Anh "cài đặt" lại quan hệ với các đồng minh

Dòng chảy thông tin - Ngày đăng : 06:55, 08/07/2024

Tân Thủ tướng Anh Keir Starmer cam kết sẽ đem lại sự thay đổi cho nước Anh sau khi Công đảng của ông giành chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử tại Xứ sở sương mù. Chính phủ mới của Anh tuyên bố đây là thời điểm để "cài đặt" lại quan hệ giữa London với các đồng minh châu Âu và các đối tác.
Tân Thủ tướng Anh Keir Starmer phát biểu bên ngoài tòa nhà số 10 phố Dowing, ngày 5/7. (Ảnh: THX/TTXVN)
Tân Thủ tướng Anh Keir Starmer phát biểu bên ngoài tòa nhà số 10 phố Dowing, ngày 5/7. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ngày 6/7, Bộ trưởng Ngoại giao mới được bổ nhiệm của Anh, ông David Lammy đã tới Đức trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên chỉ một ngày sau khi Công đảng giành chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử ở Anh. Theo thông báo của Bộ Ngoại giao Đức trên mạng xã hội X, Bộ trưởng Ngoại giao nước này Annalena Baerbock đã nhấn mạnh trong cuộc gặp với ông Lammy rằng "Anh là một phần không thể thiếu của châu Âu".

Bà cũng cho biết thêm Berlin đang thúc đẩy để London tiến gần hơn đến EU. Về phần mình, cũng trên mạng xã hội X, Bộ trưởng Ngoại giao Lammy khẳng định hiện tại là thời điểm để "cài đặt lại" quan hệ giữa Anh với các đồng minh châu Âu. Ông cho biết, tại cuộc gặp, hai bên đã thảo luận nhiều vấn đề, từ việc tăng cường hỗ trợ của NATO cho Ukraine, tình hình ở Trung Đông cho đến chống biến đổi khí hậu.

Trước đó, trong cuộc điện đàm giữa Thủ tướng Anh Keir Starmer với Tổng thống Mỹ Joe Biden, hai nhà lãnh đạo tái khẳng định mối quan hệ song phương đặc biệt và tầm quan trọng của việc cùng nhau hợp tác. Tổng thống Biden bày tỏ mong muốn hợp tác chặt chẽ với Thủ tướng Starmer đối với một loạt vấn đề quan trọng, trong đó có thỏa thuận Ngày thứ sáu tốt lành, cũng như hợp tác với các nhà lãnh đạo vùng lãnh thổ Bắc Ireland về các cơ hội tăng trưởng và kinh tế.

Bên cạnh đó, hai nhà lãnh đạo còn tái khẳng định việc duy trì sự ủng hộ đối với Ukraine. Theo kế hoạch, Thủ tướng Starmer sẽ tới thủ đô Washington của Mỹ vào tuần tới để dự Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Ngoài ra, tân Thủ tướng Anh cũng cam kết thúc đẩy quan hệ với Ấn Độ và Nhật Bản. Trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, hai nhà lãnh đạo nhất trí nỗ lực hướng tới mục tiêu sớm ký kết Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương. Hai nhà lãnh đạo Anh và Ấn Độ nhắc lại mối quan hệ lịch sử giữa hai nước, đồng thời tái khẳng định thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện song phương.

Theo Bộ Ngoại giao Nhật Bản, trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Starmer, Thủ tướng Fumio Kishida nhấn mạnh Nhật Bản sẵn sàng hợp tác với Anh duy trì và củng cố một trật tự quốc tế tự do và rộng mở dựa trên pháp trị, trong bối cảnh môi trường an ninh toàn cầu phức tạp hơn. Hai nhà lãnh đạo cũng xác nhận rằng Nhật Bản và Anh sẽ tiếp tục một dự án chung với Italia để phát triển máy bay chiến đấu thế hệ tiếp theo.

Không chỉ ưu tiên cài đặt lại quan hệ với các đối tác chủ chốt, chính phủ mới của Anh còn hướng đến cách tiếp cận mới trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng di cư. Tân Thủ tướng Anh cho biết ông "không chuẩn bị" để tiếp tục xúc tiến kế hoạch hàng đầu của chính phủ tiền nhiệm nhằm trục xuất người di cư sang Rwanda.

Phát biểu trước báo giới tại cuộc họp báo đầu tiên trên cương vị Thủ tướng, ông Keir Starmer khẳng định: "Kế hoạch Rwanda đã chết và bị chôn vùi trước khi nó bắt đầu". Nhập cư ngày càng trở thành một vấn đề chính trị quan trọng kể từ khi Anh rời Liên minh châu Âu (còn gọi là Brexit) vào năm 2020, phần lớn nhờ cam kết kiểm soát biên giới của đất nước. Ông Starmer chỉ trích chính sách của chính phủ tiền nhiệm Anh rằng đây không phải là biện pháp ngăn chặn cũng như không xứng đáng với số tiền bỏ ra.

Ông đã cam kết giải quyết vấn đề "ngược dòng" bằng cách xóa bỏ các băng nhóm buôn người. Trọng tâm của chính sách này sẽ là thành lập Bộ Tư lệnh An ninh biên giới "tinh nhuệ" mới, bao gồm các chuyên gia thực thi pháp luật và nhập cư, cũng như cơ quan tình báo nội địa MI5.

Ngoài ưu tiên đặt trọng tâm vào các chính sách đối ngoại, chính phủ mới của Anh cam kết sẽ cùng với người dân thực hiện các thay đổi để xây dựng lại nước Anh. Nội các mới của Anh gồm 27 thành viên, trong đó có nhiều kỷ lục được ghi nhận với 11 thành viên nữ và có nữ Bộ trưởng Tài chính đầu tiên trong lịch sử, cho thấy nước Anh đã sẵn sàng thay đổi.

Kết quả cuộc tổng tuyển cử với thất bại lớn nhất trong lịch sử của đảng Bảo thủ và thắng lợi vang dội của Công đảng đã phản ánh mong muốn thay đổi của cử tri Anh sau 14 năm cầm quyền của đảng Bảo thủ với 5 đời thủ tướng khi đất nước trải qua thời kỳ "thắt lưng buộc bụng", bị tác động tiêu cực của Brexit, dịch Covid-19, cú sốc giá năng lượng và cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt.

Trong bài phát biểu đầu tiên tại Phố Downing, Thủ tướng Keir Starmer nói rõ người dân Anh đã bỏ phiếu cho sự thay đổi, cho sự đổi mới đất nước và đưa chính trị trở lại phục vụ công chúng.

Ông cam kết chính phủ của Công đảng sẽ "hành động thay vì lời nói" để đạt được những thay đổi trên và rằng người dân Anh sẽ được phục vụ với sự tôn trọng. Hy vọng rằng, việc chính phủ mới ở Anh cài đặt lại quan hệ với EU và thực hiện những thay đổi nêu trên sẽ mang đến "làn gió mới" cho sự phát triển của Anh nói riêng, châu Âu nói chung.

THĂNG LONG