Chính sách

Người dân Đắk Glong hưởng lợi từ Chương trình 1719

Lê Tuấn 31/07/2024 16:22

Trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là hiệu quả từ Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2025 (Chương trình 1719), huyện Đắk Glong (Đắk Nông) đã có những bước phát triển tích cực.

Hỗ trợ nguồn vốn cho hộ nghèo vươn lên

Cuối năm 2022, từ nguồn vốn Chương trình 1719, gia đình ông Lô Văn Hoa, dân tộc Thái, bon Sa Ú - Dru, xã Quảng Khê được hỗ trợ dê giống và được vay thêm 30 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện để phát triển mô hình chăn nuôi dê. Cùng với đó, cán bộ Ngân hàng CSXH huyện thường xuyên đến kiểm tra, đánh giá hiệu quả, đồng thời kết nối với cơ quan chuyên môn để hướng dẫn gia đình ông về kỹ thuật nuôi dê.

Nhờ đó, đến nay, đàn dê của gia đình ông Hoa đã có trên 10 con, đang phát triển và sinh sản tốt. Việc bán dê con và dê thịt đã giúp gia đình ông có nguồn thu tương đối tốt. Cùng với phát triển trồng trọt, đến nay, gia đình ông đã vươn lên thoát nghèo.

5d8361a8d59370cd2982(1).jpg
Nguồn vốn Chương trình 1719 đã hỗ trợ nhiều hộ đồng bào DTTS huyện Đắk Glong thực hiện mô hình nuôi dê đạt hiệu quả kinh tế cao

Chị Lục Thị Nghiêm, ở thôn 7, xã Quảng Hòa chia sẻ, tháng 3/2022, gia đình chị được vay 50 triệu đồng từ chương trình để đầu tư chăm sóc cây trồng. Có vốn, gia đình chị đầu tư mua phân bón chăm sóc vườn cà phê; xây thêm chuồng trại chăn nuôi heo đen sinh sản và trồng dâu nuôi tằm. Đến nay vườn cây, con giống của gia đình chị phát triển tốt, cho năng suất cao, mang lại nguồn thu nhập ổn định và mở ra hướng phát triển kinh tế hiệu quả.

5(1).jpg
Với sự hỗ trợ vốn từ Chương trình 1719 và các nguồn khác, nhiều hộ đồng bào DTTS xã Quảng Hòa đầu tư phát triển trồng dâu nuôi tằm, mang lại hiệu quả cao, từng bước thoát nghèo

Trước đây, các hộ gia đình như ông K’Liêu, ở thôn 7; ông K’Boot, ở thôn 2; K'Măng, ở thôn 9, xã Quảng Khê nhiều năm thuộc diện hộ nghèo, sống trong ngôi nhà tạm. Từ khi triển khai thực hiện các chương trình MTQG, đặc biệt là Chương trình 1719, với việc thực hiện Dự án 1 “Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt”, mỗi gia đình được hỗ trợ 40 triệu đồng và nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng CSXH huyện (khoảng 30 triệu đồng), các gia đình đã xây dựng nhà ở kiên cố.

Chính quyền địa phương nỗ lực vì người nghèo

Chia sẻ về việc thực hiện công tác, chính sách dân tộc trên địa bàn, ông Trần Nam Thuần, Chủ tịch UBND huyện Đắk Glong cho biết, mặc dù còn gặp không ít khó khăn trong quá trình thực hiện Chương trình 1719, tuy nhiên, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện đã chủ động lãnh đạo, chỉ đạo các ban ngành liên quan và chính quyền các địa phương nỗ lực triển khai bảo đảm kết quả tốt nhất. Mục tiêu mà huyện hướng đến là nâng cao đời sống người dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo, nhất là vùng đồng bào DTTS.

