Nâng cao khả năng ứng phó với động đất ở khu vực tâm chấn Kon Plông
Tin Tây Nguyên - Ngày đăng : 16:08, 30/07/2024
Hơn 2 ngày đã trôi qua, song thông tin về trận động đất mạnh 5 độ richter xảy ra trưa ngày 28/7 gây rung lắc mạnh vẫn luôn xuất hiện trong câu chuyện của người dân vùng tâm chấn động đất huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum.
Chị Y Phiếu, người dân làng Rô Xia, xã Đăk Tăng cho biết: “Mình chạy ra ngoài đầu tiên đã và sau đó là đi tìm con của mình. Người dân ban đầu cũng hơi sợ bởi vì là do nó mạnh quá nhưng sau khi mọi người động viên, trấn an nhau, hướng dẫn nhau cho nên là người dân trở lại bình thường”.
Sau khi xảy ra động đất, suốt hơn 2 ngày qua, chính quyền, đoàn thể các xã của huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum đã cử cán bộ đến từng thôn, làng kiểm tra tình hình, đồng thời nhắc nhở người dân chủ động ứng phó nếu tiếp tục có tình huống xảy ra động đất. Ông Nguyễn Văn Bay, Chủ tịch UBND xã Đăk Tăng, cho biết, nhờ thông tin kịp thời nên người dân ở 11 làng trong xã tránh được tâm lý hoang mang về động đất.
“Sau khi có trận động đất tương đối lớn ngày 28/7, dưới sự chỉ đạo của UBND huyện, xã thành lập các tổ công tác huy động những đồng chí có kinh nghiệm trong công tác tuyên truyền, vận động và đi lên đánh giá tình hình tại các thôn trên địa bàn xã. Đồng thời trấn an bà con, tiếp tục tuyên truyền, vận động bà con an tâm sản xuất”, ông Bay cho hay.
Chủ động ứng phó với động đất, thời gian qua Viện Vật lý địa cầu đã phối hợp với chính quyền huyện Kon Plông tổ chức nhiều đợt tập huấn trang bị kiến thức, kỹ năng cho người dân. Nhờ vậy đa số người dân ở các xã vùng tâm chấn: Đăk Tăng, Đăk Nên, Đăk Ring, Măng Bút, Ngọc Tem… đều có kiến thức và kỹ năng ứng phó với động đất.
Em Nguyễn Bỉnh Khiêm và em Y Vỹ, thôn Vi Xây, xã Đăk Tăng, cho biết những việc cần làm trong tình huống xảy ra động đất để bảo vệ bản thân và cộng đồng:
- “Khi cháu đi học là cháu đã được thầy cô ở trên trường và các hoạt động tại xã, thôn tuyên truyền về cách phòng chống động đất. Khi có tình huống động đất là mình chui xuống dưới gầm bàn hoặc là dưới gầm giường để tránh các đồ vật hoặc là mái nhà có thể sụp xuống để bảo vệ tính mạng của mình”.
- “Cũng có người nắm được nhưng mấy người già cũng có người biết nhưng cũng có người không. Chúng cháu hay nhắc nhở, hay tuyên truyền cho họ biết chui xuống gầm bàn và chạy ra chỗ trống để mà không thiệt hại cho bản thân mình”.
Từ tháng 4/2021 đến nay trên địa bàn huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum đã xảy ra khoảng 800 trận động đất và theo nhận định của Viện Vật lý địa cầu đây là động đất kích thích do việc tích nước hồ chứa thuỷ điện gây ra. Trong 2 ngày vừa qua, trước tình hình động đất diễn biến bất thường với mật độ dày, độ lớn mạnh nhất từ trước đến nay, ông Lê Đức Tín, Phó Chủ tịch UBND huyện Kon Plông, cho biết phương châm của huyện là chủ động đề phòng và tránh gây hoang mang trong ứng phó với động đất.
“Chúng tôi tiếp tục sử dụng tài liệu của Viện Vật lý địa cầu có rất đầy đủ nội dung để hướng dẫn, phổ biến thêm cho dân chủ động ứng phó trong mọi tình huống. Chỉ đạo các xã tổ chức tuyên truyền, vận động, phổ biến kiến thức đến từng thôn, làng, từng hộ dân để nắm lại và có kỹ năng ứng phó tốt hơn. Tổ chức diễn tập đến vùng trung tâm rung chấn rồi sau đó triển khai ở các thôn khác trên địa bàn huyện. Qua đó, giúp cho Ban Chỉ đạo ở các xã có kinh nghiệm khi xảy ra tình huống rung chấn”, ông Tín thông tin.
Thông tin từ Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần- Viện Vật lý Địa cầu cho thấy, trong 2 ngày 28 và 29/7 đã xảy ra 46 trận động đất với tâm chấn ở khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. Thực tế cho thấy ngoài trận động đất mạnh 5 độ xảy ra vào trưa ngày 28/7 gây ra sự rung lắc trên diện rộng thì các trận động đất còn lại người dân không cảm nhận thấy dư chấn nào. Hậu quả do động đất cũng chưa gây thiệt hại lớn về tài sản. Chính quyền và người dân ở khu vực tâm chấn động đất huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum đang tiếp tục chủ động ứng phó với với diễn biến bất thường của động đất.