Đời sống

Nguồn lực lớn để Đắk Nông giảm nghèo từ 3 chương trình mục tiêu quốc gia

Mẫn Doanh kin

Là nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị, ngay từ đầu năm, tỉnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện các chính sách, chương trình, dự án liên quan công tác giảm nghèo bền vững…

Chung tay giảm nghèo

Từ khi chồng bị tai nạn lao động, chị Hà Thị Bé, dân tộc Nùng ở thôn 2, xã Đắk Wil, huyện Cư Jút trở thành trụ cột chính trong gia đình. Trước đây, mặc dù vợ chồng chị chăm chỉ lao động, nhưng do ít đất sản xuất, chủ yếu đi làm thuê nên thu nhập chỉ đủ trang trải cuộc sống hàng ngày. Sau biến cố, cuộc sống vốn không mấy dư dả lại càng khó khăn hơn. Biết được hoàn cảnh khó khăn của gia đình chị, Hội LHPN xã Đắk Wil phối hợp với Đồn Biên phòng Nậm Na hỗ trợ mô hình sinh kế. Chị được vay vốn 10 triệu đồng không lãi trong 2 năm để đầu tư chăm sóc cây trồng và hỗ trợ con giống để phát triển mô hình chăn nuôi.

Bên cạnh đó, địa phương rà soát, lập hồ sơ hỗ trợ nhà ở cho gia đình chị từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021-2025. Theo đó, gia đình chị được hỗ trợ 44 triệu đồng và vay vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội thêm 40 triệu. Cùng với số tiền tích lũy và sự giúp đỡ của người thân, đầu năm 2024, gia đình chị đã xây dựng được ngôi nhà kiên cố hơn 200 triệu đồng.

img_1903.jpg
Chị Hà Thị Bé (bên trái) ở thôn 2, xã Đắk Wil, huyện Cư Jút thực hiện các mô hình chăn nuôi, trồng trọt để thoát nghèo bền vững

Đến nay, gia đình chị đã có thể thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Chị Hà chia sẻ: “Được sự động viên của mọi người, gia đình tôi cũng nỗ lực để làm kinh tế. Nhờ hỗ trợ của các cấp, gia đình tôi có thêm động lực xây được căn nhà mới. Tôi rất vui mừng và sẽ phấn đấu hơn nữa để vươn lên, cho con cái có cuộc sống ngày một tốt hơn”.

Thôn 2, xã Đắk Wil, huyện Cư Jút có 134 hộ; trong đó dân tộc thiểu số chiếm hơn 78%. Theo bà La Thị Công, Bí thư Chi bộ thôn 2, cấp ủy, ban tự quản thôn thường xuyên quan tâm tuyên truyền bà con chăm lo làm kinh tế. Hàng năm, nhờ sự chung tay của các cấp, ngành, đoàn thể, nhiều mô hình hỗ trợ sinh kế được triển khai như nuôi dê, bò, gà… Các chương trình, chính sách của Đảng, Nhà nước được triển khai kịp thời, giúp bà con vươn lên trong cuộc sống. Nhờ đó, số hộ nghèo của thôn hàng năm đều giảm. Cuối năm 2023, thôn chỉ còn 5 hộ nghèo. Kế hoạch dự kiến năm 2024, thôn sẽ giảm được thêm 2 – 3 hộ nghèo.

Được hỗ trợ 10 triệu đồng Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và vay Ngân hàng Chính sách Xã hội 45 triệu đồng, gia đình chị H’Nghiêm, bon Ja Ráh, xã Nâm Nung, huyện Krông Nô đầu tư làm chuồng trại và mua 2 con bò giống về nuôi. Trong quá trình chăn nuôi, chị H’Nghiêm được tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi. Đến nay, đàn bò của chị H’Nghiêm đã sinh sản được 2 con bê.

Tương tự, gia đình chị H’Din, bon R’cập, xã Nâm Nung, huyện Krông Nô thuộc diện nghèo khó do thiếu kiến thức và vốn làm ăn. Xác định được vấn đề này, chính quyền địa phương chọn gia đình chị tham gia dự án chuyển đổi ngành nghề. Chị H’Din chia sẻ: “Gia đình tôi được hỗ trợ 10 triệu tiền làm chuồng bò và vay 50 triệu mua thêm 3 con bò. Hiện nay, đàn bò đã sinh sản thêm 1 con và có con đang sắp sinh. Tôi cố gắng chăm sóc đàn bò thật tốt, để bò tăng đàn, gia đình có thêm được nguồn thu nhập và thoát nghèo”.

Bà H’ Thương, Phó Chủ tịch UBND xã Nâm Nung, huyện Krông Nô cho biết, cuối năm 2023, toàn xã có 8 hộ thuộc diện nghèo được hỗ trợ chuyển đổi nghề. Đây là điểm tựa cho đồng bào phát triển kinh tế và thoát nghèo bền vững. Từ thành công bước đầu của 8 hộ trên, xã tiếp tục rà soát, lấy ý kiến của người dân để hỗ trợ bà con chuyển đổi ngành nghề phù hợp, hiệu quả.

