Chính trị

Tân Kỳ - Vĩnh Linh: Có một quê chung

Báo Nhân Dân 14/07/2024 14:37

Bầu ngực phải, bà Sơn dành cho bé Hoa đang lim dim ngủ. Nơi bầu ngực trái, bà áp đôi môi nhỏ xíu của bé Thiện vào rồi cất tiếng vỗ về “ Ru con con ngủ cho ngoan, mẹ con gieo lúa trên nương chưa về”. Hoa là con gái của bà Sơn, ông Thàng ở Tân Kỳ. Còn Thiện là cậu bé vài tháng tuổi đến Nghệ An từ Vĩnh Linh, Quảng Trị theo Kế hoạch K10. Dù xa lạ, bà Sơn vẫn nuôi cả “hai anh em” bằng bầu ngực ấm nóng của mình.

h51.jpg

Vào những năm 1965-1966, đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại miền bắc, tăng cường khủng bố, tàn phá miền nam. Thời kỳ đó, khu vực Vĩnh Linh và Quảng Bình là nơi bị địch đánh phá ác liệt nhất, trở thành “tọa độ lửa”. Người dân tuyến lửa đã phải hứng chịu hàng nghìn tấn bom, đạn. Xóm làng bị cày nát bởi sự khốc liệt của chiến tranh. Cuộc sống của nhân dân chuyển hẳn xuống hầm hào, địa đạo.

Nhận định chiến tranh còn kéo dài, Trung ương Đảng đã đề ra Kế hoạch K8 (tức triển khai từ tháng 8/1966) và K10 (triển khai tháng 10/1967) nhằm di dân ra khỏi vùng chiến sự ác liệt, giảm mật độ dân số ở tuyến lửa, đồng thời “gìn giữ lực lượng và nòi giống”, bảo đảm cho lực lượng ở lại chiến đấu yên lòng đánh giặc. Hàng vạn đồng bào Vĩnh Linh đã được chuyển ra các tỉnh phía bắc, và hơn cả tầm của một cuộc sơ tán, hành trình của những người dân từ tuyến lửa ra vùng hòa bình đã trở thành một cuộc thiên di chưa từng có trong lịch sử. Và cho đến hôm nay, cuộc thiên di ấy vẫn in hằn trong ký ức những người con nặng tình nghĩa “quê chung”…

Cùng với nhiều địa phương miền bắc, Tân Kỳ (Nghệ An) là mảnh đất đã cưu mang, che chở đồng bào từ Quảng Trị sơ tán ra theo kế hoạch K10 khi vùng giới tuyến bị bom Mỹ đánh phá dữ đội những năm 1967-1972… Hơn nửa thế kỷ trôi qua, nghĩa tình ấy luôn được các thế hệ cán bộ và nhân dân hai huyện không ngừng vun đắp và đã trở thành mối quan hệ đặc biệt với tên gọi “Quê chung”.

Bầu ngực phải, bà Sơn dành cho bé Hoa đang lim dim ngủ. Nơi bầu ngực trái, bà áp đôi môi nhỏ xíu của bé Thiện vào rồi cất tiếng vỗ về “ Ru con con ngủ cho ngoan, mẹ con gieo lúa trên nương chưa về”.

Hoa là con gái của bà Sơn, ông Thàng ở Tân Kỳ. Còn Thiện là cậu bé vài tháng tuổi đến Nghệ An từ Vĩnh Linh, Quảng Trị theo Kế hoạch K10. Dù xa lạ, bà Sơn vẫn nuôi cả “hai anh em” bằng bầu ngực ấm nóng của mình.

h52.jpg

Bà Phan Thị Hoa đã bật cười rổn rảng khi được nhắc lại câu chuyện 56 năm về trước.

...

Ngồi trong căn nhà nhỏ ngay trung tâm thị trấn Tân Kỳ, bà Hoa cho biết: Khoảng cuối năm 1967, gia đình bà đón một hộ 4 mẹ con từ Vĩnh Linh tới cùng ăn ở, sinh hoạt theo Kế hoạch K10.

“Tôi nghe mệ kể lại, khi ấy, bà Huệ có 3 người con trai, lần lượt là các anh Lịch, Sự và Thiện. Riêng anh Thiện lúc này mới vừa tròn 2 tháng tuổi. Mệ Phạm Thị Sơn cũng vừa sinh tôi chưa được bao lâu”, bà Hoa nói.

Sau vài tuần ổn định chỗ ở, một ngày, người mẹ tới từ Vĩnh Linh bắt đầu phải phát nương, làm rẫy. Bé Thiện được gửi lại nhờ mệ Sơn, khi ấy còn đang ở cữ chăm lo. Nhưng vắng mẹ, Thiện cứ ngằn ngặt khóc. Mệ Sơn, một tay bồng cô con gái nhỏ, tay kia ẵm em bé Vĩnh Linh đung đưa, ầu ơ hát.

Thoáng thấy hơi ấm, cậu bé 2 tháng tuổi, theo bản năng cố với tìm bầu sữa. Mệ Sơn chẳng ngại ngần, ngay lập tức chia đôi bầu sữa. Phía ngực phải, bà Sơn dành cho bé Hoa đang mơ màng, ọ ẹ. Nơi bầu ngực trái, bà áp đôi môi nhỏ xíu của bé Thiện vào rồi cất tiếng vỗ về “ à ơi ru con con ngủ cho ngoan, mẹ con gieo lúa trên nương chưa về".

Mệ Sơn chẳng ngại ngần, ngay lập tức chia đôi bầu sữa. Phía ngực phải, bà Sơn dành cho bé Hoa đang mơ màng, ọ ẹ. Nơi bầu ngực trái, bà áp đôi môi nhỏ xíu của bé Thiện vào rồi cất tiếng vỗ về “ à ơi ru con con ngủ cho ngoan, mẹ con gieo lúa trên nương chưa về”.

Sau bữa ấy, ròng rã nhiều tháng tiếp theo, mệ Sơn trở thành mẹ của cả hai sinh linh bé bỏng, vốn cách nhau cả ngàn cây số. Bà gọi cả hai là con, chăm bẵm từng chút một.

“Ngày còn sống, mệ cứ kể mãi về ‘lần đầu tiên’ ấy và bảo: Mỗi lần cho con bú sữa, mệ đều nhìn ngắm rất kỹ hai anh em. Hoa thì giống bố như đúc, còn Thiện thì mặc dù chẳng giống ai, nhưng càng vì thế, mệ càng thương anh hơn”, bà Hoa vừa lật giở album ảnh gia đình, vừa nói.

Nhờ dòng sữa ấy, cả Hoa và Thiện đều lớn nhanh như thổi, rất ít bệnh tật. Nhìn con ngày càng quấn “mệ Sơn”, bà Huệ cũng cảm thấy an lòng.

Bẵng đi vài năm, sau khi Hiệp định Paris được ký kết, gia đình bà Huệ trở về Vĩnh Linh. Hai bên mất liên lạc với nhau từ đây. Thế nhưng, những ký ức thời thơ ấu vẫn thôi thúc cậu bé Đỗ Hữu Thiện tìm cách nối lại mối ân tình đặc biệt. Mãi đến gần 40 năm sau, anh mới có duyên tìm được những tín hiệu đầu tiên về người mẹ đã nuôi mình bằng bầu sữa năm xưa...

h53.jpg

Thông qua nhiều nguồn tin, anh Thiện gặp được với chị Nguyễn Thị Thương, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thông huyện Tân Kỳ trong một lần chị tới Vĩnh Linh công tác vào năm 2012.

“Ngay khi biết chị Thương tới từ Tân Kỳ, tôi đã cố gắng xin số điện thoại. Vài ngày sau, tôi liên lạc và giới thiệu mình là con ông Phong, bà Huệ vốn ở nhà mệ Sơn ở xã Hương Sơn và từng được mệ Sơn cho bú mớm năm xưa”, ông Thiện nói với phóng viên qua điện thoại từ Thành phố Hồ Chí Minh.

Nghe chuyện, chị Thương bắt đầu xác minh thông tin, dò hỏi và xác định được nhà mệ Sơn đã chuyển ra trung tâm huyện. Lúc này, mệ Sơn do tuổi cao, bị tai biến nên phải di chuyển bằng xe lăn.

Đúng giai đoạn này, Đài PTTH Nghệ An và Đài PTTH Quảng Trị phối hợp tổ chức Cầu truyền hình đặc biệt mang tên “Quê chung” tại hai điểm cầu huyện Tân Kỳ và huyện Vĩnh Linh. Chị Thương liên hệ với ekip tổ chức để thông tin về câu chuyện của ông Thiện. Ngay lập tức, một kịch bản mới được gấp rút chuẩn bị. Vài ngày sau, ông Thiện được mời từ Thành phố Hồ Chí Minh về “quê chung”.

“Chúng tôi xác định sẽ phải giữ bí mật tới phút cuối. Sáng 26/9, anh Thiện đã có mặt, nhưng không được tới gặp mệ Sơn luôn. Tối hôm đó, khi chương trình diễn ra, ekip mới để anh từ sân khấu bước xuống tận xe lăn mệ ngồi”, chị Thương kể.

