Kinh tế

Phát triển nông nghiệp xanh ở vùng nghèo Đắk Glong

Văn Tâm 11/07/2024 07:17

Huyện Đắk Glong (Đắk Nông) tích cực chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ (KHCN) đến với nông dân, góp phần thúc đẩy nông nghiệp phát triển.

Năm 2022, gia đình anh Nguyễn Văn Thuyên, thôn 3A, xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong tham gia trồng 5 sào cải thảo do HTX Thịnh Phát triển khai.

Anh Thuyên cho biết: “HTX đã giúp chúng tôi làm ra sản phẩm tốt, chất lượng. Quá trình trồng rau luôn có nhân viên kỹ thuật hỗ trợ, đầu ra được doanh nghiệp bao tiêu. Hình thức liên kết này có nhiều ưu điểm hơn cách nông dân tự làm”.

rau-xanh-dak-song4(1).jpg
Huyện Đắk Glong hiện có 3.183ha rau xanh. Chất lượng rau trên địa bàn đã có những chuyển biến tích cực, đáp ứng yêu cầu của thị trường

Năm 2021, HTX Thịnh Phát triển khai đã thực hiện thành công mô hình sản xuất cải thảo theo chuỗi giá trị đạt tiêu chuẩn VietGAP, với quy mô 18ha, gồm 36 hộ thành viên. Cùng với đó, HTX đã ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với Công ty CJFoods Việt Nam.

Đến nay, HTX có tổng diện tích đất canh tác trên 800ha. Trong đó, diện tích cà phê là 574ha, hồ tiêu 125ha, rau xanh 100ha, với 201 thành viên. HTX luôn chủ động xây dựng các mô hình, phương án sản xuất, giúp cải thiện thu nhập cho xã viên, nông dân.

Theo bà Nguyễn Thị Toản, Giám đốc HTX Thịnh Phát, HTX luôn hỗ trợ nông dân áp dụng KHCN nhằm mở rộng diện tích rau xanh chất lượng cao.

Hiện nay, có một số công ty, nhà xuất khẩu uy tín tìm đến HTX đàm phán, thỏa thuận để hợp tác sản xuất, tiêu thụ với nhiều sản phẩm rau, củ, quả.

Công ty cổ phần Nông nghiệp CNC Nam Nung, xã Đắk Ha, thu mua sản phẩm rau xanh của các hộ dân liên kết
Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Nam Nung, xã Đắk Ha, huyện Đắk Glong thu mua sản phẩm rau xanh của các hộ dân liên kết

Còn tại xã Đắk Ha, năm 2023, Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao (CNC) Nam Nung đã liên kết với khoảng 20 hộ dân trên địa bàn trồng cải bắp, cải thảo, súp lơ, cần tây… Nhiều hộ dân liên kết đã có thu nhập trên 140 triệu đồng/ha rau xanh.

Theo Phòng NN – PTNT huyện Đắk Glong, đến nay, huyện có trên 1.500ha các loại cây công nghiệp, cây ăn trái ứng dụng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Trong đó, cà phê đạt tiêu chuẩn 4C, UTZ, Fair trade khoảng 850 ha, với 270 nông hộ; hồ tiêu ứng dụng công nghệ tưới nước nhỏ giọt khoảng 100 ha, với 75 hộ; cây ăn trái ứng dụng công nghệ tưới nước nhỏ giọt, đạt tiêu chuẩn khoảng 78,5 ha, với 80 hộ.

Ông Bùi Văn Sáng, Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp CNC Nam Nung cho hay: "Công ty đã triển khai nhiều biện pháp giúp người dân thay đổi dần tập quán canh tác truyền thống. Từ đó, ứng dụng hiệu quả các tiến bộ KHCN để nâng cao giá trị sản phẩm, cải thiện thu nhập".

Theo ông Nguyễn Đức Hải, Trưởng Phòng NN – PTNT huyện Đắk Glong, việc xây dựng và nhân rộng các mô hình nông nghiệp ứng dụng CNC gắn với chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm của huyện đang có nhiều triển vọng.

Trong đó, một số đơn vị như: HTX Danofarm, HTX Đại Đồng Tiến, HTX Dược liệu An Phúc Khang, HTX CNC Đắk Ha…. liên kết với các hộ nông dân trồng, sơ chế, chế biến cà phê, dược liệu... mang lại kết quả cao bước đầu.

tuoi-nho-giot-sau-rieng(1).jpg
Ông K'Sớ, xã Quảng Khê đã sử dụng công nghệ tưới nước nhỏ giọt để cung cấp nước cho 8ha sầu riêng

Quá trình ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, các tiêu chuẩn 4C, VietGAP, Global GAP trên cây cà phê, cây ăn trái, chăn nuôi heo hướng nạc theo quy mô công nghiệp… đã giúp ngành Nông nghiệp của huyện từng bước chuyển dịch theo hướng hàng hóa, gắn với thị trường.

“Bên cạnh đó, các biện pháp canh tác bền vững trên đất dốc, luân canh, xen canh cây trồng, quản lý nguồn nước… được áp dụng rộng rãi, giúp cho sản xuất nông nghiệp của huyện từng bước phát triển theo hướng hiện đại, bền vững hơn”, ông Hải cho biết thêm.

UBND huyện Đắk Glong hiện đã lựa chọn 8 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để triển khai thực hiện, bao gồm: 5 vùng trồng trọt (hồ tiêu, cà phê, cây ăn trái); 2 vùng chăn nuôi (bò thịt, bò sinh sản, thủy sản); 1 vùng chăn nuôi heo thịt gắn với giết mổ.

Văn Tâm