Nâng cao hiệu quả thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở
Mặc dù đạt được những kết quả tích cực nhưng việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Đắk Nông vẫn còn những hạn chế nhất định.
Đơn khiếu nại, tố cáo còn tăng
Theo Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở tỉnh Đắk Nông, việc thực hiện QCDC ở cơ sở trên địa bàn tỉnh đã đạt những kết quả tích cực. Các cấp ủy đảng, chính quyền đã quan tâm, chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến, triển khai thực hiện dân chủ ở các loại hình.
Hoạt động của các cơ quan, đơn vị, xã, phường, thị trấn tiếp tục được đổi mới theo hướng mở rộng dân chủ, công khai, minh bạch, tiếp thu ý kiến đóng góp của Nhân dân.
Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tăng cường nắm bắt thông tin, phản ánh tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị của Nhân dân. Qua đó, tham mưu, đề xuất các cấp, các ngành có liên quan giải quyết nhiều vấn đề, góp phần bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của đoàn viên, hội viên, Nhân dân.
Tuy nhiên, các vụ việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh trong các tầng lớp Nhân dân vẫn có sự gia tăng, với nhiều vấn đề nổi cộm, bức xúc, cho thấy việc thực hiện QCDC ở cơ sở vẫn còn những hạn chế.
Cụ thể, năm 2023, toàn tỉnh tiếp nhận 3.652 đơn, thư các loại (tăng 141 đơn so với năm 2022). Trong đó, có đến 3.255 đơn liên quan 3.153 vụ việc đủ điều kiện xử lý gồm: 165 đơn khiếu nại, 102 đơn tố cáo, 2.988 đơn kiến nghị, phản ánh. Các cấp, ngành đã tiếp 2.107 lượt, với 3.107 công dân đến trình bày các vụ việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh (tăng 155 lượt với 288 người so với năm 2022); trong đó có 18 đoàn đông người với 186 người.
Riêng 6 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh đã tiếp nhận 1.289 đơn, tăng 14 đơn (tăng 1,1% so với cùng kỳ năm 2023; đã xử lý xong 1.282 đơn (đạt 99,5%). Trong tổng số 1.282 đơn, có 961 đơn (60 đơn khiếu nại, 31 đơn tố cáo, 870 đơn kiến nghị phản ảnh), liên quan đến 955 vụ việc đủ điều kiện xử lý, trong đó có 574 đơn đã giải quyết; 387 đơn chưa giải quyết xong. Các cấp, các ngành đã tiếp 706 lượt với 969 công dân đến trình bày các vụ việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; trong đó, tiếp công dân thường xuyên do ban tiếp công dân các cấp, cán bộ tiếp công dân thực hiện 593 lượt với 830 người; tiếp công dân định kỳ và đột xuất của lãnh đạo, thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước các cấp 110 lượt với 139 người.
Đối với các vụ việc khiếu kiện đông người, phức tạp, còn tồn đọng, kéo dài trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh phải vào cuộc chỉ đạo các cấp, các ngành đẩy nhanh tiến độ xử lý, giải quyết. Vì vậy, đến thời điểm hiện tại, tỉnh mới giải quyết xong 4/6 vụ việc, qua đó công dân không còn khiếu kiện. Điển hình như vụ khiếu nại của ông Nguyễn Văn Xuân, đại diện 47 hộ tiểu thương, trú tại thôn 3, xã Đắk Búk So, huyện Tuy Đức; vụ khiếu nại, kiến nghị của các bà: H’Ông, H’Binh trú tại huyện Đắk Glong; vụ kiến nghị, tố cáo của Công ty TNHH Nam Thuận (Cụm Công nghiệp Tân An 2, TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk); vụ việc khiếu nại, kiến nghị của nhóm hộ dân tại xã Đắk Ngo, huyện Tuy Đức.
Trong quá trình tiếp công dân, một vấn đề nổi lên trên địa bàn huyện Đắk R’lấp đó là các nội dung khiếu nại, tố cáo chủ yếu liên quan đến lĩnh vực đất đai, tài nguyên môi trường, nhất là bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Sở dĩ như vậy một phần là do công tác nắm, dự báo tình hình người dân có lúc, có nơi chưa kịp thời nên vẫn còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp.
Ban Dân vận Huyện ủy Đắk R’lấp
Chưa coi trọng việc thực hiện QCDC
Qua đánh giá, một số cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, nhất là người đứng đầu chưa coi trọng việc thực hiện QCDC ở cơ sở và chưa gắn với chức năng, nhiệm vụ thường xuyên.
Công tác tuyên truyền, trang bị nghiệp vụ cho đội ngũ phụ trách triển khai thực hiện dân chủ ở các loại hình cơ sở chưa được chú trọng, chưa thường xuyên.
Việc nghiên cứu, cập nhật các văn bản đang hiện hành của Trung ương, tỉnh liên quan đến thực hiện QCDC ở cơ sở chưa thường xuyên nên trong quá trình tổ chức, triển khai có lúc, có nơi còn lúng túng, thiếu linh hoạt trong xử lý các tình huống tại cơ sở.
Chất lượng hoạt động của Ban thanh tra Nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng ở một số cơ quan, đơn vị, xã, phường, thị trấn còn mang tính hình thức, thiếu sự chủ động trong việc xây dựng chương trình, kế hoạch và tổ chức thực hiện. Ban giám sát đầu tư của cộng đồng còn hạn chế về nhận thức, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, nên chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ khi tổ chức hoạt động giám sát tại các dự án triển khai trên địa bàn xã, thị trấn.
Nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn do ảnh hưởng của biến động thị trường, dẫn đến giải thể và tạm dừng hoạt động, nên không chú trọng đến việc thực hiện QCDC ở cơ sở. Một số doanh nghiệp chưa bám sát quy định của pháp luật về đối thoại tại nơi làm việc, hoạt động đối thoại chủ yếu lồng ghép. Công đoàn cơ sở và người lao động chưa mạnh dạn yêu cầu người sử dụng lao động tổ chức đối thoại theo quy định của pháp luật.
Cấp ủy tăng cường lãnh đạo
Theo đồng chí Hà Thị Hạnh, UVBTV, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo thực hiện QCDC ở cơ sở tỉnh Đắk Nông, từ thực tế trên, toàn tỉnh cần khắc phục nhanh những hạn chế để thúc đẩy, nâng cao hơn nữa hiệu quả việc thực hiện QCDC ở cơ sở. Cấp ủy các cấp tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo chính quyền tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác cải cách thủ tục hành chính, xem đây là yếu tố quan trọng để tạo sự đồng thuận trong dân.
Cụ thể, tất cả các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”, “một cửa điện tử”, chuyển đổi số…, bảo đảm giải quyết hồ sơ thủ tục kịp thời, đúng thời gian quy định, không gây phiền hà cho tổ chức, cá nhân. Các thủ tục hành chính, các quy định về chế độ, chính sách liên quan đến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân phải được công khai minh bạch để mọi người có thể tiếp cận, phát huy vai trò làm chủ.
Cùng với tiếp tục thực hiện nghiêm túc trách nhiệm tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định, các cấp, các ngành tăng cường đối thoại trực tiếp với Nhân dân và lãnh đạo các doanh nghiệp, nhằm thực hiện tốt phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.
Cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền thực hiện nghiêm túc quy định về đạo đức công vụ, phát huy vai trò gương mẫu trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ.
Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp tiếp tục phát huy chức năng giám sát, phản biện xã hội, nhất là giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên.