Đại biểu HĐND tỉnh Đắk Nông "hiến kế" giải quyết các vấn đề nóng
Sáng 24/7, tại Kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh Đắk Nông khóa IV, nhiệm kỳ 2021-2026, các vấn đề nóng tiếp tục được đại biểu thảo luận, "hiến kế" nhiều giải pháp giải quyết.
Tại phiên thảo luận, dưới sự điều hành của đồng chí Lưu Văn Trung, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh và các Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Đắk Nông, nhiều vấn đề liên quan các lĩnh vực kinh tế, xã hội được đại biểu quan tâm đề cập, thảo luận, đưa ra những giải pháp, đề xuất mang tính “hiến kế” cho UBND tỉnh khắc phục.
Trong đó, nhiều ý kiến, kiến nghị về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước năm 2023; tình hình kinh tế, xã hội, quốc phòng an ninh; thu, chi ngân sách Nhà nước; kế hoạch giải ngân vốn đầu tư phát triển 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2024.
Đại biểu Phạm Thị Phượng, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Tuy Đức cho rằng, một số chỉ tiêu cần xem xét, đánh giá kỹ hơn để phù hợp với thực tế. Cụ thể, chỉ tiêu về tỷ lệ tưới tiêu hàng năm đều được đánh giá đạt và vượt chỉ tiêu. Tuy nhiên, thực tế ở các địa phương còn gặp nhiều khó khăn. Đơn cử, ở huyện Tuy Đức, hiện nay lượng nước tưới tiêu hàng năm vẫn còn thiếu. Các công trình thủy lợi được xây dựng lâu năm xuống cấp, bị bồi lấp nhiều nên trữ lượng nước giảm, ảnh hưởng lớn đến tưới tiêu hàng năm. Đại biểu Phượng kiến nghị UBND tỉnh, các đơn vị liên quan cần đánh giá lại năng lực tưới tiêu một cách toàn diện để có kế hoạch dài hơi, bảo đảm nhu cầu sản xuất cho người dân.
Liên quan đến các dự án đầu tư, hiện nay, Tuy Đức có 2 doanh nghiệp được giao khu vực “đất vàng” của huyện với diện tích 130ha đất để trồng cây cao su. Tuy nhiên, hiện nay diện tích cây cao su đã bị phá bỏ gần hết, 2 doanh nghiệp này không thực hiện nhiệm vụ đóng thuế cho địa phương. Điều đáng nói, khi bị lấn chiếm, xảy ra tranh chấp liên quan đất đai nhưng các doanh nghiệp không nắm được ranh giới đất được cấp để phối hợp xử lý. 1 trong 2 doanh nghiệp hiện nay không rõ địa chỉ để địa phương thực hiện truy thu thuế. Đại biểu đề nghị UBND tỉnh thực hiện thanh tra toàn diện để có phương án xử lý triệt để.
Liên quan đến lĩnh vực Giáo dục, nhiều đại biểu quan tâm đến tình trạng thiếu và khó khăn trong tuyển dụng biên chế và hợp đồng giáo viên, cắt giảm biên chế ngành Giáo dục hàng năm… Trong đó, nhiều đại biểu cho rằng hiện nay, chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 của một số trường hạn chế nên lượng học sinh trên địa bàn không có chỗ để học tập còn nhiều. Đại biểu kiến nghị tăng chỉ tiêu tuyển học sinh lớp 10 cho các trường, nhất là các trường ở vùng sâu, vùng xa.
Liên quan đến nội dung này, ông Trần Sĩ Thành, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT thông tin, hiện nay ngành Giáo dục đã xem xét và đề xuất tăng thêm 45 chỉ tiêu đối với Trường THPT Lê Quý Đôn của huyện Tuy Đức, đáp ứng nhu cầu học tập của con em trên địa bàn.
Lĩnh vực Y tế, nhiều đại biểu cho rằng chủ trương thu hút cán bộ y tế cần phải có chiến lược rõ ràng, chính sách hấp dẫn, phù hợp để giữ được nhân lực y tế sau khi hết chính sách thu hút.
Các đại biểu cũng phản ánh tình trạng thiếu vắc xin trầm trọng thời gian qua, nhất là vắc xin 5 trong 1.
Giải trình nội dung này, bà Võ Thị Ái Liễu, Giám đốc Sở Y tế cho biết, tình trạng thiếu vắc xin diễn ra từ tháng 12/2022. Bộ Y tế nỗ lực mua vắc xin nhưng do vướng mắc, khó khăn trong đấu thầu dẫn đến không cung ứng kịp. Riêng vắc xin 5 trong 1 mới được cung ứng lại từ tháng 1/2024 nhưng cũng chưa đáp ứng đủ số lượng theo nhu cầu của người dân. Mới đây, ngành Y tế mới nhận được cung ứng 5.000 liều và sẽ triển khai cấp về các địa phương.
Đồng chí Lưu Văn Trung đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của các đại biểu trong phiên thảo luận. Hầu hết các ý kiến đã phản ánh đúng những vấn đề nóng được cử tri, Nhân dân quan tâm. Đại biểu đề xuất được nhiều phương án, giải pháp để đồng hành cùng UBND tỉnh tháo gỡ các vấn đề bất cập, hạn chế ở các lĩnh vực.
Đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh tiếp thu và nhanh chóng triển khai các giải pháp khắc phục những hạn chế ở các lĩnh vực để thực hiện thành công nhiệm vụ năm 2024 và những năm tiếp theo.