Tìm lời giải bài toán 1.000 học sinh tốt nghiệp THCS chưa có nơi học
Trước thực trạng thiếu giáo viên và nhiều học sinh tốt nghiệp THCS chưa có nơi học lớp 10, lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Nông đề xuất phương án học ca 2, ca 3.
Vượt chỉ tiêu, thiếu trường lớp
Thiếu giáo viên, trường lớp cho học sinh là một trong những vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm, trăn trở tại phiên thảo luận tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Đắk Nông lần thứ 16, khóa XII diễn ra vào ngày 4/7 mới đây.
Theo ông Vũ Tiến Lư, Bí thư Huyện ủy Đắk Glong, dự kiến năm học 2024 - 2025, địa phương tiếp tục gặp khó về giáo viên đứng lớp. Hàng năm, trên địa bàn huyện tăng khoảng 300 học sinh. Mặc dù huyện chủ trương hợp đồng giáo viên, tuy nhiên do mức lương thấp (khoảng 6,3 triệu đồng/tháng), dạy ngày nào trả ngày đó, nên khó thu hút. Với mức lương 6,3 triệu đồng/tháng, nếu vào xã Quảng Hòa, xã Đắk R’măng để dạy thì không đủ tiền xăng đi về. Tới đây, giáo viên của Đắk Glong xin chuyển 20 trường hợp, trong khi chuyển đến chỉ có 1 trường hợp. Đây là vấn đề hết sức khó khăn đối với huyện.
Liên quan đến số học sinh THPT của xã Quảng Hòa phải sang Đắk Lắk học, năm nay, Đắk Lắk chỉ cho 30 chỉ tiêu/60 học sinh, nên địa phương phải qua để can thiệp. Ông Vũ Tiến Lư đề xuất, tỉnh nghiên cứu, có lộ trình để khắc phục tình trạng này. Hiện nay, cơ sở vật chất trường học của tỉnh tương đối bảo đảm, việc mở điểm trường để học sinh không phải đi Đắk Lắk, TP. Hồ Chí Minh học cần định hướng, xây dựng.
Bí thư Huyện ủy Đắk Song K’Thanh nêu ý kiến, hiện nay, nhiều phụ huynh trên địa bàn huyện lo lắng vì con em sau khi tốt nghiệp THCS chưa biết học ở đâu. Toàn huyện hiện có 4 trường THPT và 1 Trung tâm Giáo dục thường xuyên- Giáo dục nghề nghiệp. Tuy nhiên, so với chỉ tiêu được giao, toàn huyện có 119 học sinh tốt nghiệp THCS nhưng không thể đăng ký vào 5 trường trên.
Tương tự, ông Hồ Xuân Hậu, TUV, Bí thư Huyện ủy Tuy Đức cho biết, hiện địa phương chỉ có 1 trường THPT, 1 trường liên cấp và trường chuyên biệt. Nhiều học sinh của huyện Tuy Đức phải học nhờ bậc học THPT tại huyện Đắk R’lấp. “Qua khảo sát, rất nhiều người dân có nhu cầu cho con em mình học THPT tại ngay địa phương. Nếu có một ngôi trường mới, sẽ tạo điều kiện cho học sinh học tập thuận tiện hơn", ông Hồ Xuân Hậu nói.
Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở GD-ĐT thông tin, năm 2024, toàn tỉnh có hơn 1.000 học sinh tốt nghiệp THCS chưa phân luồng được. Theo định hướng của ngành Giáo dục, đối với tuyển sinh lớp 10 thì 70% vào THPT, 30% vào học nghề. Trong khi đó, có những huyện đã tuyển sinh 80% học sinh THCS vào THPT. Nếu tuyển sinh 100% vào lớp 10 sẽ không đủ phòng học và giáo viên.
Mặt khác, hợp đồng giáo viên theo Nghị định số 111/2022/NĐ-CP của Chính phủ thì lương thấp nên rất khó tuyển dụng, nhất là ở vùng sâu, vùng xa. Ngoài ra, hiện nay, một số giáo viên hợp đồng năm học 2023-2024 theo Nghị định số 111 chưa được giải quyết lương. Vấn đề này gây khó khăn cho ngành Giáo dục trong thời gian qua, nhất là chuẩn bị năm học mới 2024 - 2025.
Đề xuất phương án học ca 2, ca 3
TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Tôn Thị Ngọc Hạnh cho rằng, những năm qua, vấn đề tăng dân số cơ học, cơ sở vật chất giáo dục và quản lý biên chế giáo viên là thách thức đối với tỉnh Đắk Nông. Trong khi số học sinh các cấp tăng từng năm thì số lượng biên chế giáo viên lại giảm. Điều này, ảnh hưởng tới chỉ tiêu tuyển sinh của các trường. Để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên, thừa học sinh, tỉnh Đắk Nông đã xây dựng Trường Cao đẳng Cộng đồng và các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, nhưng việc tuyển sinh chưa đạt kết quả cao. Nguyên nhân được đưa ra là phụ huynh, học sinh vẫn có tâm lý lựa chọn trường công, lựa chọn học THPT.
Theo bà Tôn Thị Ngọc Hạnh, các trường học đang triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018, học sinh chỉ học một buổi. Nếu như tuyển sinh hết toàn bộ học sinh vào học THPT, tỉnh Đắk Nông sẽ đối diện với 2 khó khăn đó là thiếu giáo viên và thiếu trường lớp. Để giải quyết thì phải học ca 2, ca 3. Tuy nhiên, việc này cần có kinh phí để trả tiền dạy cho giáo viên.
Liên quan đến vấn đề hơn 1.000 học sinh chưa có nơi học lớp 10, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Hồ Văn Mười cho rằng, đây là vấn đề cần rút kinh nghiệm đối với ngành Giáo dục và các địa phương trong việc rà soát nhu cầu, nguyện vọng của học sinh cuối cấp. Bên cạnh kiến nghị Trung ương phân bổ biên chế giáo viên và bố trí vốn để nâng cấp cơ sở trường học thì cần có giải pháp trước mắt, trong đó có tổ chức học ca 2, ca 3 và nâng sĩ số lớp học.
Đối với việc học sinh và phụ huynh vẫn còn tâm lý lựa chọn trường THPT sau khi tốt nghiệp THCS, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Đắk Nông Lưu Văn Trung cho rằng, UBND tỉnh, các sở, ngành rà soát, đánh giá lại việc thực hiện chế độ chính sách đối với học sinh phải đi học nhờ tại tỉnh khác hoặc học tại trung tâm giáo dục thường xuyên để có giải pháp hỗ trợ phù hợp. Việc hơn 1.000 học sinh chưa có nơi học, Sở GD & ĐT xây dựng lộ trình, cần thiết để xây dựng nghị quyết trình HĐND sớm xem xét, thông qua.
Phát biểu kết luận tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 16, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông Ngô Thanh Danh nhấn mạnh, giáo dục là vấn đề tác động đến xã hội rất lớn, là quyền của học sinh nên cần báo cáo sớm cho Thường trực Tỉnh ủy để chỉ đạo kịp thời.