"Việc thực hiện các chương trình MTQG đang đi đúng hướng và thật sự mang lại hiệu quả rõ rệt. Qua đó, hỗ trợ tối đa nguồn lực phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, nhất là mục tiêu giảm nghèo, nâng cao đời sống cho người dân, đồng bào DTTS", Chủ tịch UBND huyện Đắk Glong Trần Nam Thuần khẳng định.

Theo UBND huyện Đắk Glong, giai đoạn 2021-2025, tổng nguồn vốn đầu tư từ Chương trình 1719 trên địa bàn khoảng 383 tỷ đồng. Đến nay, Đắk Glong đã triển khai thực hiện 10/10 dự án thuộc Chương trình 1719 và đã đạt được những kết quả bước đầu tích cực.

Từ nguồn vốn chương trình đã hỗ trợ hộ nghèo DTTS triển khai 33 mô hình phát triển sản xuất cộng đồng, với 364 thành viên tham gia; mở 37 lớp xóa mù chữ, 6 lớp đào tạo nghề cho lao động vùng đồng bào DTTS, 2 lớp truyền dạy văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS tại chỗ.

Huyện đã thành lập 37 mô hình tổ truyền thông cộng đồng, 6 câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi về bình đẳng giới”; tổ chức 64 lớp tuyên truyền, tập huấn triển khai nội dung các dự án của Chương trình 1719...

Trong đó, nổi bật là việc thực hiện Dự án 1 "Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt ở vùng đồng bào DTTS và miền núi". Trong các năm 2022 và 2023, UBND huyện Đắk Glong đã cấp đất ở cho 32 hộ; hỗ trợ xây dựng 58 căn nhà ở, với diện tích từ 30-100m2/căn; 155 hộ dân được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Đồng thời, phê duyệt danh sách hỗ trợ kinh phí hơn 1,3 tỷ đồng mua vật dụng chứa nước cho 50 hộ dân tại 2 xã Đắk Plao và Đắk Som…

Tương tự, triển khai Dự án 4 về "Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống vùng đồng bào DTTS và miền núi", huyện đã đầu tư xây mới và duy tu, sửa chữa 28 công trình như: đường giao thông; trường, lớp học; nhà văn hóa xã; hệ thống kênh mương. Tổng kinh phí đã thực hiện đạt hơn 75 tỷ đồng...

Đường về bon B
Đường về bon B'Rsê A, xã Đắk Som, huyện Đắk Glong sạch đẹp

Thông qua thực hiện các chủ trương, chính sách, các chương trình khác và Chương trình 1719, đến nay, vùng DTTS, vùng sâu, vùng xa huyện Đắk Glong đã có nhiều chuyển biến tích cực. Trên 90% đường thôn, bon được nhựa hóa, bê tông hóa; 90% đồng bào DTTS được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 100% thôn, bon có nhà sinh hoạt cộng đồng; 100% số trường, lớp học và trạm y tế được xây dựng kiên cố…

Bản sao của pn pct (1)

Cùng với đó, để giúp các hộ đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo, một trong những giải pháp được Đắk Glong quan tâm triển khai là tăng cường hỗ trợ vay vốn ưu đãi giải quyết việc làm, vay xây nhà ổn định chỗ ở, phát triển sản xuất... Hiện tại, nguồn vốn tín dụng chính sách đã phủ kín 100% thôn, bon trên địa bàn huyện. Hàng trăm hộ dân, nhất là hộ nghèo được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển sản xuất, kinh doanh, tăng thêm thu nhập. Qua đó, đời sống của đồng bào các DTTS trên địa bàn huyện đã từng bước được cải thiện, nâng lên.

Nhờ thực hiện đồng bộ các chính sách, tỷ lệ hộ nghèo của huyện Đắk Glong giảm từ 5-7% mỗi năm, vùng đồng bào DTTS giảm 6%. Riêng năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo giảm 12,24%; hộ nghèo đồng bào DTTS tại chỗ giảm 21,16%. Huyện phấn đấu năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn chỉ còn 6,99%; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 40 triệu đồng/người/năm.

Lê Tuấn