Đề xuất 3 phương án khắc phục sụt trượt đường Hồ Chí Minh qua TP. Gia Nghĩa
Trên cơ sở nhận định nguyên nhân sụt trượt đường Hồ Chí Minh qua TP. Gia Nghĩa, các cơ quan chuyên môn đề xuất 3 phương án khắc phục thời gian tới.
Không phải do thiết kế, thi công
Đầu tháng 8/2023, tại đoạn tuyến Km1900+350 đến Km1900+650 (bên trái tuyến) đường Hồ Chí Minh, đoạn qua TP. Gia Nghĩa đã xuất hiện các vết nứt rộng từ 1 - 10cm. Chỉ ít ngày sau, vết sụt lún nhanh chóng lan rộng.
Có 1/2 phần đường bên trái tuyến đã bị lún, nứt, hư hỏng nhiều vị trí, gây mất an toàn giao thông. Đến giữa tháng 8/2023, vị trí vết sụt lún, sụt trượt đã lan rộng, nhiều điểm sâu từ 5 - 10m.
Qua theo dõi của Sở GT - VT, sự cố đã làm thiệt hại lớn về tài sản kết cấu hạ tầng giao thông, gây ảnh hưởng tới việc đi lại của các phương tiện. Sự cố này đã làm nứt, toác nhà cửa và gây nguy cơ mất an toàn đối với người dân sống ở khu vực trái tuyến, dưới chân taluy âm.
Ngay sau khi xảy ra sự cố, Sở GT - VT đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai các giải pháp bảo đảm an toàn giao thông như: phân luồng, cắm cảnh báo, cử người chốt trực…
Tỉnh Đắk Nông xác định đây là sự cố công trình nên vào tháng 10/2023 đã thành lập Tổ giám định 1314 (Tổ 1314) do Sở GT - VT chủ trì để xác định nguyên nhân. Trên cơ sở đánh giá mức độ an toàn của công trình sau sự cố để phân định trách nhiệm các cá nhân có liên quan (nếu có)…
Theo Tổ 1314, đoạn tuyến xảy ra sự cố do Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh làm chủ đầu tư. Đoạn tuyến hoàn thành và đưa vào khai thác, sử dụng năm 2013 và đến năm 2015 thì bàn giao cho nhà đầu tư BOT (Công ty BOT và BT Đức Long Đắk Nông) khai thác.
Hàng năm, đoạn tuyến được bố trí kinh phí bảo trì theo quy định. Trước thời điểm xảy ra sự cố, đoạn tuyến không xảy ra sự cố sụt trượt, lún nứt hay hư hỏng đáng kể khác. Tổ 1314 khẳng định, không có nguyên nhân từ quá trình đầu tư xây dựng, quản lý, bảo trì…
Mưa nhiều-yếu tố tác động tới sụt trượt
Sau khi thị sát, Tổ 1314 đánh giá, có nhiều yếu tố tác động đến việc xảy ra sự cố sụt trượt đường Hồ Chí Minh. Tổ hợp các yếu tố này gồm: lưu lượng mưa tăng đột biến; địa hình khu vực có đồi bát úp, chia cắt, diện thu nước rộng; địa chất thủy văn, địa chất công trình có nhiều yếu tố bất lợi...
Theo Phó Giám đốc Sở GT-VT Đắk Nông Hà Sỹ Sơn, điều kiện địa hình, địa chất, thủy văn của khu vực trên khá phức tạp. Tuy nhiên, đây chỉ là những yếu tố tác động nhỏ.
Hiện tượng sụt trượt, sự cố công trình là do lưu lượng mưa tăng đột biến trong năm 2023 (nhất là tháng 7/2023). Đây là yếu tố tiên quyết, kích hoạt trực tiếp dẫn đến sự cố.
Qua thống kê của cơ quan chuyên môn, lưu lượng nước mưa trung bình năm 2023 là 2.728,8mm. Đây là lưu lượng mưa trung bình cao nhất từ năm 1979 - 2022 (trung bình 2.500mm).
Tổng lượng mưa tại trạm đo mưa tự động phường Quảng Thành, TP. Gia Nghĩa (gần khu vực sạt lở) trong tháng 6/2023 và tháng 7/2023 là 670,8mm và 1.140,2mm. Lưu lượng này cao hơn trung bình nhiều năm lần lượt là 123% - 204%.
