết bị chế biến hạt cà-phê, máy sấy, máy tách màu, cây trồng giá trị cao như: sâm giống, mắc-ca…

Kon Tum có 2 hợp tác xã được hỗ trợ là Hợp tác xã Dược liệu-du lịch Ngọc Linh H80 và Hợp tác xã Nông nghiệp dịch vụ Minh Quân

Quỹ Thiện Tâm là quỹ từ thiện do Tập đoàn Vingroup sáng lập và tài trợ. Thay vì cách làm truyền thống là hỗ trợ tới từng hộ dân, Quỹ đã chuyển hướng hỗ trợ trực tiếp cho hợp tác xã. Hợp tác xã với tư cách là một tổ chức pháp nhân đại diện quyền lợi của các xã viên, bà con nông dân sẽ được tiếp nhận nguồn vốn hỗ trợ ưu đãi không lãi suất của Quỹ với giá trị 1 tỷ đồng với cam kết sẽ tạo thêm nhiều công ăn việc làm ổn định cho các hộ nghèo/cận nghèo/khó khăn tại địa phương với mức thu nhập tối thiểu từ trên 1 triệu đồng/hộ/tháng.

Cách làm này sẽ đem lại hiệu quả về kinh tế trong thời gian ngắn nhất, giúp các hộ nghèo có nguồn thu nhập ổn định ngay từ thời điểm đầu tham gia dự án.

Thông qua việc tham gia vào dự án, các hộ nghèo sẽ dễ dàng được tiếp thu kiến thức kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi tiến tiến, hiện đại. Đồng thời phát huy nguồn lực tại chỗ và sự vào cuộc của các cấp, các ngành trong công tác chuyên môn để hỗ trợ về kỹ thuật sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi và hỗ trợ đầu ra cho sản phẩm cũng như đồng hành trong công tác hỗ trợ các hộ gia đình thoát nghèo bền vững từng năm.

Giám đốc Quỹ Thiện Tâm Lý Minh Tuấn, cho biết: Cùng với những lợi ích thiết thực mà các hộ dân được thụ hưởng từ dự án này, nguồn vốn mà hợp tác xã hoàn trả cho dự án sẽ tiếp tục được tái đầu tư hỗ trợ cho các mô hình nông nghiệp tiềm năng khác hoặc ưu tiên phân bổ để xây dựng thêm các công trình phúc lợi phục vụ dân sinh tại các địa phương.

Đồng chí Y Hằng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kon Tum đề nghị 2 hợp tác xã sử dụng hiệu quả các trang thiết bị, máy móc và cây giống theo đúng mục tiêu của Chương trình và Đề án của hợp tác xã đã được duyệt, qua đó giúp tăng lợi nhuận của hợp tác xã và giúp các hộ nông dân nghèo, các hộ khó khăn tham gia Đề án có thêm công ăn việc làm, tăng thu nhập và thoát nghèo bền vững.

Được biết, Dự án “Hợp tác xã liên kết với hộ nông dân để phát triển kinh tế và thoát nghèo bền vững” triển khai từ tháng 9/2022 với 3 mô hình mẫu điển hình của tỉnh Thái Nguyên và tỉnh Sơn La. Sau 2 năm đi vào vận hành, Dự án được các cơ quan Trung ương, Sở, ban, ngành tỉnh, chính quyền địa phương cũng như hợp tác xã, bà con nhân dân đánh giá cao về tính sáng tạo và đột phá trong phương thức triển khai và giúp người dân thoát nghèo bền vững.

Định hướng trong năm 2024 và các năm tới, Quỹ Thiện Tâm tiếp tục phối hợp với Trung tâm Khuyến nông quốc gia, Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương tiếp tục triển khai chương trình hỗ trợ các hợp tác xã nông nghiệp điển hình, đặc biệt các hợp tác xã trồng lúa tham gia chương trình “Một triệu ha lúa gạo giảm phát thải” và nhiều chương trình khác nhằm góp phần đóng góp cho nền nông nghiệp nước nhà phát triển vững mạnh và vươn tầm thế giới.

PHÚC THẮNG