Tận dụng nguồn lực lớn từ 3 chương trình MTQG

Bên cạnh các chính sách đặc thù của tỉnh, từ các dự án của Chương trình MTQG ưu tiên cho vùng kinh tế khó khăn phát triển đã giúp cho các hộ dân nghèo có điều kiện tiếp xúc với nhiều nguồn hỗ trợ. Từ đó, người dân có nguồn vốn phát huy hiệu quả, cải thiện thu nhập và thoát nghèo.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh thực hiện 3 chương trình MTQG là phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới. Năm 2024, tổng nguồn vốn thực hiện 3 chương trình hơn 1.134 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương hơn 907 tỷ đồng và ngân sách địa phương hơn 227 tỷ đồng.

img_1897(1).jpg
Từ nguồn lực của các Chương trình MTQG, nhiều hộ nghèo khó khăn, hộ đồng bào dân tộc thiểu số được hỗ trợ thêm tiền để xây nhà ở kiên cố

Cùng với việc xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, các chương trình MTQG tạo động lực lớn cho các địa phương trong công tác giảm nghèo bền vững. Một số dự án, tiêu chí tập trung giúp các hộ nghèo như Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững; Hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo; Hỗ trợ đất sản xuất, chuyển đổi nghề; Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị;...

Thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững năm 2024, tỉnh Đắk Nông đề ra mục tiêu tổng quát giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo… Tổng kinh phí thực hiện chương trình năm 2024 hơn 350 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương hơn 319 tỷ đồng; ngân sách đối ứng của địa phương hơn 30 tỷ đồng. Hai huyện Đắk Glong và Tuy Đức được ưu tiên phân bổ vốn đầu tư và các tiểu dự án nhiều nhất để hỗ trợ người dân thoát nghèo bền vững.

img_9898.jpg
Đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Đắk R’măng, huyện Đắk Glong được tập huấn kỹ thuật chăn nuôi

Theo ông Hoàng Viết Nam, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh & Xã hội tỉnh Đắk Nông đến nay, Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững đã giải ngân được hơn 393 tỷ đồng, thực hiện 7 dự án hoạt động, đạt tỷ lệ 43,9% vốn được giao của 3 năm 2022, 2023 và 2024. Trong đó, nguồn vốn năm 2024, đã giải ngân được hơn 47 tỷ đồng. Các chương trình, đề án giảm nghèo với mục tiêu là giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo, cải thiện đời sống, tăng thu nhập cho người dân đặc biệt là ở khu vực nông thôn phát huy hiệu quả. Trong 6 tháng đầu năm, công tác đào tạo nghề và hỗ trợ giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh tăng hơn so với cùng kỳ năm 2023. Toàn tỉnh có hơn 11.300 lượt người lao động được tạo việc làm; 190 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng; 3.668 người được đào tạo nghề; cho vay giải quyết việc làm cho 1.261 lao động với số tiền trên 72 tỷ đồng...

Nỗ lực kéo giảm hơn 3.400 hộ nghèo

Kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo cuối năm 2023, toàn tỉnh Đắk Nông còn 8.838 hộ nghèo, chiếm tỉ lệ 5,18%. Theo UBND tỉnh, năm 2024, tỉnh đặt ra mục tiêu phấn đấu kéo giảm trên 3.415 hộ, tương ứng tỉ lệ 3,15%. Tỉnh đặt mục tiêu 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo thiếu hụt về tiêu chí thu nhập được hỗ trợ và tạo điều kiện vay vốn phát triển sản xuất, đào tạo nghề, tạo việc làm ổn định để tăng thu nhập.

Để thực hiện được mục tiêu trên, các cấp ngành triển khai đồng bộ các cơ chế, chính sách, chương trình giảm nghèo phù hợp với thực tiễn. Trong đó, tỉnh lồng ghép 3 chương trình MTQG; huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị để thực hiện thành công chỉ tiêu, mục tiêu giảm nghèo năm 2024.

UBND tỉnh Đắk Nông giao các sở, ban ngành, địa phương khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế sẵn có để thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo. Thực hiện việc giảm nghèo phải xác định rõ nguyên nhân căn cơ, địa chỉ cụ thể, ưu tiên nguồn lực đầu tư cho các cộng đồng, nhóm hộ sản xuất liên kết, theo chuỗi giá trị nâng cao hiệu quả công tác giảm nghèo. Các đơn vị xác định rõ vai trò của tổ chức Đảng, cấp ủy, chính quyền địa phương đối với công tác giảm nghèo bền vững và quá trình triển khai chương trình.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tôn Thị Ngọc Hạnh, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân, tỉnh Đắk Nông đã triển khai, thực hiện cơ bản đạt mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong công tác giảm nghèo bền vững.

Mẫn Doanh