Trước thời điểm xảy ra sự cố, khu vực đường Hồ Chí Minh đã có 22 ngày mưa liên tiếp. Lưu lượng mưa ngày lớn nhất là 190,6mm, cường độ mưa lớn nhất là 65,6 mm/giờ. Trong 22 ngày liên tiếp có mưa thì có 4 ngày lưu lượng mưa vượt 100mm.
Mưa lớn kéo dài và diễn ra trên diện rộng đã khiến cho khối đất bên phía taluy âm đường ngấm no nước. Cùng với các yếu tố địa hình, địa chất, thủy văn liên quan, khối đất bên phía taluy âm đường xảy ra sụt trượt. Việc sạt trượt đã làm biến dạng cống thu gom nước ngang. Nước trong cống thoát ra ngoài gây bão hòa nền đất xung quanh khiến việc sụt trượt diễn biến phức tạp hơn.
Bên cạnh đó, phía trên của khu vực sụt trượt có một khối đất san nền đường đắp không có trong hồ sơ hoàn công của việc xây dựng đường Hồ Chí Minh. Đây là khối đất do quá trình san lấp mặt bằng nhưng chính quyền địa phương chưa có hồ sơ xử lý. Khối đất này đã tạo ra áp lực lên mặt và mái taluy âm nền đường đắp, trở thành 1 yếu tố tác động tới việc sụt trượt.
Cần giải pháp lâu dài
Theo Sở GT - VT, quá trình kiểm định nguyên nhân sự cố triển khai vào thời điểm mùa khô nên các đơn vị chuyên môn không thấy có hiện tượng sụt trượt tiếp tục phát triển. Tuy nhiên, tư vấn kiểm định dự báo việc sụt trượt sẽ có thể phát triển rộng hơn trong mùa mưa 2024 ở phần chân taluy âm.
“Khối sụt có diện tích rộng và chiều cao lớn, có nhiều vết nứt sẽ tạo điều kiện cho nước mưa ngấm nhanh vào nền đất. Phía taluy âm đoạn sụt trượt có nguy cơ sẽ diễn biến phức tạp trong mùa mưa, gây mất an toàn giao thông và ảnh hưởng tiêu cực tới công trình, nhà dân ở khu vực lân cận”, Phó Giám đốc Hà Sỹ Sơn phân tích.
Ngay vào đầu mùa mưa, Sở GT - VT đã yêu cầu Công ty BOT và BT Đức Long Đắk Nông triển khai các giải pháp như: đắp gờ điều chỉnh dòng nước mặt, trám các vết nứt mặt đường, sửa chữa tạm hệ thống thoát nước… Các giải pháp hạn chế nước ngầm chảy xuống đoạn sụt trượt hiện đã được thực hiện xong.
Tổ 1314 yêu cầu tiếp tục thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn cho người dân khu vực ảnh hưởng bởi sụt trượt và hạn chế các hoạt động lưu thông trong khu vực sự cố. Phương án phân làn, phân luồng được duy trì và sẽ điều chỉnh kịp thời, phù hợp trong trường hợp cần thiết.
Về lâu dài, Tổ 1314 đề xuất theo dõi mức độ phức tạp của phạm vi lún nứt, sụt trượt và các điều kiện tự nhiên. Giải pháp ổn định, lâu dài đoạn đường này phải là sửa chữa, khôi phục và kiên cố hóa.
Hiện Tổ 1314 đã đề xuất UBND tỉnh Đắk Nông xử lý sự cố theo hướng lâu dài bằng 1 trong 3 phương án: xây dựng cầu cạn, cải tạo vị trí tuyến (nắn tuyến) và hoàn trả nguyên trạng. Đây là những phương án cần kinh phí lớn và thời gian khắc phục dài (thời gian thi công từ 9 - 12 tháng).
Ông Sơn cho hay: Hiện chúng tôi đã tham mưu cho UBND tỉnh Đắk Nông các giải pháp cụ thể. Việc tính toán chi phí thực hiện và so sánh, lựa chọn phương án tối ưu để thực hiện sửa chữa, khôi phục, kiên cố hóa sẽ được thực hiện và quyết định ở bước khảo sát, lập, thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi.