Triển vọng hợp tác công tư phát triển nông nghiệp tại Đắk Nông
Hợp tác công tư sẽ góp phần giải quyết những bất cập, hạn chế hiện nay của nông nghiệp tỉnh như sản xuất nhỏ lẻ, liên kết yếu, chưa hình thành vùng nguyên liệu hàng hóa tập trung.
Mới đây, tại TP. Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông, UBND huyện Đắk R’lấp và UBND huyện Đắk Glong cùng các doanh nghiệp trong và ngoài nước đã ký kết biên bản ghi nhớ về diễn đàn hợp tác công tư điều phối cảnh quan tại 2 huyện trên.
Đây là hoạt động trong khuôn khổ Dự án “Quản lý cảnh quan bền vững toàn diện thông qua cách tiếp cận địa bàn phát triển bền vững không gây mất rừng tại Lâm Đồng và Đắk Nông, Việt Nam” (gọi tắt là Dự án iLandscape) do Liên minh châu Âu tài trợ thông qua Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP).
Tham gia buổi lễ có đại diện của UBND huyện Đắk R’lấp và UBND huyện Đắk Glong, Tổ chức Sáng kiến Thương mại Bền vững (IDH) và 5 đơn vị khối tư nhân: Tập đoàn Jacobs Douwe Egberts (JDE), Công ty Intimex Mỹ Phước, Công ty TNHH Chế biến gia vị Nedspice Việt Nam (Nedspice), Công ty TNHH Olam - Chi nhánh tại Pleiku (Olam), Công ty Louis Dreyfus Việt Nam (LDC). Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Nông là cơ quan nhà nước chứng kiến sự tham gia của các bên.
Dự án nhằm tăng cường tính bền vững về môi trường, an sinh xã hội, khả năng chống chịu và thích ứng của hệ thống sản xuất nông nghiệp và các chuỗi cung ứng của vùng Tây Nguyên, Việt Nam.
Theo ông Trần Công Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk R’lấp, địa phương rất hy vọng sự hợp tác công tư này sẽ cùng nhau giải quyết tốt những tồn tại của nông nghiệp địa phương như sản xuất nhỏ lẻ, liên kết chưa bền vững, đặc biệt là nguy cơ giảm chất lượng, sản lượng nông sản do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Việc tạo được cảnh quan là cơ sở để địa phương phát triển du lịch nông nghiệp hiệu quả.
Ông Trịnh Anh, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Glong kỳ vọng địa phương sẽ tìm được hướng đi đúng để đáp ứng tiêu chuẩn của Liên minh châu Âu EU về nông sản không gây mất rừng, suy thoái rừng (EUDR). Qua điều tra của huyện thì nhiều diện tích cây nông nghiệp dài ngày, nhất là cà phê nằm trong quy hoạch đất rừng, nhưng thực tế diện tích này đã được người dân canh tác hàng chục năm nay.
Theo ông Bùi Đức Hào, Đại diện Tổ chức Sáng kiến Thương mại Bền vững (IDH) cho rằng, IDH đã có những kinh nghiệm triển khai hỗ trợ tại tỉnh Lâm Đồng, Đắk Lắk nên có thể hỗ trợ các địa phương trong việc đạt các yêu cầu của EUDR. Phương pháp của IDH sẽ đi từ nông hộ đến nhóm nông hộ và lớn dần lên về quy mô để tạo vùng đáp ứng yêu cầu về nông sản có xuất xứ bền vững.
Ông Franj Lavooij, Công ty Nedspice cho rằng, doanh nghiệp của ông quy mô lớn với nhiều năm kinh nghiệm. Hiện doanh nghiệp có 868 khách hàng ở 60 quốc gia. Doanh nghiệp chú trọng tạo ra giá trị ngay từ nơi xuất xứ sản phẩm, nên việc đẩy mạnh liên kết, hợp tác, tạo ra các vùng trồng như ở Đắk Nông là một yêu cầu cần thiết để doanh nghiệp hoạt động bền vững. Doanh nghiệp đánh giá cao sản phẩm hồ tiêu của Đắk Nông. Nhưng trước yêu cầu ngày càng cao hơn của khách hàng như thị trường châu Âu thì nhà nông, địa phương, doanh nghiệp như chúng tôi cần có sự hợp tác chặt chẽ hơn.
Ông Lê Quang Dần, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp-PTNT Đắk Nông cho biết, sự tăng cường hợp tác công tư góp phần giải quyết những bất cập, hạn chế hiện nay của nông nghiệp tỉnh như sản xuất nhỏ lẻ, liên kết yếu, chưa hình thành vùng nguyên liệu hàng hóa tập trung.
Sự hợp tác giữa các bên sẽ giúp tỉnh tối ưu hóa được nguồn lực của các bên liên quan cùng chung tay thực hiện các mục tiêu lớn, lâu dài, bền vững như đối với môi trường, sinh kế, chất lượng sản phẩm nông nghiệp thông qua cải thiện các khâu như thực hành canh tác, tổ chức sản xuất và phát triển các chuỗi cung ứng minh bạch và giảm thiểu trung gian.