Sáng ngời tinh thần cựu thanh niên xung phong
Tinh thần của các thế hệ thanh niên xung phong (TNXP) trong kháng chiến mãi mãi là hình mẫu để thế hệ trẻ ngày nay học hỏi, tiếp bước để thực hiện công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời đại mới.
Xung phong lên đường
Một chiều tháng 7 yên ả, chúng tôi có dịp được trò chuyện cùng vợ, chồng ông Hoàng Văn Nhuận (SN 1942) và bà Nguyễn Thị Cao (SN 1948) ở phường Nghĩa Đức, TP. Gia Nghĩa. Mặc dù hiện nay tuổi đã cao, chân đau và tai không còn nghe rõ nhưng những ký ức về năm tháng tuổi thanh xuân dành trọn nơi chiến trường của 2 cựu TNXP vẫn luôn thổn thức trong tâm trí của bà Cao, ông Nhuận.
Tháng 12/1964, bà Nguyễn Thị Cao, quê Hải Dương, khi đó mới chỉ 16 tuổi nhưng đã xung phong lên đường ra mặt trận. Với thân mình nhỏ bé (bà Cao lúc đó chỉ có 34kg), bà Cao không đủ tiêu chuẩn để tham gia TNXP. Bà Cao cho hay, khi đó thấy bạn bè đều xung phong lên đường đi ra chiến trường, mà mình chỉ vì nhỏ con mà không được tham gia cùng nên đã khóc vì tủi thân.
“Tiếp nối truyền thống cách mạng của bố và anh, tôi mong muốn được hòa mình vào bầu không khí sục sôi của thế hệ thanh niên khi đó, lên đường ra trận, có mặt ở các chiến trường, địa bàn trọng điểm, sát cánh cùng bộ đội tham gia chiến đấu”, bà Cao chia sẻ.
Để được lên đường tham gia kháng chiến, bà Cao đã “ăn gian”, nhét thêm 2 cục đá vào túi để đủ điều kiện trở thành nữ TNXP.
Trái ngược với niềm vui, háo hức của người con gái là những dòng nước mắt nghẹn ngào của người mẹ. Bà Cao tâm sự, nhà chỉ có mình bà là con gái nên mẹ không nỡ để con đi vào nơi "dầu sôi, lửa bỏng". Nhưng thấy ý chí và quyết tâm lớn của con nên mẹ bà đành kìm nén nước mắt vào trong, tiễn con lên đường.
“Tôi vẫn còn nhớ, trước lúc ra đi muốn mang theo 1 nắm hạt rau đay để vào chiến trường trồng làm thực phẩm nhưng rồi lại để quên ở nhà. Hình ảnh mẹ tôi vừa khóc vừa vội vã chạy đuổi theo đưa cho tôi túi đựng hạt rau đay khiến tôi nhớ mãi cho đến tận bây giờ”, bà Cao xúc động nhớ lại.
Ký ức nơi chiến trường
Trong kháng chiến, TNXP đã góp phần cùng bộ đội lập nên những chiến công oanh liệt. Bởi công tác hậu cần, nhất là công tác xây dựng các tuyến đường chiến lược và bảo đảm giao thông thông suốt từ hậu phương ra tiền tuyến là vô cùng khó khăn và cực kỳ quan trọng.
Bà Cao kể, nữ TNXP nhìn ai cũng nhỏ nhắn, gầy gò nhưng khối lượng hàng hóa mà các chị, các cô phải khuân vác có khi gấp đôi, gấp 3 lần trọng lượng của họ. “Hồi đó gạo được đóng thành mỗi bao 50kg. Đạn dược mỗi thùng tầm 70kg. Ngày nào chúng tôi cũng luân phiên chất hàng từ kho ra xe, ra tàu. Thời buổi chiến tranh, thiếu ăn, thiếu mặc nhưng lúc đó ai cũng mạnh mẽ lạ thường!”, bà Cao nhớ lại.
Ghi nhớ lời Bác Hồ dạy “Thuyền xe thêm 1 vòng quay, miền Nam ta bớt 1 ngày đau thương”, những TNXP làm lái xe Trường Sơn như ông Nhuận luôn vững tay lái trên mọi cung đường vì mục tiêu cao cả “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”. Ông Nhuận kể, một lần khi xe chở hàng chạy qua cầu Nghèn (bắc qua sông Nghèn, tỉnh Hà Tĩnh), ông Nhuận được lính gác bên này cầu báo rằng địch sử dụng 1 loại bom mới để đánh phá. Trong đơn vị đang tổ chức truy điệu trước cho 2 chiến sĩ đã đi ra tìm cách gỡ bom.