Trong khi đó, ông Thiện hồi tưởng: Khi ấy, thoáng nhìn thấy mệ, những ký ức xưa trong phút chốc ùa về. Ông chỉ kịp chạy lại, quỳ xuống ôm bà mà nức nở: Con Thiện đây. Con trở về với mệ đây. Phút chốc, cả hội trường vỡ òa cảm xúc. Tất cả, chẳng ai bảo ai, đều rơm rớm nước mắt.

h54.jpg

Nhiều năm tiếp theo, ông Đỗ Hữu Thiện liên tục ra vào Tân Kỳ thăm hỏi người mẹ thứ hai của mình. Hằng năm vào dịp lễ tết ông đều gửi quà biếu mẹ.

Năm 2019, mệ Sơn qua đời. Nhưng ông Thiện vẫn tiếp tục lui tới Tân Kỳ. Tính tới nay, ông Thiện đã có hàng chục lần về với Tân Kỳ, tặng gần 100 suất học bổng tiếp sức đến trường cho học sinh nghèo, trực tiếp đóng góp vào quỹ đền ơn đáp nghĩa. Ông cũng tặng quà cứu trợ bão lụt, tặng quà cho các mẹ Việt Nam anh hùng hằng năm, tặng hơn 5 tấn gạo giúp người nghèo ăn Tết.

Tân Kỳ, cứ thế, từ mảnh đất tạm cư, đã hóa thành quê chung của ông, cũng như hàng ngàn đứa trẻ khác đã sinh ra, lớn lên từ mảnh đất huyền thoại này.

h55.jpg

Đầu năm 1973, Hiệp định Paris được ký kết. Hòa bình ở Quảng Trị được lập lại.

...

Bà Nguyễn Thị Kính nhận được tin đã đến lúc có thể quay về Vĩnh Nam. Nghe thông báo, bà Kính nửa mừng, nửa bâng khuâng.

“Thật ra, cuộc chia tay đã được báo trước hơn nửa tháng. Hay tin, chúng tôi nhanh chóng thu hoạch ngô, ngoai, tiêu rồi mang ra chợ bán hoặc biếu bà con Tân Kỳ. Ngày chia tay, biết khó trở lại, nên ai nấy đều bịn rịn. Nhiều người không nỡ, còn gánh gồng đồ ra tận ngã ba kilomet số 0 để đưa tiễn”, bà Kính kể.

h56.jpg

Trong cuộc trở quê cũ về của đồng bào Vĩnh Linh, chúng tôi được nghe về câu chuyện cảm động của người thanh niên xung phong Đậu Văn Khoa, xóm Phượng Kỳ, xã Kỳ Sơn, đã dùng chiếc xe đạp thồ chở người chị Vĩnh Linh kết nghĩa của mình vượt hằng trăm cây số trở về.

Anh Đậu Văn Hồng, con trai ông Khoa kể lại, gia đình vợ chồng bà Lạt có ba con nhỏ đang ở cùng bố mẹ ông Khoa. Trong suốt những năm sống ở đất Tân Kỳ, vợ chồng bà Lạt được coi như con cái trong nhà. Đến năm 1973, khi hòa bình được lập lại ở quê hương, người dân Vĩnh Linh đều chuẩn bị cho chuyến trở về mong đợi. Tuy nhiên, do bị say xe nặng, bà Lạt không thể đi ô-tô di chuyển cùng đoàn. Quê cũ bỗng trở nên cách xa vời vợi.

h57.jpg
Ông Đậu Văn Hồng kể lại hành trình bố ông đưa người chị kết nghĩa từ Tân Kỳ về Vĩnh Linh bằng xe đạp.

Trong khi bà Lạt lo lắng, thì ông Khoa mang chiếc xe đạp phượng hoàng vốn trước đó được cấp cho dân công hỏa tuyến ra xếp toàn bộ xoong nồi, đồ đạc của người chị lên xe rồi bảo: “Chị cứ lên xe. Em thồ về”.

Nói là làm, sớm hôm ấy, sau khi chằng buộc cẩn thận đồ đạc, ông Khoa giục hai mẹ con bà Lạt lên đường. Bà Lạt ngồi phía sau. Cô con gái nhỏ được đặt phía sọt chở đồ. Gói theo ít cơm nắm, muối trắng, 3 người bắt đầu hành trình.

Khoảng cách từ Tân Kỳ tới Vĩnh Linh dài chừng 400 cây số. Đường đi vô cùng khó khăn, có rất nhiều đèo, dốc. Những lúc dừng nghỉ, 3 người nấu cơm ăn dọc đường và chợp mắt để lấy sức. Đến ngày thứ 8, sau cùng cầu Hiền Lương, sông Bến Hải đã ở trước mặt. Quê hương đây rồi. Tuy vậy, khi đó chỉ mẹ con bà Lạt được sang bên kia cầu, còn ông Khoa phải dừng lại và quay ra bắc.

Hiện giờ ông Tuy, bà Lạt cùng các anh chị đã chuyển vào Đà Nẵng sinh sống. Các anh chị vẫn qua lại thăm bố và chúng tôi hằng năm. Đợt ông mổ, chị Hồng cũng ra đây chăm sóc ông cả tuần.

Ông Đậu Văn Hồng

Bịn rịn không nói nên lời, ông Khoa với chiếc xe đạp thồ đứng nhìn bóng hai mẹ con người chị khuất dần.

Nhưng phút chốc sau, thấy bà Lạt tất tả quay lại, đưa cho ông 1 cái kính và bảo: “Chú cầm đi đường cho đỡ bụi. Về bình an nhé”, bà dặn.

Chúng tôi tới nhà ông Khoa khi ông tuổi đã cao và sau một lần bị tai nạn nằm một chỗ nên sức khỏe rất yếu, ông không thể trò chuyện. Nhưng chiếc kính vẫn được ông giữ sát bên mình, dù đã bị gãy một bên gọng. Đối với ông là chiếc kính là một kỷ vật thiêng liêng của tình chị em mãi không bao giờ phai nhạt.

“Hiện giờ ông Tuy, bà Lạt cùng các anh chị đã chuyển vào Đà Nẵng sinh sống. Các anh chị vẫn qua lại thăm bố và chúng tôi hằng năm. Đợt ông mổ, chị Hồng [con gái cả của ông Tuy, bà Lạt – PV] cũng ra đây chăm sóc ông cả tuần”, ông Hồng nói.

h58.jpg
Sau nhiều năm, chiếc kính vẫn được gia đình ông Đậu Văn Khoa gìn giữ như kỷ vật thiêng liêng của tình chị em...

..............................

"Chiến dịch K10, K8 kết thúc để lại một “mối tình” sâu đậm giữa hai vùng đất không thể phai mờ…"

..............................

Hết chiến tranh, mảnh đất Vĩnh Linh hết lửa đạn, bà con Vĩnh Linh lần lượt trở về, để lại mảnh đất Tân Kỳ một nỗi nhớ khôn nguôi.

Chiến dịch K10, K8 kết thúc để lại một “mối tình” sâu đậm giữa hai vùng đất không thể phai mờ…

Ở xã Nghĩa Đồng, bà Ngô Thị Lộc kể: Hồi đó có ông chủ nhiệm cửa hàng tên là Trịnh Hữu Đức, ông phải ngủ đêm tại cửa hàng, đã nhường chiếc giường một của mình cho một bác người xã Vĩnh Trung sơ tán. Hết chiến tranh bác xin đưa chiếc giường về quê làm kỷ niệm.

“Sau này, mệ tôi (bà Nguyễn Thị Lộc, nguyên Chủ tịch xã Nghĩa Đồng – PV) có dịp vào Vĩnh Linh đến nhà bác chơi, thấy chiếc giường được gác cẩn thận trên xà nhà. Mệ hỏi: Sao bác không dùng thì bác nói: Tôi để làm kỷ niệm thôi, không nỡ đem dùng mô thím.”

h59.jpg

Cũng theo bà Lộc, mẹ bà vẫn kể: Sau khi bà con Vĩnh Linh đã trở về quê, như một quán tính, sáng nào bà cũng tới làng sơ tán. Nhìn cảnh làng vắng tanh không một bóng người, bà Lộc buồn và nhớ lắm, nước mắt cứ giàn giụa.

Chồng bà Lộc, ông Ngô Kế Toản vốn là phó Phòng 10 Tân Kỳ, với niềm thương nhớ khôn nguôi, cũng đặt tên người con trai thứ là Ngô Gia Vĩnh để nhớ một thời gắn bó máu thịt với Vĩnh Linh…

Lịch sử Đảng bộ huyện Tân Kỳ về sau ghi lại: Tính từ ngày 16/4/1973 đến ngày 15/6/1973, tổng cộng 817 lượt xe đã đến làm nhiệm vụ đưa đồng bào Quảng Trị hồi hương. Hàng ngàn bộ bàn ghế, tủ, bảng của trường học, trạm y tế và trên 660 con lợn giống được gửi theo về mảnh đất bên giới tuyến.

Bà con Vĩnh Linh cũng để lại cho Tân Kỳ hơn 1.785ha đất mới khai hoang, 155ha sắn mới trồng, cùng hàng ngàn tấn lương thực trong kho lương các hợp tác xã.

Cứ thế, lấy điểm tựa từ cuộc trường chinh mang bí hiệu K10, những sợi dây vô hình hoặc hữu hình sau cùng vẫn cứ kết nối hai miền đất từ quá khứ, qua hiện tại tới tận tương lai…

Báo Nhân Dân