Nghe tới đây, ông Nhuận khi đó mới chỉ là chàng trai 24, 25 tuổi đã có quyết định liều lĩnh. “Tôi quay ra nói với đồng chí phụ xe đi xuống, chỉ còn 1 mình tôi và chiếc xe sẽ chạy qua khu vực cờ đỏ đánh dấu nơi có bom. Xe đi được tầm 20 chục mét, tôi thấy đuôi xe nâng lên, rung lắc mạnh”, ông Nhuận kể.
Sau này thì ông Nhuận mới biết đó là bom từ trường - "kẻ giết người bí ẩn" rơi rất nhẹ, không có tiếng nổ nhưng xe tải của ta chạy qua là sẽ phát nổ.
Chiến tranh đã lùi xa nhưng vết thương vẫn còn ở lại với cả ông Nhuận và bà Cao. Trong khi bà Cao bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam làm 1 chân bị yếu, dẫn tới đi lại khó khăn thì ông Nhuận bị điếc tai, không nghe rõ do ảnh hưởng bởi bom đạn. “Thế hệ cựu TNXP chúng tôi đã dành trọn tuổi thanh xuân của mình cho công cuộc bảo vệ non sông đất nước. Đó là những tháng ngày đau thương nhưng rất vinh dự, tự hào”, bà Cao chia sẻ.
Phát huy tinh thần cựu TNXP
Năm 1976, sau ngày giải phóng miền Nam, ông Nhuận và bà Cao vào Đắk Nông sinh sống, tiếp tục tham gia xây dựng kinh tế mới. Bà Nguyễn Thị Xô, Chủ tịch Hội Cựu TNXP tỉnh Đắk Nông cho biết, ông Hoàng Văn Nhuận và bà Nguyễn Thị Cao đều là hội viên tiêu biểu trong phong trào “Cựu TNXP làm kinh tế giỏi”, “Cựu TNXP nguyện nêu gương sáng, học tập và làm theo tấm gương đạo đức, tư tưởng Hồ Chí Minh”.
Được biết, hiện nay với trang trại rộng 4ha, gia đình ông Nhuận trồng xen canh nhiều loại cây công nghiệp như cà phê, hồ tiêu, kết hợp nuôi cá. Mức thu nhập hàng năm sau khi trừ chi phí khoảng 200 triệu đồng, đồng thời tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 2 lao động địa phương.
Trong vai trò Chi hội trưởng Chi hội Cựu TNXP phường Nghĩa Đức, bà Cao đi đầu trong vận động thành lập “Quỹ Nghĩa tình đồng đội”, “Quỹ khuyến học”. Với tinh thần “Tương thân tương ái, vì nghĩa tình đồng đội”, ông bà đã hỗ trợ cây giống, con giống, kỹ thuật nuôi trồng cho 7 hội viên TNXP để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo; hỗ trợ cho 3 hội viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vay vốn không tính lãi để tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế.
Ngoài các hoạt động hội cựu TNXP, ông, bà nhiệt tình tham gia hoạt động của tổ chức đoàn hội khác tại địa phương. Gia đình ông Nhuận nhiều năm liền đạt danh hiệu văn hóa,... Nhờ những cống hiến hết mình khi còn trẻ và hiện tại, ông bà được trao tặng nhiều huân, huy chương cao quý, giấy khen của Trung ương hội và UBND tỉnh.
“Thế hệ thanh niên chúng tôi đã dành trọn thời thanh xuân nơi chiến trường đánh giặc, giải phóng, thống nhất đất nước. Chúng tôi hy vọng thế hệ thanh niên mới của đất nước sẽ tiếp bước cha anh, cùng chung sức thực hiện công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời đại mới”, ông Nhuận chia sẻ.
Hội Cựu TNXP tỉnh Đắk Nông có 1.409 hội viên. Trong những năm qua, Hội phối hợp với các cấp, đoàn thể triển khai nhiều hoạt động nghĩa tình đồng đội, quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho hội viên nhân dịp lễ, tết, mừng thọ.
Hội đã tham mưu, phối hợp giải quyết chế độ chính sách cho: 2 liệt sĩ, 35 cựu TNXP bị thương, 33 cựu TNXP bị nhiễm chất độc hóa học, gần 800 cựu TNXP được hưởng chế độ cấp 1 lần, 14 cựu TNXP được hưởng trợ cấp hàng tháng.
Năm 2023, Hội vận động xây dựng “Quỹ Nghĩa tình đồng đội” với số tiền 923 triệu đồng. Trong đó, hỗ trợ xây mới, sửa chữa 5 căn nhà cho hội viên với tổng số tiền 180 triệu đồng tặng 2 sổ tiết kiệm với tổng giá trị 10 triệu đồng...